Thực hiện nghị quyết liên tịch 2308:
Nhiều lợi ích nhưng vốn chưa phủ kín toàn tỉnh
17:20', 28/3/ 2003 (GMT+7)

Trên địa bàn Bình Định, sau hơn 3 năm (2000-2003) triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) 2308 của Trung ương Hội nông dân VN với Ngân hàng NN& PTNT VN trong cho vay vốn phát triển sản xuất theo tổ Hội nông dân; đến nay có thể khẳng định đây là chủ trương rất đúng đắn, kịp thời góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn trong tỉnh.

Bà Phan Thị Kim Cúc, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Bình Định cho biết: “Ý nghĩa mục đích của NQLT 2308 là đẩy mạnh cho vay vốn tín dụng đến hộ nông dân, giúp bà con về vốn đầu tư ban đầu nhưng trách nhiệm Ngân hàng phải bảo đảm an toàn vốn đến mức cao nhất. Qua quá trình giải ngân, tình hình thu nợ lãi tiến triển khá tốt, đã góp phần tăng trưởng  kinh tế ở các vùng nông thôn trong tỉnh.” Ông Nguyễn Công Tánh, Chủ tịch Hội nông dân Bình Định cũng giải thích rằng, sau khi sàng lọc Hội nông dân thành lập tổ vay vốn, Ngân hàng NN&PTNT đã tích cực thẩm định giải ngân cho bà con có vốn đầu tư phục vụ sản xuất, chăn nuôi kịp thời vụ. Tốc độ giải ngân vốn ngày càng tăng cao theo nhu cầu phát triển kinh tế của các vùng nông thôn trong tỉnh. Sau thời gian triển khai thực hiện NQLT 2308 giữa Hội Nông dân và Ngân hàng đã dần tìm được sự đồng thuận để thống nhất về quan điểm và phương pháp cho vay giải ngân nguồn vốn đạt hiệu quả cao nhất.

Thực tế tại các địa phương trong tỉnh, nhất là ở các xã vùng sâu, xa xôi cách trở, đường đi lại khó khăn nhưng số lượng hộ nông dân vay vốn theo NQLT 2308 ngày càng tăng, năm sau tăng cao hơn so với năm trước. Đến hết tháng 2-2003, hơn 90% số xã, phường trong toàn tỉnh đã tổ chức họp dân để kiểm tra soát xét thành lập gần 1.700 tổ vay vốn, gồm 24,715 tổ viên. Trong đó có 1.524 tổ vay vốn, với gần 20.486 thành viên đã được giải ngân vay vốn, với tổng số tiền 127,4 tỷ đồng; đến nay tổng dư nợ vốn tín dụng cho vay theo NQLT 2308 là 67,251 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,08% trong tổng dư nợ cho vay hộ sản xuất của toàn hệ thống Ngân hàng NN&PTNT Bình Định. 2 địa phương có mức dư nợ tín dụng (2308) cao nhất là TP Quy Nhơn 16,5 tỷ đồng và Hoài Nhơn 11,7 tỷ đồng. Về nợ quá hạn đã phát sinh 279 triệu đồng, chủ yếu do chăn nuôi bị dịch bệnh, Ngân hàng gia hạn nợ theo quy định nhưng hiện nay bà con hộ vay bị tạm thời thiếu nguồn vốn, chưa trả nợ kịp thời.

Hòa vào các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, quá trình cho vay theo NQLT 2308 đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân có vốn đầu tư phục vụ sản xuất kịp thời vụ và liên tục đủ vốn đầu tư gối vụ trong năm; giảm hẳn tệ nạn cho vay nặng lãi, bán sản phẩm non, nhất là đối với diện hộ nghèo đã giảm bớt chật vật khó khăn về vốn sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Khi trở thành thành viên tổ vay vốn, bà con có điều kiện trao đổi kinh nghiệm làn ăn, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống; tổ viên được phổ biến thường xuyên về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp nông thôn, các quy định vay vốn của Ngân hàng, được học tập áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất và chăn nuôi, trồng trọt… Qua đó tạo cho bà con biết cách tính toán và mạnh dạn đầu tư vốn trong làm ăn, đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống gia đình. Từ đó bà con tổ viên đã thấy được lợi  ích nên ngày càng thu hút nhiều hội viên Hội nông dân tham gia tổ vay vốn; và gần như hầu hết bà con tổ viên ngày càng gắn bó hơn với tổ vay vốn, chấp hành quy định cho vay của Ngân hàng. Hội nông dân các huyện trong tỉnh cũng đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư để tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, kích thích hội viên tham gia tổ vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập gia đình. Đồng thời thông qua chương trình cho vay vốn 2308 đã từng bước nâng cao chất lượng nội dung và hình thức hoạt động của Hội nông dân toàn tỉnh, củng cố tổ chức Hội chặt chẽ, số lượng và chất lượng hội viên ngày càng tăng hơn trước.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã nêu, đến nay một số địa phương chưa thật quan tâm đến chương trình cho vay vốn qua tổ hội nông dân theo NQLT 2308 nên chưa được triển khai thành lập tổ vay vốn như ở 11 xã của huyện Tuy Phước và một số xã ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Hoài Nhơn. Vẫn còn một số nơi chưa soát xét kỹ tiêu chuẩn uy tín hội viên, đã kết nạp một số hội viên chưa đúng đối tượng, Ngân hàng kiểm tra và không thực hiện giải ngân, đã gây hiểu lầm, tạo dư luận cho rằng Ngân hàng gây khó khăn cho bà con. Trong thời gian đến, Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân trong tỉnh để triển khai thành lập tổ vay vốn ở các xã trống và tiếp tục cho vay nguồn vốn 2308 phủ kín địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, mở rộng đầu tư cho vay, đáp ứng thoã mãn nhu cầu vốn của hội viên tổ vay vốn để góp phần phục vụ phát triển kinh tế vùng nông nghiệp nông thôn trong tỉnh, nhằm tích cực góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo toàn tỉnh xuống mức thấp nhất.

. Quỳnh Thanh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xuất khẩu lao động sang Malaysia  (28/03/2003)
Công ty BIMAL sáng tạo bè khai thác titan sa khoáng dưới nước  (26/03/2003)
Câu mực khơi xa  (28/03/2003)
Một chặng đường khởi sắc  (25/03/2003)
Sản xuất, xuất khẩu hàng gỗ: Tín hiệu khả quan  (24/03/2003)
Hòa Hiệp: Ngày ấy... bây giờ  (23/03/2003)
Đường Xuân Diệu, nét duyên mới cho thành phố biển Quy Nhơn   (23/03/2003)
Một đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực  (21/03/2003)
“Đổi đời” bằng sức của mình  (20/03/2003)
Thực trạng và giải pháp  (20/03/2003)
Từ con số không đến con số thành  (19/03/2003)
Khi viễn thông về nông thôn  (19/03/2003)
Tuy Phước nỗ lực giảm thiểu dịch bệnh tôm  (18/03/2003)
Lấy hè thu bù đông xuân   (18/03/2003)
Một thanh niên nông dân làm máy cưa mía  (18/03/2003)