|
Công ty đường Bình Định |
Trong chương trình phấn đấu đạt sản lượng 1 triệu tấn đường vào năm 2000 của Chính phủ (được khởi động năm 1994), Bình Định được đưa vào quy hoạch phát triển công nghiệp mía đường của cả nước. Ngày 8-3-1995, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định thành lập Công ty Đường Bình Định (BISUCO), trong đó có nhà máy đường với công suất 1.000 tấn mía cây/ngày, sản lượng 15.000 - 20.000 tấn đường kính trắng/năm, nhằm tạo thêm hướng ra cho hàng vạn nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng… Đến nay, sau 8 năm hoạt động, BISUCO đã vươn lên trở thành một trong những cơ sở công nghiệp hàng đầu ở Bình Định.
* Những ngày đầu vượt khó
Những ngày đầu bắt tay vào xây dựng, lực lượng cán bộ quản lý, kỹ thuật của Công ty còn rất mỏng, hiểu biết về công nghệ mía đường còn nhiều hạn chế. Thế nhưng, sau 2 năm thi công xây dựng vừa tiếp nhận thiết bị, công nghệ sản xuất, vừa đào tạo công nhân, triển khai xây dựng vùng nguyên liệu… ngày 24-4-1997, dòng đường trắng đầu tiên – sự kết tinh của sức lao động và trí tuệ của tập thể BISUCO đã tuôn chảy, đánh dấu sự khởi đầu của một ngành công nghiệp mới mẻ trên đất Bình Định.
Việc tiến hành thực hiện một dự án mía đường có quy mô sản xuất công nghiệp với thời gian thi công gấp rút, cùng với sự hối thúc của vùng nguyên liệu đòi hỏi nhà máy phải vận hành đúng kế hoạch… là những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua. Nhưng chính điều đó đã tạo nên động lực kích thích đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật của Công ty nhanh chóng chinh phục những thách thức. Không chỉ có vậy, ngay sau vụ ép đầu tiên đạt mức công suất thiết kế, năm 1998 các cán bộ kỹ thuật nhà máy đã tiến tới giữ luôn vai trò “chủ công” trong việc nâng công suất của nhà máy lên 1.500 tấn mía cây/ngày. Và đến vụ ép năm nay, công suất của BISUCO đã được nâng lên mức 1.800tấn/ngày.
* Phân kỳ đầu tư hợp lý
Cùng với quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, Công ty đã không ngừng đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật, tổ chức bộ máy quản lý sản xuất hợp lý. Đến nay, lực lượng cán bộ lao động của BISUCO đã có 70 cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng, 100 cán bộ trung cấp, hơn 300 công nhân kỹ thuật. Hệ thống quản lý và điều hành sản xuất được xây dựng một cách bài bản và kịp thời là yếu tố quan trọng để các hoạt động của BISUCO nhịp nhàng và hiệu quả.
Sau vụ ép đầu tiên đạt được công suất 1.000 tấn mía cây/ngày, Công ty đã mạnh dạn lập dự án nâng công suất ép lên 1.500 tấn mía cây/ ngày. Đây là một bước đi táo bạo, thể hiện tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của Công ty, bởi lẽ ngay vào thời điểm ấy, kinh nghiệm mà công ty có được mới chỉ là một niên vụ ép, việc vận hành dây chuyền công nghệ đôi lúc vẫn còn gặp trục trặc. Thế nhưng chính vì dám lao vào khó khăn, đầu tư trí tuệ để tháo gỡ từng bước một, nên dự án nâng công suất đã thành công. Đặc biệt, Công ty đã cải tiến quy trình đốt lò hơi để thay thế việc sử dụng dầu FO, chỉ sử dụng bã mía thải để tiết kiệm được 5 tấn dầu/ngày.
Do tình hình phát triển của vùng nguyên liệu đòi hỏi phải tăng công suất ép, một lần nữa Công ty lại thực hiện kế hoạch nâng công suất ép. Các cán bộ kỹ thuật trẻ tuổi đời lẫn tuổi nghề của BISUCO không chỉ viết dự án, lên thiết kế thi công, lắp đặt thiết bị mà còn mạnh dạn đặt vấn đề với các nhà máy cơ khí trong tỉnh và trong nước sản xuất thiết bị phục vụ cho kế hoạch nâng cấp. Điều đáng trân trọng ở đây không chỉ là kết quả tiết kiệm cho Công ty, cho Nhà nước tiền triệu tiền tỉ, mà đáng nói hơn là con số 3/4 công việc, thiết bị, nhân lực… thực hiện dự án là sản phẩm mang dấu ấn trí tuệ của người Bình Định, những người chỉ làm quen với công nghệ sản xuất đường mới có 3 năm.
