Xanh thắm chiến khu xưa
20:1', 30/3/ 2003 (GMT+7)

Ghi chép

Chúng tôi về Cát Sơn (Phù Cát) một ngày chớm hạ, nắng mật trải trên ruộng đồng, bờ bãi, những con đường trải rộng. Đi giữa những bờ nắng ươm vàng ấy, trong tôi, một cái gì đang trỗi dậy, như giục giã, như nhắc nhở, rằng: trên mảnh đất này từng chứng kiến bao kỳ tích dội vang trong kháng chiến.

Ươm màu xanh cho đất

Cát Sơn, rồi Hội Sơn, Thạch Bàn, những tên xã, tên thôn, mới nghe đã hình dung thấy núi và cát cỗi cằn. Quả thật, nhìn từ xa, Cát Sơn là những dải núi tựa như chiếc hàng rào khổng lồ. Có phải vì địa thế ấy mà Cát Sơn đã được chọn là căn cứ của Tỉnh ủy Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Nói đến Cát Sơn là nói đến những tên đất: Hang Đá, Hòn Chè… nơi từng diễn ra nhiều trận đánh lớn, kinh hoàng bạt vía quân thù.

Còn giờ đây, khi chiến tranh đã qua đi 28 năm, Hội Sơn là một màu xanh trải rộng trong tầm mắt. Từ những hố bom Mỹ cây trái đã vươn lên xanh tốt. Và người Cát Sơn đã kể cho tôi nghe cuộc hành trình chế ngự cát, hồi sinh cho mảnh đất  sau chiến tranh.

Ông Lê Công Hảo (thôn Hội Sơn) là một trong những người tiên phong trong cuộc đổi đời cho đất. Khi nhà cũ của ông giải tỏa nhường chỗ cho công trình hồ Hội Sơn, nguồn nước tưới cho hàng ngàn ha ruộng lúa trong tỉnh, khởi công vào những năm 80; ông quyết định xuống khai hoang ở vùng đất khi ấy mọc đầy dầu và cỏ dại. Hơn chục năm khai phá, với 13 lần thuê máy ủi, mỗi lần hàng tháng trời đào xới, cùng với con số hàng chục triệu đồng vốn, góp nhặt của bản thân, vay ngân hàng và của anh em, đổ vào đất, ông mới có cơ ngơi 6,47 ha đất hôm nay. Vậy mà vẫn còn nghe ông dự tính: đào thêm ao chứa nước, nuôi cá; tìm giống cây trồng mới để đầu tư phát triển trang trại; rằng cần thêm vốn để phát triển thêm đàn bò…

Để ươm xanh đồng đất, không chỉ ông Hảo, mà bất cứ người Cát Sơn nào cũng mất bao công sức nhọc nhằn đi tìm nguồn nước. Cả tuyến kênh mương NC, NC1, chạy theo sườn núi, dự tính sẽ dẫn nước từ hồ Hội Sơn tưới cho 100ha, cuối cùng, sạt lở, chỉ còn tưới cho 17/575ha toàn xã. Quá nhỏ nhoi. Bởi vậy, mọi phương cách đã được sử dụng: tận dụng đập bổi, tìm nguồn nước mạch, mua máy bơm… ngõ hầu đem chút nước, ươm lấy màu xanh cho đất cát.

Chính từ những con người như vậy mà Cát Sơn hôm nay đã có nhiều đổi khác. Dù Cát Sơn vẫn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh; dù người Cát Sơn biết mình vẫn còn nghèo, khi mà cơ cấu nông nghiệp vẫn chiếm 92,3%; toàn xã với 136 hộ nghèo gồm 447 khẩu, chiếm 12,09% dân số. Bình quân thu nhập đầu người đạt 3,25 triệu đồng/người/năm; tổng sản phẩm xã hội năm 2002 là 15.665 triệu đồng, tăng 3,12%/năm. Điều đáng mừng là với các chính sách vay vốn giải quyết việc làm, nhiều người dân nơi đây đã thoát nghèo vươn lên khá giả. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng: điện- đường- trường- trạm của xã được đầu tư nhiều. 85% hộ dùng điện; 2km đường được bê tông hóa, trường phổ thông cơ sở mới được tách ra trong năm học này đã thật sự là những đổi thay lớn. Ông Phan Văn Hiệu, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Cát Sơn tâm sự: “So với một số địa phương khác trong tỉnh, Cát Sơn vẫn phát triển chậm, nhưng so với trước đây, đời sống kinh tế- xã hội ở Cát Sơn đã có nhiều bước đổi thay”.

