Thị trường hoa kiểng Bình Định :
Khi hoa kiểng không chỉ là một thú chơi
17:23', 31/3/ 2003 (GMT+7)

Sanh tiểu cảnh

Chúng tôi đặt vấn đề thị trường hoa kiểng, có nghĩa là muốn nhấn mạnh ở góc độ kinh doanh hoa kiểng, mang tính chuyên nghiệp ở mọi quy mô: nhỏ, vừa và lớn; với nhiều hình thức: sưu tầm (thu mua là chính), khai thác và trồng trọt, dịch vụ môi giới, đại lý sỉ lẻ… và cuối cùng là tạo nên một môi trường mua bán, trao đổi có sức cạnh tranh, có lợi nhuận, có thua lỗ như các mặt hàng khác.

* Nền tảng từ phong trào.

Không thể phủ nhận việc đã có những làng, những vùng chuyên trồng hoa hình thành từ nhiều chục năm nay trên đất Bình Định như những vườn hồng ở xóm Bàu và khu sân bay Quy Nhơn, những vườn mai xuân ở Tuy Phước, An Nhơn, làng hoa huệ ở các xã thuộc Tuy Phước, những vườn cúc, vạn thọ, lay-ơn, đồng tiền… ở khu trồng rau Nhơn Phú (Quy Nhơn). Hoặc rải rác những điểm cây kiểng (chủ yếu cây khai thác từ thiên nhiên) mà xã, phường nào cũng có. Nhưng phần lớn sự hình thành này bắt đầu từ một thú chơi nghệ thuật, sau đó nhân lên thành một phong trào.

Từ một thú chơi, một phong trào chơi hoa kiểng, ở Đình Định đã sản sinh ra  nhiều nghệ nhân tên tuổi và có nhiều tác phẩm xuất sắc, xét về góc độ nghệ thuật là vô giá, ở góc độ kinh tế mang lại nguồn thu nhập lớn. Và cũng bắt đầu xuất hiện những điểm, những vườn buôn bán hoa kiểng chính thức, với nhiều hình thức, nhiều quy mô khác nhau, lượng hoa kiểng xuất ra ngoài tỉnh số lượng lớn, hoa và một số cây kiểng, cây trang trí nhập vào Bình Định cũng với số lượng không kém.

* Những chợ hoa – shop hoa

Gừa - Bon sai dáng nghiêng

Khoảng 5-10 năm về trước, ở Bình Định các quầy hoa, chợ hoa (chợ tạm) chủ yếu mua bán các loại hoa trồng nội địa như: huệ, hồng, lay-ơn, lan, cúc, vạn thọ, đồng tiền… với số lượng nhỏ, hoặc nhập một phần các loại hoa ở Đà Lạt, Phú Yên với doanh thu nhỏ, vốn đầu tư thấp. Hiện nay, hoa gieo trồng từ giống ngoại nhập và hoa ngoại nhập (cắt cành) đang chiếm lĩnh thị trường ở Bình Định như: lys, arum, bi-bi (hoa sao), salem, cúc đại đóa, cúc nhiều màu, nụ tầm xuân, thủy tiên, cẩm chướng… Các loại hoa này có ưu điểm là hoa lâu tàn, kích cỡ lớn, màu sắc đẹp, kiểu dáng hấp dẫn, giá cả không còn cao như trước, những người bình dân cũng có thể mua để thưởng thức. Thậm chí, mua hoa để cúng, khách hàng cũng chỉ chọn các loại hoa cúc ngoại, giá chừng khoảng vài nghìn đồng. Các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm (20-11, 26-3, 8-3…) các quầy hoa, chợ hoa, shop hoa (Miki, Hương Lợi…) khách hàng nhộn nhịp, doanh số bán ra có khi bằng tổng các ngày thường trong năm. Các cửa hàng hoa khô (làm từ thảo mộc), hoa giả (Hoàng Hà, Diễm Thi, Mỹ Ngọc…) cũng đã có chỗ đứng trong thương trường, cung cấp một lượng hàng không nhỏ cho những nơi có nhu cầu. Một số loại hoa phổ biến ở địa phương bắt đầu thiếu vắng dần, vì không canh tranh nổi với các giống hoa ngoại, nên hàng loạt nhà vườn đã chuyển đổi giống cây trồng.

* Đến các vườn cây kiểng – hoa lan

Đã qua rồi một thời những người trồng kiểng chỉ để thỏa mãn cho thú tiêu nhàn, thưởng ngoạn lúc trà dư tửu hậu, hoặc dùng để biếu, trao đổi với những bạn tâm giao. Khoảng chục năm trở lại đây, yếu tố thương mại đã nảy sinh trong thế giới sinh vật cảnh ở Bình Định. Ban đầu là việc bán cho một vài thương buôn ở các tỉnh phía Nam, bằng hình thức mua lựa. Dần dần, việc bán- mua các tác phẩm sinh vật cảnh đã trở thành những chuyến hàng lớn, những món thu lợi lớn cho những người chơi kiểng.