Thực tiễn trong 8 năm qua đã chứng minh, phân kỳ đầu tư hợp lý, có chọn lọc và vững chắc là đường đi đúng đắn, nhất là đối với một doanh nghiệp phải xây dựng bằng vốn vay, vừa học vừa làm và lấy chính việc làm để học. Theo khảo sát của Bộ NN - PTNT, trong số hàng chục nhà máy đường thuộc chương trình 1 triệu tấn đường sử dụng công nghệ thiết bị Trung Quốc thì nhà máy của BISUCO đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Chỉ sau 8 năm hình thành và phát triển từ con số không, giờ đây trong danh mục các đơn vị thuộc chương trình 1 triệu tấn đường năm 2000, BISUCO đã có mặt ở tốp đầu.
* Phát triển và ổn định vùng nguyên liệu
Nguyên liệu mía là yếu tố sống còn của bất kỳ nhà máy đường nào. Vì vậy việc quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu được Công ty đặc biệt quan tâm từ khâu chọn giống mía, quy hoạch vùng trọng điểm, cho đến việc đầu tư giúp nông dân phát triển diện tích và năng suất mía… Trong 8 năm, Công ty đã đầu tư hơn 14 tỉ đồng phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ đầu tư giao thông cho vùng nguyên liệu gần 2 tỉ đồng để làm mới và nâng cấp hơn 10 km đường giao thông, trong đó có 3 cầu cống. Khi vùng nguyên liệu đã định hình về diện tích từ 5.000ha năm 1995 lên 10.000ha năm 1998, Công ty tiến hành chuyển hướng sang phát triển vùng nguyên liệu theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng, đi vào đầu tư chiều sâu như hỗ trợ xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, giao thông vùng mía, phổ biến việc sử dụng phân sinh học. Nhờ vậy trong một vài năm gần đây, năng suất và chất lượng mía ở Bình Định đã được nâng lên đáng kể, tạo tiền đề để nhà máy vận hành hết công suất. Ở thời điểm cao nhất, Công ty đã tiêu thụ 400.000 tấn mía nguyên liệu, sản xuất 35.000 tấn đường/vụ.
* Từng bước khẳng định mình
Có thể nói từ chỗ chưa có mà đi lên, vượt qua bao thử thách, BISUCO đã từng bước khẳng định mình. Sản phẩm đường kết tinh mang nhãn hiệu BISUCO có chất lượng cao, giá thành hợp lý đã có chỗ đứng trên thị trường. Nhờ vậy, Công ty đã trả xong toàn bộ nợ vay đầu tư xây dựng, nộp ngân sách Nhà nước được 35 tỉ đồng; tạo việc làm và ổn định đời sống cho hơn 600 công nhân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng ngàn hộ gia đình nông dân ở khu vực các huyện Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát …
Không chỉ chăm lo sản xuất, kinh doanh, công tác xây dựng Đảng, tổ chức đoàn thể quần chúng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao của Công ty không ngừng phát triển, trở thành phong trào sâu rộng trong các phòng ban, các bộ phận sản xuất trong Công ty. Sự ra đời và lớn mạnh không ngừng của Công ty đã gắn liền với sự ra đời và lớn mạnh không ngừng của các tổ chức, đoàn thể.
Trong những năm gần đây, Công ty hướng việc đầu tư sang các lĩnh vực khác sau và ngoài đường mía. Đó là liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất phân sinh hóa Sông Côn, công suất 5.000 tấn/năm; Công ty cổ phần sản xuất bao bì PP, PE các loại cung cấp cho các nhà máy đường, nông sản, xi măng… Cả hai doanh nghiệp trên đều hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với thu nhập khá và ổn định. Công ty cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất ván ép công suất 5.000 m3/năm, trị giá 24 tỉ đồng ở Tả Giang, Tây Sơn. Nhà máy này sẽ bắt đầu cho ra sản phẩm vào đầu tháng 5-2003. Đây là nhà máy vệ tinh đầu tiên bên cạnh nhà máy đường trong dự án xây dựng cả một cụm công nghiệp tại đây do Công ty là chủ đầu tư (gồm các nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu, cồn thực phẩm, may mặc, cơ khí dịch vụ, chế biến lâm sản…)
Trong tháng 3 này, Công ty đường Bình Định sẽ tiến hành cổ phần hóa theo phương thức Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Việc cổ phần hóa nhằm tạo nên một doanh nghiệp do Nhà nước cùng với người lao động và nông dân trồng mía cùng sở hữu và quản lý. Với đặc thù riêng của ngành sản xuất mía đường, việc cổ phần hóa sẽ phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, cổ đông; gắn bó giữa nhà máy với người trồng và cung cấp nguyên liệu với tư cách vừa là chủ sở hữu (cổ đông), vừa là bạn hàng, nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao và giá cả hợp lý; tạo nên phương thức điều hành mới, năng động hơn, mang lại hiệu quả cao hơn cả cho doanh nghiệp, cổ đông và Nhà nước.
8 năm hoạt động của một doanh nghiệp không thể nói là nhiều. Nhưng những thành quả mà BISUCO gặt hái được là đáng ghi nhận. Dẫu còn không ít khó khăn phía trước, nhưng với sức trẻ, với tinh thần tiến công chắc chắn BISUCO sẽ còn gặt hái nhiều thành công to lớn hơn trong hành trình phát triển của mình.
. Cát Hùng - Bảo Anh |