Các đơn vị khai thác titan sa khoáng lâu nay thường dùng xe chở, xe đào, xúc, đẩy vào bunke cấp liệu, sau đó vào hệ thống tuyển thô bằng vít xoắn-đĩa côn. Đó là đối với thân quặng khô. Còn đối với thân quặng chìm ngập trong nước thì chưa có phương pháp hữu hiệu. Đó cũng là vấn đề đặt ra đối với Công ty BIMAL (Công ty Khoáng sản Bình Định Việt Nam – Malaysia).
Năm 2002 Công ty BIMAL có ký hợp đồng cung cấp thiết bị tuyển quặng titan với Công ty Khai thác khoáng sản Ban Mai (Bình Định). Ngoài thiết bị là hệ thống vít xoắn-đĩa côn tuyển thô di động, Công ty còn sáng tạo ra hệ thống khai thác quặng titan dưới nước bằng bơm. Để làm được điều đó cần phải giải quyết các vấn đề cơ bản: công suất phải đạt từ 150-200m3 dung dịch quặng/giờ; phải phá vỡ được thân quặng dưới nước, tạo thành dung dịch trước miệng hút của bơm; bơm và nhà thao tác, điều khiển phải nổi trên mặt nước và di động được; kết cấu bơm phải kín và vững chắc, đạt được độ bền nhất định.
Từ yêu cầu đó, Quản đốc Phân xưởng vít và đĩa côn lưu động Võ Thanh Bình cùng cộng sự ngày đêm mày mò sáng tạo. Cuối cùng đã thiết kế, chế tạo được bè khai thác titan dưới nước khá hoàn chỉnh, giải quyết được các yêu cầu đặt ra.
Bè có kích thước 3 x 5m, có khung thép (U 100), sàn lát bằng gỗ. Bè được giữ nổi nhờ 12 chiếc phao là thùng phuy nhựa (mỗi thùng dài 1,2m, đường kính 0,6m). Trên bè đặt máy nổ REO6 – (có hộp số điều chỉnh được 3 tốc độ), để chạy bơm nước cao áp, bơm dung dịch quặng. Đầu ra của bơm nước cao áp được đặt ngầm dưới nước, sát thân quặng. Khi bơm hoạt động – với áp lực lớn – quặng nguyên liệu được thổi bung ra, hòa với nước tạo thành dung dịch. Cùng lúc đó có một bơm khác hút dung dịch này (quặng lẫn nước) đẩy lên bãi nguyên liệu và được cho vào bunke tuyển ướt như cách tuyển truyền thống. Ống hút di chuyển được nhờ một Palăng. Cả bè khai thác cũng được neo cố định và di chuyển được nhờ hệ thống neo định vị trên bờ. Hệ thống này có công suất 150-200m3 dung dịch quặng/giờ.
Theo nhóm tác giả thì đây là lần đầu tiên trong ngành khai thác sa khoáng titan Việt Nam, Công ty BIMAL tự thiết kế, chế tạo được bè khai thác, mà nguyên liệu hoàn toàn có sẵn trong nước, khai thác được với độ sâu 4-5m. Phương pháp này mở ra hướng mới cho ngành khai thác titan dưới nước ở nước ta – khi quặng trên cạn ngày càng cạn kiệt. Giá thành một bè khai thác không lớn (từ 60-80 triệu đồng/bè) phù hợp với khả năng của các đơn vị.
Sau khi chế tạo thành công, Công ty Bimal đã chuyển giao cho Công ty Khoáng sản Ban Mai 2 bè khai thác nói trên. Các bè này hiện đang hoạt động tốt, mang lại hiệu quả cho đơn vị sử dụng.
. Hoàng Lân |