Câu mực khơi xa
14:6', 28/3/ 2003 (GMT+7)

Câu mực là một nghề đang thịnh hành, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con ngư dân. Phần

Những thuyền câu mực chuẩn bị ra khơi

 lớn ngư dân Bình Định làm nghề câu mực đất; tàu thuyền Bình Định hầu như có mặt khắp các ngư trường lớn trong nước như Quảng Ninh, Vũng Tàu, Kiên Giang… Giá trị kinh tế của loại mực đất rất cao, bao giờ cũng trên 100 nghìn đồng/kg. Nhưng cũng có một số ngư dân chuyên nghề câu mực khơi (còn gọi là mực xà); tuy giá thấp (dao động từ 11.000đ đến 20.000đ/kg) nhưng số lượng nhiều. Nghề câu mực khơi là nghề đi biển xa nhất và dài ngày nhất so với các loại nghề biển khác.

Một chuyến ra khơi

Thuyền câu mực khơi mang số kiểm soát BĐ2110, công suất 90CV của thuyền trưởng (cũng là chủ thuyền) Nguyễn Văn Hồng (Hoài Hương – Hoài Nhơn) rời cảng cá Quy Nhơn vào một buổi sáng đẹp trời; mang theo trên 7 tấn dầu, 8m3 nước ngọt, gạo, thức ăn, các loại rau, củ, quả… đủ dùng cho 20 người trong vòng 2 tháng lênh đênh trên biển. Tất cả các loại nhiên liệu, thực phẩm trị giá khoảng 40 triệu đồng, đều do đầu nậu “cấp”.

20 con người có mặt trên thuyền gồm 3 cha con chủ thuyền, 16 thợ bạn, một đầu bếp (cũng là thợ bạn). Những ngư dân với gương mặt kiên nghị, sạm đen nắng gió ấy đều có chung một ý nghĩ, những đôi mắt sáng nhìn hút về phía khơi xa cầu mong trời yên biển lặng và một chuyến đánh bắt bội thu. Tuy còn rất lâu nữa mới đến ngư trường, nhưng một số thợ bạn đã mang mớ đồ nghề ra săm soi, sửa chữa, chuẩn bị sẵn sàng.

Thuyền chạy chậm, chỉ từ 4-5 hải lý/giờ vì phải mang trên mình một giàn phơi đồ sộ gồm 3 tầng bằng tre và gỗ, dùng phơi sản phẩm sau khi câu được. Hai bên mạn thuyền còn được “ganh” thêm 2 hàng thùng phuy nhựa loại 200 lít, mỗi hàng 3 chiếc buộc theo hàng dọc để giữ thăng bằng cho thuyền khỏi lật bởi sóng to gió lớn và sức nặng của giàn phơi. Trước mũi và sau đuôi thuyền, gần 20 chiếc thúng nan có đường kính 1,6 đến 1,8m đã “làm nước” kỹ lưỡng, được xếp gọn gàng, chờ đến lúc hạ thủy câu mực. Trong cabin, dọc hai bên hông là hai hàng tủ gỗ được đóng dính liền nhau, trang trí đẹp mắt, dùng để quần áo, đồ ngủ và thực phẩm. Những thiết bị quan trọng gồm có: radio, máy định vị, máy bộ đàm. Dàn “đầu câm ampli” bắt chặt vào cabin, gần bánh lái; hai chiếc loa thùng đặt ở hai bên. Thợ câu Nguyễn Văn Hưởng – 21 tuổi, con trai chủ thuyền – đặt vào máy một băng nhạc trẻ. Âm nhạc xập xình vang lên hòa cùng tiếng sóng và gió biển rì rào. Hưởng gọi đó là “điệu nhạc của biển khơi”…

Sau chuyến hải hành dài 3 ngày 3 đêm, thuyền BĐ2110 đã đến ngư trường. Hai người con trai của chủ thuyền cùng một số thợ bạn giúp nhau bung dù để giữ thăng bằng cho thuyền khỏi quay ngang, dễ lật (vì độ sâu quá lớn, không thể thả neo; dù gần giống như chiếc dù hàng không). Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hồng vừa giữ lái, vừa xem hướng gió, con nước. Đầu bếp Nguyễn Văn Tuấn đã 18 tuổi mà ốm yếu trông như cậu bé 13 tuổi, đang chuẩn bị cơm nước. Các thợ câu lo kiểm tra lại đồ nghề…

17 giờ chiều, tất cả mọi người đã sẵn sàng, thuyền bắt đầu thả thúng. 16 thợ bạn với 16 chiếc thúng lần lượt được thả xuống biển trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, theo chiều dài khoảng 4-5 hải lý. Trong mỗi chiếc thúng là một giường tre nhỏ để ngồi câu, một cánh buồm nhỏ để thúng trôi nhanh hơn (câu di động, thúng luôn di chuyển theo hướng gió), một bình ắc quy 12 vol thắp sáng một bóng đèn thả xuống nước dùng ánh sáng nhử mực đến, và một đèn tín hiệu khi cần thiết phải gọi thuyền lớn hỗ trợ (đau ốm đột xuất, gặp cá lớn…). Đồ câu gồm rường bằng thép, mấy ống cước 70, một vợt lưới đựng mực. Mồi câu ban đầu là một miếng bí đao hoặc bí đỏ, sau khi câu được mực sẽ dùng bản thân nó làm mồi. Ngoài ra trong thúng còn có nước uống, nước tăng lực, đồ ăn khuya (bánh ngọt).

