Cách đây hơn 2 năm, trong một dịp về thăm Hòa Hiệp (xã Bình Tường – Tây Sơn), tôi thật sự ngạc nhiên trước một bức tranh quá nhiều khó khăn. Vậy mà hôm nay về lại vùng quê này những nét buồn năm cũ đã không còn. Hòa Hiệp bây giờ là một “bức tranh quê” với những gam màu tươi sáng... Ngày ấy là những năm trước năm 2000. Nằm cách Quốc lộ 19 chỉ có 7 km mà Hòa Hiệp thật “xa xôi” bởi con đường gập ghềnh, lở lói, chỉ có thể đi lại được vào mùa khô, còn mùa mưa gần như bị... tắc vì lầy lội!
Hòa Hiệp có 317 ha đất sản xuất (SX) nông nghiệp, đó là tất cả “vốn liếng” của 637 hộ dân với 4.000 nhân khẩu làm ăn sinh sống. Thế nhưng, ruộng hầu hết là bậc thang, mỗi năm chỉ SX được 2 vụ (vụ Đông Xuân và vụ mùa), có năm đến tháng 8 âm lịch mà không mưa thì vụ mùa bị bỏ trắng. Anh Nguyễn Văn Thành – Chủ nhiệm HTXNN – đã từng than thở với chúng tôi về chuyện thủy lợi như kể một câu chuyện buồn: “Hòa Hiệp nằm lọt thỏm giữa một vùng lòng chảo, chung quanh là dốc núi nên hằng năm vào mùa mưa phải luôn gánh chịu những cơn lũ quét tàn khốc. Các công trình thủy lợi ở đây hầu hết đã “già cỗi”, không còn “sức” chống chịu trước những cơn lũ rừng. Gần như 100% các công trình đều đã bị hư hỏng, bồi lấp. Toàn bộ diện tích canh tác trông chờ vào bàu ao, thu nhập của bà con nông dân ở đây ăn còn chưa đủ thì lấy gì lo đến của mặc, của để!”.
Đời sống vật chất nghe đã buồn là thế, đời sống tinh thần của người dân Hòa Hiệp còn khó khăn hơn. Trạm y tế xã cách hơn 10 km, bệnh nặng hoặc cấp cứu đưa đến tuyến huyện phải đi đến 20 km. Với thực trạng giao thông nói trên, những ca cấp cứu trong những mùa mưa thường là... cứu không kịp! Về giáo dục, cả vùng chỉ có một trường cấp I với 9 phòng học đã xuống cấp trầm trọng chỉ đủ phục vụ khoảng 80% số trẻ em trong độ tuổi đi học. Học sinh cấp II muốn kiếm “con chữ” phải lặn lội 20 km ra đến trường huyện. Gian nan là thế, nên đã sau 25 năm giải phóng (vào năm 2000) mà số học sinh tốt nghiệp cấp III chỉ có 20 cháu và chưa quá 100 cháu tốt nghiệp cấp II !
Vậy mà bây giờ, con đường gập ghềnh dẫn về Hòa Hiệp đã được san ủi bằng phẳng. Nhiều đoạn xung yếu đã được bê tông hóa (1 km). Những con đường ngang cũng được mở mang rộng rãi. Dọc ven đường, những ngôi nhà mới mọc khang trang ken dày như mách bảo với tôi rằng: Hòa Hiệp bây giờ đã đổi thay lắm rồi. Anh Thành không còn buồn như trước nữa mà đã hồ hởi khoe: “Tất cả là nhờ vào kinh phí của chương trình 135 được thực hiện trong 2 năm qua đó anh à!”. Giao thông đã thuận lợi nên sinh hoạt của bà con Hòa Hiệp hôm nay được cải thiện đáng kể. Không còn phải chịu cảnh bán rẻ, mua đắt nữa. Bệnh hoạn cũng đỡ lo hơn. Trường cấp I cũng vừa được Sở GD-ĐT cho 80 triệu đồng xây thêm 2 phòng để phục vụ cho đủ nhu cầu ngày càng tăng của con em trong vùng. Trụ sở HTXNN cũng được xây mới với kinh phí 100 triệu đồng. Phấn khởi nhất là chuyện thủy lợi. Công trình thủy lợi Thác Đổ đã được thi công phần đầu mối tại xã Vĩnh An với kinh phí khoảng 4,4 tỉ đồng. Năm nay sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống kênh mương đến vùng hưởng lợi với kinh phí khoảng 5 tỉ nữa. Khi công trình này hoàn thành, Hòa Hiệp sẽ là vùng hưởng lợi cơ bản, 317 ha ruộng ở đây sẽ SX được 3 vụ/năm. Khi đã chủ động được nước tưới, diện tích đất SX ở Hòa Hiệp sẽ được tăng lên đến 900 ha/năm, sẽ không còn chuyện bỏ “giá” đất vào vụ hè như bấy lâu nay. Có thủy lợi rồi, các bàu ao không còn phục vụ tưới cho SXNN nữa, HTX sẽ nạo vét lại và đưa vào nuôi cá nước ngọt. Nỗi bức xúc nhất của Hòa Hiệp là nước sạch bây giờ cũng đã được giải tỏa. Theo dự kiến, thì một ngày gần đây Hòa Hiệp sẽ có công trình nước sạch.
Hòa Hiệp đang đổi thay, anh Thành cho biết thêm: “Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của chúng tôi hiện nay là Hòa Hiệp sẽ được nâng lên thành cấp xã! Dân số đủ (4.000 người), diện tích tự nhiên cũng đủ (1.500 ha), địa hình lại tiếp giáp với các xã vùng cao và miền núi như: phía Nam giáp xã vùng cao Vĩnh An, phía Tây giáp Gia Lai nên Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh đã thống nhất cho tách riêng thành một xã có tên là xã Tây Hiệp. Chắc chắn khi đã “ra riêng”, được cấp trên quan tâm và nỗ lực của địa phương, đời sống của nhân dân Hòa Hiệp sẽ được nâng cao hơn...”.