Nhìn lại chặng đường 40 năm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
17:45', 31/3/ 2003 (GMT+7)

Ngân hàng Ngoại thương

Đến ngày 1/4/2003, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tròn 40 tuổi. Chặng đường 40 năm hoạt động của Vietcombank gắn liền với quá trình phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh đến những năm đầu hòa bình, ngân hàng tiếp nhận và quản lý viện trợ của các tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới ủng hộ cho Việt Nam, tổ chức đường dây thanh toán đặc biệt ngay giữa lòng địch, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời ngân hàng đã tham gia tích cực các hoạt động cho vay xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, quản lý vốn ngoại tệ tại các ngân hàng nước ngoài, làm đại diện cho Chính phủ trong quan hệ thanh toán, vay nợ, viện trợ với các nước.

Để đáp ứng tốt quá trình phát triển của đất nước, Vietcombank không ngừng lớn mạnh, phát triển mạng lưới các chi nhánh trong và ngoài nước phục vụ đắc lực cho công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Đến nay, hệ thống Vietcombank được mở rộng 27 chi nhánh và các công ty trong nước; 1 công ty và 3 văn phòng đại diện tại nước ngoài.

Qua 40 năm không ngừng phát triển, đến nay nguồn vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng gần 3.000 tỉ đồng với tổng tích sản đến 31/12/2002 đạt 81.942 tỉ quy đồng, tăng 81 lần so với năm 1988, trong đó tốc độ tăng nguồn vốn huy động bình quân hàng năm 55%. Đồng thời lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế của hệ thống cũng đạt ngày càng lớn, doanh số cho vay 2002 là 71.116 tỉ đồng, tăng 73 lần so với năm 1988. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước chiếm tỷ trọng 71%, đầu tư trung dài hạn chiếm 40%. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu: dầu khí, điện lực, bưu chính viễn thông, hàng không, giao thông, lương thực, hải sản… Với mạng lưới ngân hàng đại lý trên 1.300 ngân hàng tại 85 nước trên thế giới, Vietcombank thực sự đóng vai trò chủ đạo trong công tác thanh toán quốc tế, góp phần đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế đối ngoại của đất nước.

Với tư cách là một ngân hàng đối ngoại đầu đàn của Việt Nam, Vietcombank chiếm được uy tín lớn trong lĩnh vực thanh toán đối ngoại. Những năm qua, Vietcombank luôn đóng vai trò chủ đạo, chiếm lĩnh thị phần lớn trong công tác thanh toán xuất nhập khẩu và bảo lãnh của cả nước. Tính trên cả nước, đến nay có gần 60 ngân hàng thực hiện thanh toán quốc tế thì Vietcombank chiếm thị phần 30% kim ngạch thanh toán xuất nhập khẩu. Không những có uy tín trong nước, mà ngay cả trên trường quốc tế Vietcombank cũng được đánh giá cao; một tạp chí ngân hàng có tiếng trong giới tài chính quốc tế “The Banker” của Anh quốc bình chọn là “Ngân hàng tốt nhất” của Việt Nam liên tục trong 3 năm 2000, 2001, 2002; liên tiếp trong 5 năm liền 1996-2000 được công nhận là ngân hàng có dịch vụ tốt nhất về thanh toán Swift theo tiêu chuẩn quốc tế…

Việt Nam trong quá trình hội nhập để phát triển đang đặt cho các ngân hàng thương mại nói chung và Vietcombank nói riêng vào một giai đoạn mới, làn sóng cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt. Bằng việc đi đầu triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng, qua giai đoạn 1 Vietcombank đã trở thành một ngân hàng đa năng, có tốc độ phát triển cao, ổn định, hiệu quả và bền vững. Sau 5 năm đã mang lại hình ảnh và vị thế mới cho Vietcombank không những chỉ ở trong nước mà còn ở tầm khu vực và quốc tế. Ngoài ra, Vietcombank luôn đi tiên phong trong đổi mới công nghệ, phát triển các dịch vụ ngân hàng mới, tạo tiền đề hội nhập vào thị trường tài chính tiền tệ khu vực và thế giới.

