|
Tàu đánh bắt xa bờ chuẩn bị ra khơi |
Chương trình vay vốn ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5 năm 1997 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho ngư dân. Thế nhưng, qua nhiều năm đạt được kết quả đáng kể, thì vấn đề nổi lên hiện nay trong cả nước nói chung và Bình Định nói riêng là tình trạng thu hồi vốn vay rất khó khăn. Thực trạng này ra sao, và giải pháp nào để giải quyết thực trạng đó?
Cuối tháng 11 năm 1997, cơn bão số 5 đã đổ bộ vào 14 tỉnh ven biển Nam bộ và Nam Trung bộ, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Để giúp ngư dân khắc phục hậu quả nặng nề đó, ngày 20.11.1997, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 985 về việc khắc phục hậu quả, khôi phục và phát triển sản xuất cho các tỉnh ven biển Nam bộ và Nam Trung bộ. Chương trình vay vốn ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5 là một trong những nội dung được Thủ tướng chỉ đạo trong Quyết định này. Có thể nói, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho ngư dân sau khi bị thiên tai tàn phá. Chủ trương này đã được ngành Ngân hàng (NH) và các tỉnh thực hiện tốt với hơn 4.000 hộ của 14 tỉnh được vay vốn ưu đãi, tổng số vốn đã vay hơn 1.550 tỷ đồng. Mục đích của chủ trương đã đạt được, không những giúp các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả do cơn bão số 5 gây ra, mà còn nâng cao năng lực khai thác hải sản của các địa phương. Thế nhưng, qua nhiều năm đạt được kết quả đáng kể, thì vấn đề nổi lên hiện nay của chương trình này là tình trạng thu hồi vốn vay rất khó khăn. Tính đến cuối năm 2002, các hộ vay vốn theo chương trình ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5 mới chỉ trả được gần 400 tỷ đồng, tức là chỉ hơn 1 phần 4 tổng nguồn vốn vay. Số dư nợ còn đến hơn 1.150 tỷ đồng.
Ở Bình Định, thực hiện Chương trình vay vốn ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5 năm 1997, các NH thương mại trong tỉnh đã cho 633 hộ vay vốn, với tổng số vốn đã cho vay hơn 132,5 tỷ đồng để đóng mới 198 tàu thuyền, trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại, sữa chữa 417 tàu thuyền khác và mua sắm ngư cụ. Việc cho vay này không những đã khắc phục kịp thời hậu quả cơn bão số 5 mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy ngành thủy sản địa phương phát triển. Cũng như các tỉnh khác sau khi thực hiện chương trình vay vốn ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5, vấn đề nổi lên ở Bình Định là thu hồi nguồn vốn này là vô cùng khó khăn. Sau 5 năm cho vay, các NH ở Bình Định mới chỉ thu hồi được hơn 27,8 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 21% so với tổng nguồn vốn cho vay. Số dư nợ còn đến hơn 104,7 tỷ đồng. Mặc dù các NH đã thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ, kể cả việc gia hạn nợ, giãn nợ đối với những hộ thực sự khó khăn, song kết quả vẫn rất hạn chế. Vì sao vấn đề thu hồi nợ vay Chương trình vay vốn ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5 lại khó khăn đến như vậy?