Sau khi thả thúng xong, các thúng trôi trước, các thợ câu chăm chú với bầy mực đang lẩn khuất đâu đó dưới mặt nước sâu thẳm; thuyền trôi theo sau các chiếc thúng. Hai người con trai của thuyền trưởng Hồng cùng đầu bếp Tuấn đứng trên thuyền lớn để câu. Thuyền trưởng Hồng vừa giữ lái, vừa quan sát thời tiết và theo dõi dàn thúng đang hành nghề trong biển đêm. Sợ nhất là những cơn giông biển. Nhưng may là đã có những đám mây đen báo trước khoảng một vài giờ. Lúc ấy thuyền lớn lên đèn báo hiệu, các thúng đang câu gần nhau (cách ba bốn trăm mét) liền tập trung lại thành từng nhóm để thuyền đến vớt cho nhanh. Trong vòng một giờ, thuyền đã vớt thúng xong cũng là lúc cơn giông ập đến. Vừa may, tất cả đã an toàn trên thuyền lớn, mặc cho sóng gió gầm gào. Đang theo dõi các thúng câu, thuyền trưởng Hồng phát hiện chiếc thúng ở xa lên tín hiệu đèn đỏ, liền gấp rút cho thuyền chạy đến. Hóa ra người thợ câu được con cá ngừ đại dương khoảng 40kg; con cá lớn mắc câu đang kéo chiếc thúng chạy vòng vo trên biển. Người trên thuyền liền phụ lôi con cá lên. Đôi lúc, đang câu mực, gặp cá ngừ đại dương khoảng 30-40kg trở lại, lởn vởn bên thúng, thợ câu liền kéo rường câu mực lên, thả “thẻo bò gù” (đồ câu cá ngừ đại dương) xuống câu liền, rồi lên đèn gọi thuyền lớn đến… tiếp viện. Gặp cá trên 40kg trở lên thì không dám câu vì nó có thể kéo lật thúng. Nhiều khi có người câu được con cá chủa vài ba kg, cả thuyền có một bữa gỏi cá chấm mù tạt hết ý, ngon hơn cá ngừ đại dương nhiều.

Hơn 1 giờ sáng, đầu bếp Tuấn nghỉ tay trước tiên. Anh xẻ số mực mình vừa câu được, rửa sạch sẽ rồi đưa lên giàn phơi, găm từng con vào hàng đinh lởm chởm (giàn phơi được từ 200kg đến 250kg mực tươi, bằng 40-50kg mực khô). Anh phải tranh thủ như vậy vì còn dành thời gian lo cơm nước cho cả thuyền. 3 giờ rưỡi sáng, thuyền lớn lên đèn sáng rực, báo hiệu một đêm câu đã xong. Thợ câu trên các thúng lo thu xếp đồ nghề, chờ thuyền đến vớt thúng. Việc vớt thúng lâu hơn thả thúng, khoảng một tiếng rưỡi, vì mỗi thúng đều có thêm sản phẩm vừa câu được; người ít thì vài chục kg, người nhiều thì 40-50kg mực tươi, tùy theo bữa.

Sau khi lên thuyền, thợ câu liền xẻ mực, phơi. Hôm nào ít thì làm đến 7-8 giờ sáng; lúc được nhiều thì làm đến 10 giờ. Sau đó là ăn cơm rồi ngủ bù một đêm thức trắng hành nghề. Đến khoảng 14 giờ chiều, tất cả đều thức dậy, lên giàn trở mực rồi chuẩn bị đồ nghề. 16 giờ – ăn cơm; 17 giờ – lại vào việc câu. Cứ như thế, việc câu mực diễn ra đều đặn suốt gần 2 tháng trời trên mặt biển mênh mông. Lúc nào sóng to gió lớn (dưới cấp 6) thì nghỉ chờ biển êm. Gặp lúc trăng rằm cũng nghỉ vài đêm; ngư dân giải trí bằng cách nghe nhạc, đánh bài; người nào thua thì phải chiêu đãi anh em bằng những lon bia, lon nước ngọt (người nào cũng mang theo để bồi dưỡng)…

