|
Điểm bưu điện văn hóa xã An Hòa -huyện An Lão |
Trong chuyến công tác gần đây tại huyện miền núi An Lão, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân đến Bưu điện văn hóa (BĐVH) xã An Hoà để gọi điện. Anh Trần Văn Hiện, một người dân ở đây tâm sự: “Cái tên Bưu điện văn hóa xã An Hòa đã trở nên thân thuộc với bà con chúng tôi. Nhờ nó mà bà con vùng cao chúng tôi không còn phải chịu cảnh thiếu thông tin như những năm trước mà đã có điều kiện để liên lạc với các nơi, nắm bắt kịp thời thông tin và có kế hoạch làm ăn phù hợp”.
Quả như lời anh nói, có đi về những vùng nông thôn, đi lên các huyện vùng cao chúng ta mới biết và thấu hiểu được nhu cầu thông tin của bà con nông dân ở đây. Do điều kiện nông thôn còn nhiều thiếu thốn, giao thông trắc trở nên các thông tin đến được nơi này đa phần đều lạc hậu. Anh Nguyễn Đình Hùng, một người dân ở Canh Hiển (Vân Canh), nói: “Ngày trước, do thông tin liên lạc chưa phát triển, cả xã chỉ có các cơ quan mới có máy điện thoại nên bà con nông dân không có điều kiện liên lạc với các nơi để có kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất. Bởi vậy, bà con chỉ biết sản xuất mà không nắm bắt được nhu cầu và giá cả thị trường nên hàng làm ra không bán được hoặc bị tư thương ép giá. Còn bây giờ, nhờ có điện thoại nên đã đỡ hơn nhiều”. Quả thật, nhờ hệ thống viễn thông ở nông thôn phát triển nên nhiều nông dân có điều kiện nắm bắt thông tin để làm ăn và phát triển kinh tế. Chị Trần Thị Minh Nguyệt, nhân viên phục vụ tại BĐVH xã Canh Hiển, cho chúng tôi biết: “Ở đây, ngoài những người đến đọc sách báo, gởi thư, còn nhiều người đến gọi điện thoại để trao đổi công việc làm ăn, về giá cả các mặt hàng nông sản trên thị trường…”
Để có được mạng lưới thông tin về nông thôn, những năm qua, ngành Bưu điện tỉnh đã không ngừng đầu tư phát triển mạng viễn thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hàng năm, Bưu điện tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng lắp đặt tổng đài, mạng cáp tại các huyện, xây dựng bưu cục, nhà trạm, lắp đặt các thiết bị chuyển mạch, truyền dẫn, kéo cáp để phục vụ cho nông thôn. Với những nỗ lực phát triển đó, đến nay Bưu điện tỉnh có 235 cơ sở bưu điện phục vụ. Bình quân mỗi cơ sở phục vụ 6.472 người với bán kính phục vụ bình quân là 2,88 km. Tổng số máy điện thoại trên mạng hiện có 54.597 máy, đạt mật độ 3,6 máy/100 dân, trong đó số máy ở nông thôn chiếm gần 30.000 máy. Các huyện vùng cao như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh ngày trước hầu như chỉ có các cơ quan mới có điện thoại thì hiện nay mỗi huyện cũng có gần 500 máy. Hệ thống điện thoại cũng đã được phủ kín 100% xã trong tỉnh từ năm 1996.
Hệ thống viễn thông phát triển đã góp phần phục vụ kịp thời thông tin cho các cơ quan, chính quyền và phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân nơi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Nhờ đó, khoảng cách về kinh tế-xã hội giữa vùng nông thôn và thành thị của tỉnh ngày càng gần hơn.
|