Dự phóng cho tương lai

Những con đường mới mở của Cát Sơn đưa chúng tôi đến với khu kinh tế trang trại được hình thành từ năm 2001 ở thôn Hội Sơn. Hiện nay, đã có 25 hộ, bình quân mỗi hộ có diện tích khoảng 2 ha đang đầu tư tại đây. Đón chúng tôi, là những tiếng máy ủi ầm ì, những cánh cửa khép kín. Chủ nhân của những ngôi nhà, đến từ hầu khắp các thôn, xóm khác trong xã, đang tất bật với bao công việc còn ngổn ngang cho buổi đầu dựng nghiệp trên đất mới. Anh Phạm Văn Chung là một trong 25 hộ này. Ngôi nhà của gia đình anh còn khá đơn sơ, bé nhỏ, bởi anh đã đầu tư tất cả tài sản gom góp, tích nhặt vào 2 ha đất đồi. “Vẫn chưa thấm vào đâu!”- anh nói. Bên chiếc ao cá vừa vỡ đất, anh nói nhiều đến tương lai, với những vườn cây trái. Anh tâm sự: “Vấn đề hiện nay là vốn. Chúng tôi rất thiếu vốn”. Thiếu vốn nên anh chưa thể đầu tư để có những vườn cây ăn trái, thiếu vốn nên anh đành làm dần từng chút một. Ngoài ra, bên cạnh khu trang trại này là khu kinh tế mới đang hình thành với 36 hộ.

“Một trong những hướng phát triển của kinh tế xã nhà sẽ là kinh tế vườn - đồi và phát triển chăn nuôi. Những chân ruộng lúa nước kém hiệu quả, thiếu nguồn nước cũng sẽ nhanh chóng được chuyển hướng sang chăn nuôi” - ông Phan Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn trò chuyện với chúng tôi như vậy. Phát triển cây điều bên cạnh các cây trồng khác, nâng tỷ lệ bò lai trong tổng đàn, nuôi cá nước ngọt… là những hướng đi chủ yếu của Cát Sơn trong những năm trước mắt. Thời gian tới, mỗi năm xã sẽ dãn dân khoảng trên dưới 15 hộ vào khu trang trại thanh niên này.

Một tương lai xa hơn của Cát Sơn đang ấp ủ trong suy nghĩ của lãnh đạo xã. Cát Sơn có hồ Hội Sơn với những hang động và thác nước đẹp, có chùa Hang trên dưới trăm tuổi, có Hang Đá ghi dấu chiến công, có sông La Tinh như dải lụa uốn quanh… Phát triển du lịch sinh thái, có thể sẽ là một hướng phát triển, tạo động lực cho Cát Sơn đi lên.

Thay lời kết

Thả đôi chân trần, trên những bãi cát dài ở Cát Sơn, tự dưng trí óc tôi lại bật dậy câu thơ của Cao Bá Quát: “Bãi cát dài, bãi cát dài biết tính sao đây?” Rồi tôi nghĩ đến những đổi thay lớn lao sắp diễn ra trên dải cát này cùng với những dự tính sẽ nên hình.

Tạm biệt Cát Sơn, tôi hẹn một ngày trở lại. Khi ấy, hẳn Cát Sơn đã mang diện mạo mới. Khi ấy, Cát Sơn có lẽ đã thành một vùng quê giàu, đẹp, xứng danh với truyền thống xã anh hùng trong kháng chiến. Và tôi sẽ nghĩ về nơi đó, nơi có những con người từng ngày đêm bám trụ với núi và cát, đánh Mỹ đến thắng lợi cuối cùng. Nơi đó, có những con người đang tìm cách vươn lên, làm giàu trên đồng đất quê hương…

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều lợi ích nhưng vốn chưa phủ kín toàn tỉnh  (28/03/2003)
Xuất khẩu lao động sang Malaysia  (28/03/2003)
Công ty BIMAL sáng tạo bè khai thác titan sa khoáng dưới nước  (26/03/2003)
Câu mực khơi xa  (28/03/2003)
Một chặng đường khởi sắc  (25/03/2003)
Sản xuất, xuất khẩu hàng gỗ: Tín hiệu khả quan  (24/03/2003)
Hòa Hiệp: Ngày ấy... bây giờ  (23/03/2003)
Đường Xuân Diệu, nét duyên mới cho thành phố biển Quy Nhơn   (23/03/2003)
Một đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực  (21/03/2003)
“Đổi đời” bằng sức của mình  (20/03/2003)
Thực trạng và giải pháp  (20/03/2003)
Từ con số không đến con số thành  (19/03/2003)
Khi viễn thông về nông thôn  (19/03/2003)
Tuy Phước nỗ lực giảm thiểu dịch bệnh tôm  (18/03/2003)
Lấy hè thu bù đông xuân   (18/03/2003)