Thu nhập và ăn chia

Lúc trở về, thuyền chạy chậm hơn vì mang nặng sản phẩm. Vào đến cảng cá Quy Nhơn, đầu nậu đã có mặt, tùy theo giá mực mà thu lại sản phẩm để trừ vào số tổn mà họ đã bỏ ra (thời giá hiện nay khoảng 15.000đ/kg mực khô, đa số mặt hàng này đều được xuất sang Trung Quốc). Thợ câu bán sản phẩm rồi góp lại đều nhau để trả tổn. Số còn lại, mỗi thợ bạn chia cho chủ thuyền 30%, thợ bạn 70%. Riêng đầu bếp thì câu được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không phải trả tổn cũng như chia cho chủ thuyền, bởi vì anh đã có công lo cơm nước cho cả thuyền trong suốt 2 tháng đánh bắt.

Thợ câu Nguyễn Văn Hưởng cho biết: tính bình quân sau 2 tháng đánh bắt vất vả trên biển khơi xa, mỗi thợ bạn thu nhập khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng; chủ tàu thì trên chục triệu; lúc được mùa thì thu nhập cũng khá nhưng gặp lúc biển giã thất bát thì dĩ nhiên là anh em… đói dài!

Vụ mùa mực khơi bắt đầu từ tháng giêng đến tháng 9. Hết mùa, thuyền gỡ giàn phơi, quay sang nghề câu mực đất. Nghề này vì sản phẩm ít nên chỉ cần những tấm phơi nhỏ, không làm giàn; câu ngay trên thuyền, dùng ánh sáng của đèn néon để nhử mực đến; gặp mực lớn thì câu; mực nhỏ thì dùng mành mà bắt; ngư trường cách bờ chừng 100 hải lý, mực nước sâu 40-50m; mỗi chuyến đánh bắt dài 15-20 ngày.

Tâm sự ngư dân

Tiếp xúc với những ngư dân “ăn sóng nói gió”, tôi thấy họ đều hiền khô. Hỏi rằng đi biển dài ngày vậy có nhớ gia đình, vợ con không; câu trả lời chung của họ là: “Quen rồi, chỉ mong trời êm, biển lặng, câu được nhiều để đắp đổi cuộc sống”. Một thợ bạn tâm sự: “Câu mực khơi thì phải đi xa, đi dài ngày nhưng số lượng mực rất nhiều, cho dù giá thấp hơn mực đất nhiều lần nhưng dễ có thu nhập hơn. Chỉ buồn một điều là khi được mùa thì giá mực hạ nên cuộc sống vẫn cứ… bình bình”. Anh Sua – một thợ câu nhiều kinh nghiệm – nói vui: “Gian khổ và vất vả lắm, nhưng ở trên biển thì ai cũng khỏe, ít đau ốm; thế mà vào bờ thì bị bệnh nhiều hơn, vì… rượu hành, vợ hành nữa…”. Còn Hưởng thì tâm sự với tôi rằng: “Em không dám lấy vợ thành phố, vì cuộc sống khác nhau. Chỉ có những cô gái ở vùng quê biển thì mới hiểu được con trai biển mà thôi. Em đang theo học nghề để nối nghiệp cha em; vừa học lái thuyền vừa câu mực để dành tiền… cưới vợ. Mà phải 10 năm nữa em mới lấy vợ, dĩ nhiên là cưới con gái miền biển Hoài Hương quê em…”.

Ăn với anh em ngư dân miếng khô mực nướng (loại mực này không ngon lắm) tôi cảm nhận được vị biển nồng nàn, trong đó có vị mặn mồ hôi và công sức của bà con ngư dân đêm ngày bám biển.

. Bùi Nguyên Vũ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một chặng đường khởi sắc  (25/03/2003)
Sản xuất, xuất khẩu hàng gỗ: Tín hiệu khả quan  (24/03/2003)
Hòa Hiệp: Ngày ấy... bây giờ  (23/03/2003)
Đường Xuân Diệu, nét duyên mới cho thành phố biển Quy Nhơn   (23/03/2003)
Một đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực  (21/03/2003)
“Đổi đời” bằng sức của mình  (20/03/2003)
Thực trạng và giải pháp  (20/03/2003)
Từ con số không đến con số thành  (19/03/2003)
Khi viễn thông về nông thôn  (19/03/2003)
Tuy Phước nỗ lực giảm thiểu dịch bệnh tôm  (18/03/2003)
Lấy hè thu bù đông xuân   (18/03/2003)
Một thanh niên nông dân làm máy cưa mía  (18/03/2003)
Cơ chế mới, phát triển mới  (17/03/2003)
Bước khởi đầu suôn sẻ  (17/03/2003)
Phục hồi hệ sinh thái Cồn Chim   (16/03/2003)