Theo nhìn nhận chung, sở dĩ thu hồi vốn khó khăn là do những nguyên nhân sau đây:
Khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan và địa phương vì nóng lòng khắc phục hậu quả thiên tai, mặt khác cũng muốn thông qua nguồn vốn của chương trình để mở rộng sản xuất, nên đã triển khai chủ trương vay vốn một cách ồ ạt. Ngư dân thì ngộ nhận đây là nguồn vốn Nhà nước cấp để khắc phục thiệt hại. Nhận thức ban đầu này là nguyên nhân sâu xa tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ vào việc khoanh nợ, xóa nợ của Nhà nước cho người vay. Biểu hiện rõ nhất cho nhận thức này là một số hộ mặc dù sản xuất có hiệu quả nhưng cố tình dây dưa, chây ỳ không trả nợ cho NH hoặc trả nợ với mức thấp hơn nhiều so với mức đã cam kết, thậm chí có hộ từ khi vay vốn đến nay không hề đến NH để trả nợ hoặc làm thủ tục gia hạn nợ hoặc điều chỉnh kỳ hạn nợ
Trong khi đó, các NH cho vay nhưng không được thẩm tra, thẩm định dự án cho vay, thủ tục giải ngân chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng hộ vay lợi dụng sử dụng vốn sai mục đích. Mặt khác, dự án đầu tư lại quá lớn so với khả năng sản xuất và tài chính của ngư dân nên việc quản lý dự án của họ có nhiều hạn chế. Việc hướng dẫn sản xuất và đào tạo tay nghề cho ngư dân không được chú ý. Ngành thủy sản trước kia rất hăng hái trong việc đốc thúc ngư dân vay vốn nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực và định hướng nghề lại không thực hiện đồng thời, dẫn đến hiệu quả của dự án kém. Đa số hộ vay không có kinh nghiệm đánh bắt, trình độ tổ chức quản lý sản xuất kém, không đủ khả năng để quản lý một tài sản có giá trị lớn. Do cơ chế cho vay đáp ứng 100% nhu cầu vốn, khách hàng vay lại không phải có vốn tự có tham gia vào như đối với hộ vay đóng mới tàu mà tài sản thế chấp là bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay, cũng là nguyên nhân khiến cho việc thu hồi nợ gặp khó khăn. Rõ ràng ở đây có sự khác biệt giữa thu hồi nợ cho vay thương mại và cho vay theo chỉ định của Nhà nước.
Nguyên nhân thứ 3, do đặc điểm khai thác hải sản là luôn di chuyển ngư trường nên cán bộ tín dụng khó nắm bắt kịp thời kết quả đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm dẫn đến hạn chế việc đôn đốc thu hồi nợ. Đa số các tàu đều đi đánh bắt ở ngư trường xa quanh năm nên việc kiểm tra, xử lý nợ, thu hồi nợ hoặc xử lý tài sản cũng rất khó khăn.
Vậy, biện pháp nào để giải quyết tình trạng dây dưa nợ đọng vốn của chương trình vay vốn ưu đãi khắc phục hậu quả cơn bão số 5 năm 1997? Ngày 24.10.2002, và tiếp đó là ngày 28.11.2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định (số 144 và 172) về một số biện pháp xử lý vấn đề này, và ngày 11.2 vừa qua, NH Nhà nước Việt Nam ra Thông tư số 02 hướng dẫn thực hiện 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung chủ yếu của các văn bản vừa nêu như sau: Kể từ ngày 1.1.2003, giảm lãi suất trung dài hạn từ 7,2% xuốngcòn 5,4%/năm. Nâng thời hạn hoàn trả vốn vay tối đa từ 8 năm lên 12 năm kể từ ngày vay vốn. Giảm lãi suất cho vay tái cấp vốn của NH Nhà nước đối với các NH thương mại từ 0,1%/tháng xuống còn 0%. Các NH tiến hành phân loại nợ, tìm mọi biện pháp để thu hồi nợ vay ngắn hạn, thực hiện hạ lãi suất cho vay trung dài hạn, xem xét điều chỉnh kỳ hạn nợ tối đa lên 12 năm.
Như vậy, có thể thấy, thêm một lần nữa, Nhà nước lại ưu đãi đối với những người vay vốn theo chương trình khắc phục hậu quả cơn bão số 5. Mong rằng, họ thấy được sự ưu đãi này, và cùng với đó là những biện pháp phù hợp mà rồi đây các NH thương mại và các địa phương triển khai thực hiện, Nhà nước sẽ thu hồi được vốn để cân đối cho các khoản tín dụng khác phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung, Bình Định nói riêng.
. Khánh Hoàng |