Là một huyện nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, Tuy Phước có 999 ha hồ tôm (chiếm 1/2 diện tích toàn tỉnh). Trong 2 năm qua, nạn dịch tôm đã liên tiếp xảy ra, vì vậy, bước vào vụ nuôi năm 2003, Tuy Phước đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm làm giảm thiểu dịch bệnh.
Tại xã Phước Hòa, nơi có 440 hộ nuôi với 327 ha hồ tôm, chúng tôi được ông Đào Xuân Hùng – Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: “Một trong những nguyên nhân gây bệnh cho tôm trong nhiều năm qua chủ yếu là do môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc nuôi tôm ở đây chưa mang tính chất cộng đồng nên khi có một hồ bị nhiễm bệnh là mầm bệnh lây lan sang những hồ khác. Do diện tích nuôi tôm ở Phước Hòa tăng nhanh nên hệ thống tiêu thoát nước được thiết lập ban đầu không đáp ứng được nhu cầu. Trước đây, vùng Tân Đề – Hà Dơi chỉ có 135 ha diện tích nuôi tôm thì con sông Tân Đề – Hà Dơi có thể tiêu thoát đủ, nhưng nay đã tăng đến 200 ha nên việc tiêu thoát nước trở nên khó khăn, làm cho môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Để khắc phục tình trạng này, UBND xã vừa mở một cửa thoát mới tại tràn “30 ha” (khẩu độ 15 mét) và tiếp đến sẽ mở thêm cổng Ông Dân tại thôn Huỳnh Giản. Về lâu về dài, Phước Hòa sẽ kiến tạo vùng lấy nước và vùng tiêu thoát riêng biệt để tạo sự an toàn môi trường cho nguồn nước. Trong vụ nuôi này, 2 ha được thả nuôi sớm (trước Tết ÂL) đã bị nhiễm bệnh như một lời “cảnh báo” cho những hộ nuôi tôm, nên số diện tích còn lại sẽ được thả nuôi đúng lịch thời vụ của Sở Thủy sản đưa ra (trong tháng 3-2002) với mật độ thả thưa 15 con/m2 (5 vạn giống/ha). Toàn bộ diện tích còn lại sẽ được cải tạo, thả giống cùng lúc và hình thái nuôi tôm mang tính chất cộng đồng sẽ được hình thành.
Còn ở xã Phước Sơn, nơi có 250 hộ nuôi tôm với 304 ha, tình hình môi trường nước cũng chẳng có gì sáng sủa. Đa số diện tích hồ tôm ở đây được nuôi bằng nguồn nước của đầm Thị Nại luôn bị nhiễm bẩn. Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã: Từ nhiều năm qua, trong khu vực đầm Thị Nại nằm trên địa bàn xã có 23 hộ dân hành nghề đăng lưới để nuôi tôm, cua. Thực phẩm mà họ cho tôm cua ăn không đảm bảo chất lượng (cá, cua chết) làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến 173 ha nuôi tôm ở khu vực Cồn Chim. Trước vụ thả nuôi này, UBND và Phòng NN-PTNT huyện đã về tổ chức hội thảo tại địa phương để tìm nguyên nhân gây dịch bệnh cho tôm trong nhiều năm qua và bàn biện pháp khắc phục.
Làm việc với Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, chúng tôi được biết thêm: Hầu hết diện tích nuôi tôm ở Tuy Phước đều “ăn” nước của đầm Thị Nại. Theo khảo sát của các nhà chuyên môn thì lượng nước cấp và nước thải đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Để nuôi tôm có hiệu quả, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, Tuy Phước đang thành lập các chi hội nuôi tôm, thực hiện nuôi tôm theo quy chế chung, nhằm bảo vệ an toàn cho môi trường nuôi. Theo đó, các hộ nuôi ứng dụng các tiến bộ KHKT, hỗ trợ lẫn nhau về vốn và kinh nghiệm nuôi, đặc biệt là tuyệt đối chấp hành quy định chung về cách xử lý ao hồ khi xảy ra dịch bệnh.
Với những biện pháp tích cực kể trên, hy vọng Tuy Phước sẽ có một vụ tôm mới ít rủi ro hơn những năm vừa qua.