Đó là đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nhân giống một số cây trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô”. Đề tài này vừa được Hội đồng khoa học chuyên ngành tỉnh Bình Định nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Đề tài do thạc sỹ Lê Thị Kim Đào cùng các cộng sự ở Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Bình Định thực hiện từ tháng 11.2001 đến tháng 12.2002. Có thể nói, đây là một đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung thiết thực, tính thuyết phục, tính thực tiễn cao, gắn liền với các dự án trồng rừng của tỉnh.
Công nghệ sinh học là một trong những ngành khoa học được Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển. Công nghệ sinh học gắn với nhiều ngành kinh tế và có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những thành tựu nổi bật của công nghệ sinh học là lĩnh vực nhân giống và phục tráng giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô, tạo ra hàng loạt giống cây trồng mới có năng suất cao hơn, phẩm chất tốt hơn các giống cây trồng hiện có.
Triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Định thực hiện Nghị quyết ĐH IX của Đảng và Nghị quyết ĐH XVI Đảng bộ tỉnh, năm 2001, Sở KHCN và MT tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt một số đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công tác giống cây trồng, trong đó có đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nhân giống một số cây trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô” do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHKT tỉnh thực hiện.
Đề tài được tiến hành nhằm nghiên cứu quy trình nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô một số cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao và có nhu cầu cây giống với số lượng lớn mà các phương pháp nhân giống khác không đáp ứng được. Đó là các cây: bạch đàn Urophylla, hông, trầm hương và giổi xanh. Mục tiêu của đề tài, trước mắt là xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống các giống cây bạch đàn Urophylla, hông, trầm hương và giổi xanh bằng phương pháp nuôi cấy mô, và về lâu dài sẽ triển khai nhân giống đại trà các giống cây này theo quy trình nhân giống đã được nghiên cứu hoàn thiện để phục vụ cho các chương trình trồng rừng của tỉnh.
Như đã nêu, đối tượng nghiên cứu của đề tài là 4 loại cây trồng rừng có nhu cầu lớn về cây giống mà bằng các phương pháp khác không đủ để cung cấp cho nhu cầu trồng rừng ngày càng cao. Cây bạch đàn Urophylla là một giống bạch đàn mới, có ưu điểm phát triển sinh khối nhanh, ít hại đất, đã được trồng thành công ở Trung tâm nghiên cứu cây nguyên liệu giấy Phù Ninh-Phú Thọ, Công ty giấy Đồng Nai, và tại Gia Lai. Theo kế hoạch, Bình Định sẽ đưa vào trồng đại trà loại cây này đối với rừng nguyên liệu giấy chất lượng cao. Việc nghiên cứu ứng dụng phương pháp nuối cấy mô để sản xuất cây giống đầu dòng bạch đàn Urophylla nhằm cung cấp cho các đơn vị, cơ sở nhân giống trồng rừng trong tỉnh là rất cần thiết.
Cây hông (Paulownia fortunei) là loại cây phân bố tự nhiên ở vùng rừng núi thuộc các tỉnh phía Bắc (như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Cạn), nhưng chưa phát triển thành rừng và việc thu thập hạt giống loại cây này trong tự nhiên chưa thực hiện được. Thời gian gần đây, giống cây hông mới được nhập vào nước ta và được triển khai trồng thử nghiệm ở một số tỉnh. Kết quả ban đầu cho thấy: cây sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng phát triển mạnh ở nước ta. Cây hông nổi bật với các đặc điểm: sinh trưởng nhanh, thời gian thu hoạch ngắn, chất lượng gỗ tốt, bền, nhẹ, cách nhiệt, cách điện, giá trị kinh tế cao. Hiện nay, nhu cầu về giống cây hông rất lớn, nhưng phương pháp nhân giống bằng gieo hạt còn nhiều hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu. Để duy trì các đặc điểm nổi bật của cây đầu dòng đã được chọn lựa và có thể cung cấp một lượng lớn cây giống trong thời gian ngắn thì phương pháp nuôi cấy mô là ưu việt nhất.
Cây trầm hương (Aquilaria crassna) còn gọi là cây Dó bầu, là một loại cây rừng có giá trị kinh tế cao. Trong tự nhiên, khi cây trưởng thành sẽ cho trầm hương là một loại lâm đặc sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Ở Bình Định, từng đã có đề tài nghiên cứu di thực cây trầm hương về huyện Hoài Ân (năm 1997), người dân đã trồng đạt kết quả, nhưng việc phát triển thành rừng gặp khó khăn do không có cây giống. Vì vậy, việc nhân nhanh một số lượng lớn giống cây trầm hương là cần thiết để cung cấp cây giống cho nhu cầu trồng rừng của nhân dân, đồng thời góp phần bảo vệ nguồn gen quý hiếm này.
Cây giổi xanh (Michelia mediocris) là loại cây cho gỗ lớn, mọc nhanh, gỗ cứng, thớ mịn, có màu vàng nhạt, lõi thẫm, ít biến dạng, không bị mối mọt. Ở Bình Định, giổi xanh mọc rải rác trong rừng rậm với số lượng không nhiều và đang bị săn tìm để lấy gỗ làm cho số lượng ngày càng bị giảm sút. Hiện nay, giống cây giổi xanh đang được nhân dân nhiều nơi trong tỉnh tìm mua để trồng phân tán, nhưng lượng cây giống cung cấp rất hạn chế do nguồn hạt giống thu được rất ít. Đề tài nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.
Bắt tay vào nghiên cứu đề tài, nhóm tác giả đã tiến hành thu thập cây giống đầu dòng các loại cây, nghiên cứu xác lập quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, nhân giống thử nghiệm theo quy trình đã được xác lập, tổng hợp và xử lý số liệu, và hoàn thiện quy trình. Sau 14 tháng nghiên cứu thử nghiệm (từ tháng 11.2001 đến tháng 12.2002), nhóm tác giả đề tài đã hoàn chỉnh quy trình nhân giống 4 giống cây đã nêu bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật từ khâu vào mẫu, nhân giống trong phòng thí nghiệm đến khâu đưa ra ươm và tạo cây hoàn chỉnh ở vườn ươm. Áp dụng quy trình nhân giống đã nghiên cứu, đề tài đã nhân được 77.000 cây bạch đàn Urophylla và hông, giao cho các đơn vị trồng, hiện cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến mùa trồng rừng 2003 sẽ có cây trầm hương và cây giổi xanh đưa ra trồng rừng khảo nghiệm. Ngoài ra, hiện Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Bình Định còn giữ 5.000 bình chồi giống các loại.
Qua kết quả nghiên cứu thử nghiệm, nhóm tác giả đề tài kết luận: 4 loại cây nghiên cứu đều có thể nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô cho chất lượng cây giống tốt, hiệu quả kinh tế cao. Và với kết quả nghiên cứu thử nghiệm, trong thời gian tới, đề tài sẽ được áp dụng vào sản xuất đại trà để cung cấp cây giống có chất lượng tốt phục vụ cho nhu cầu trồng rừng năng suất cao của Bình Định và các tỉnh lân cận, góp phần gia tăng diện tích trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần hạ giá thành cây giống, tiết kiệm chi phí cho công tác trồng rừng.
. Khánh Hoàng |