Cụ thể, một số thành quả lớn trong phát triển công nghệ của Vietcombank như: Thứ nhất: Ứng dụng phần mềm Ngân hàng bán lẻ VCB-Vision 2010, đây là nền tảng phát triển các hệ thống ứng dụng tích hợp, đảm bảo khả năng giao diện và xử lý liên hoàn giữa các chức năng của hệ thống hiện hành; Thứ hai: Đưa vào sử dụng hệ thống giao dịch tự động ATM – Connect 24. Hệ thống giao dịch tự động ATM của Vietcombank cho phép không những thực hiện các dịch vụ cơ bản như rút tiền, kiểm tra số dư…, mà còn cho phép sử dụng các dịch vụ gia tăng trên hệ thống như rút tiền mặt trên ATM từ thẻ tín dụng quốc tế, thẻ ghi nợ quốc tế Visa Card, Master Card…; Thứ ba: Phát triển các ứng dụng hỗ trợ cho việc triển khai các tiện ích xử lý trực tuyến (On-line) và triển khai dịch vụ Ngân hàng trực tuyến – VCB On-line cho phép khách hàng của VCB có thể gửi tiền một nơi và rút ở nhiều nơi, giúp khách hàng không bị hạn chế bởi không gian và thời gian giao dịch; Thứ tư: Phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ các giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng IBPS của Ngân hàng Nhà nước, xử lý tự động hoàn toàn các giao dịch thanh toán; Thứ năm: Phát triển dịch vụ E-Bank đạt chuẩn mực quốc tế về bảo mật, dịch vụ và tiện ích sử dụng, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của ngân hàng nước ngoài.

Là một Chi nhánh của Vietcombank, Vietcombank Quy Nhơn ra đời khá sớm từ những năm 1985 hoạt động trên địa bàn khu vực các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum mà chủ yếu là Bình Định và Gia Lai. Trong hơn 18 năm qua, từ chỗ là một chi nhánh ngân hàng thương mại đối ngoại duy nhất trên địa bàn thực hiện cơ chế tín dụng bao cấp đối với lĩnh vực đầu tư sản xuất xuất nhập khẩu với số lượng khách hàng khiêm tốn từ 18-20 khách hàng, đến nay Vietcombank Quy Nhơn đã mở rộng hoạt động tín dụng đa năng, phục vụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bình Định cho tất cả các đối tượng khách hàng ở tất cả các thành phần kinh tế và mạng lưới khách hàng được mở rộng đến 5.000 khách hàng. Qua các năm, tăng trưởng tín dụng bình quân từ 20% – 30%, tăng trưởng nguồn vốn huy động bình quân từ 20% - 25%. Trong năm 2002, doanh số cho vay đạt trên 2.000 tỉ quy đồng, tăng 36 lần so với năm 1988. Trong đó, cho vay xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng 70%, kim ngạch thanh toán quốc tế đạt trên 70 triệu USD chiếm thị phần xấp xỉ 50% kim ngạch xuất nhập khẩu tỉnh Bình Định. Vietcombank Quy Nhơn đã trở thành ngân hàng đa năng, cung cấp các dịch vụ đa tiện ích, thực hiện đầy đủ chức năng của một ngân hàng đối ngoại, thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế và tham gia tài trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, khối lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế ngày càng tăng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực. Có thể nói, từ ngày thành lập, Vietcombank Quy Nhơn đã trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của Bình Định và khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Tiếp nối chặng đường vẻ vang 40 năm qua, trước thời điểm hội nhập đang tới gần, Vietcombank lại chuẩn bị cho mình những hành trang mới. Với chương trình cải cách và hiện đại hóa ngân hàng một cách toàn diện, triệt để, chắc chắn rằng Vietcombank sẽ cùng với hệ thống Ngân hàng Việt Nam tạo nên mạch đập vững vàng, chắp cách cho kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ mới.

. Trần Văn Thao

(Giám đốc Vietcombank Quy Nhơn)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khi hoa kiểng không chỉ là một thú chơi  (31/03/2003)
Hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản ở Bình Định  (30/03/2003)
Xanh thắm chiến khu xưa  (30/03/2003)
Nhiều lợi ích nhưng vốn chưa phủ kín toàn tỉnh  (28/03/2003)
Xuất khẩu lao động sang Malaysia  (28/03/2003)
Công ty BIMAL sáng tạo bè khai thác titan sa khoáng dưới nước  (26/03/2003)
Câu mực khơi xa  (28/03/2003)
Một chặng đường khởi sắc  (25/03/2003)
Sản xuất, xuất khẩu hàng gỗ: Tín hiệu khả quan  (24/03/2003)
Hòa Hiệp: Ngày ấy... bây giờ  (23/03/2003)
Đường Xuân Diệu, nét duyên mới cho thành phố biển Quy Nhơn   (23/03/2003)
Một đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực  (21/03/2003)
“Đổi đời” bằng sức của mình  (20/03/2003)
Thực trạng và giải pháp  (20/03/2003)
Từ con số không đến con số thành  (19/03/2003)