Trong thực tế, hiện nay các nghệ nhân, người yêu hoa kiểng ở Bình Định, đang có trong vườn những cây giá đến trăm triệu đồng/cây. Nói đến vấn đề này, chúng tôi muốn khẳng định rằng, đã có nhiều và rất nhiều tác phẩm cây kiểng nghệ thuật đã đạt đến giá trị kinh tế rất cao, có khi có những tác phẩm có giá còn lớn hơn cả một gia tài của một người có thu nhập bình thường. Ở khu vực TP Quy Nhơn, dù điều kiện không gian không cho phép, nhưng đã hình thành nhiều vườn kiểng có vốn đầu tư lớn. Có những bạn hàng thường xuyên từ các tỉnh ngoài đặt hàng, với hình thức bán sỉ và bán lựa (với những “hàng độc”). Đáng kể nhất là những điểm, những vựa cây lớn, những vườn sản xuất (chủ yếu là cây mai xuân) có tính chuyên nghiệp như: Trúc Mai, Ngọc Sơn, Xuân Lý, Huỳnh Thế… . Ở Tuy Phước có ông Năm Hưng, ông Lê Thế Du… . Ở  An Nhơn có ông Minh, ông Bảy Sói, ông Cúc, ông Tân, ông Tâm…. Và một vài điểm ở các huyện ở Tây Sơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn cũng có quy mô lớn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có trên mười vườn kiểng, có giá trị từ khoảng 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Nhìn chung, thế mạnh của nguồn cây cảnh ở Bình Định xuất ra tỉnh ngoài là cây mai xuân và các loại cây cội khai thác từ thiên nhiên như: sanh, gừa, me, sộp, sam, lòng mức, linh sam, bồ đề…                  

Còn hoa lan, tuy chưa thật sự rầm rộ nhưng cơ bản cũng đã hình thành các vườn lan với quy mô vừa và nhỏ. Chủ yếu nhập giống ngoại (mua lại từ TP Hồ Chí Minh) như vườn lan của chị Cúc, anh Giỏi, anh Định, anh Thế, anh Việt, anh Vũ… ở Quy Nhơn và một số vườn lan rừng Việt Nam ở rải rác các huyện. Có những điểm có đến hàng ngàn giò lan ngoại, các giống phổ biến như: Dendrrobium, Cattleda, Vanda, Vũ nữ. Lan rừng Việt Nam thường có hương thơm như: Đại châu, Rhynchostylis gigantea, lan hài (Paphiopedilum)… chúng thường nở hoa vào dịp tết nên tiêu thụ nội tỉnh rất mạnh.

Đời sống càng cao, nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật càng lớn, hoa kiểng chiếm một vị trí đáng kể trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và người Bình Định nói riêng. Cùng với sự phát triển chung của xã hội, khoảng chục năm qua đời sống kinh tế ở Bình Định có những bước phát triển tốt, nhu cầu tiêu thụ, thưởng thức hoa và cây kiểng ở Bình Định cũng tăng lên, sức mua ở nội tỉnh rất lớn. Đáng mừng là trong thời gian qua, chính quyền các cấp, các đoàn thể, cơ quan đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phong trào sinh vật cảnh tỉnh nhà phát triển. Đã có nhiều cuộc triển lãm, nhiều hội thi, hội chợ sinh vật cảnh được tổ chức thu hút nhiều khách hàng, tạo nên một sân chơi như các hoạt động văn hoá lành mạnh khác, và tạo nên một thị trường hoa kiểng khá sôi động.

. Ngọc  Diên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản ở Bình Định  (30/03/2003)
Xanh thắm chiến khu xưa  (30/03/2003)
Nhiều lợi ích nhưng vốn chưa phủ kín toàn tỉnh  (28/03/2003)
Xuất khẩu lao động sang Malaysia  (28/03/2003)
Công ty BIMAL sáng tạo bè khai thác titan sa khoáng dưới nước  (26/03/2003)
Câu mực khơi xa  (28/03/2003)
Một chặng đường khởi sắc  (25/03/2003)
Sản xuất, xuất khẩu hàng gỗ: Tín hiệu khả quan  (24/03/2003)
Hòa Hiệp: Ngày ấy... bây giờ  (23/03/2003)
Đường Xuân Diệu, nét duyên mới cho thành phố biển Quy Nhơn   (23/03/2003)
Một đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực  (21/03/2003)
“Đổi đời” bằng sức của mình  (20/03/2003)
Thực trạng và giải pháp  (20/03/2003)
Từ con số không đến con số thành  (19/03/2003)
Khi viễn thông về nông thôn  (19/03/2003)