Bãi Xép: Đường lớn đã mở…
20:33', 1/4/ 2003 (GMT+7)

Thuyền đánh cá ở Bãi Xép

“Tôi đã đi qua gần hết cuộc đời rồi, và cũng từng ấy thời gian tôi gắn bó với xóm làng này. Thế nhưng mãi đến bây giờ tôi mới thấy quê mình đổi thay nhiều như vậy” - ông Nguyễn Sĩ Đại, 61 tuổi, một cư dân Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) mà chúng tôi tình cờ gặp được trên đường đến đây, đã bộc bạch như vậy.

Quả thực, vừa đặt chân đến đây chúng tôi đã cảm nhận được sự hồi sinh và khởi sắc của mảnh đất này. Những ngôi nhà mái ngói tường xây đã mọc lên thay vào những ngôi nhà tranh vách lá. Ban đêm, điện lưới quốc gia bừng sáng trong từng ngôi nhà. Từ khắp đầu làng cuối xóm, tiếng nhạc xập xình, tiếng xe máy đi về làm rộn lên một cuộc sống mới... Những hình ảnh ấy, dù chưa toàn diện lắm nhưng đủ nói lên sự đổi thay rất lớn của một vùng quê biển so với cách đây chừng 3 năm.

Bãi Xép hiện có 110 hộ dân với 670 nhân khẩu đang sinh sống, chỉ cách thành phố Quy Nhơn có 13 km, nhưng vài năm trước đây là khu vực khuất nẻo vì bị bao bọc bởi núi và biển. Nhớ lại trước năm 2000, bà con ở đây muốn ra phường ký giấy tờ hay đến Quy Nhơn mua sắm phải mất đến gần 3 giờ đồng hồ cho đoạn đường 13 km ấy vì phải đi ghe ra bến Hàm Tử, phường Hải Cảng (Quy Nhơn) rồi mới thuê xe đi tiếp. Anh Nguyễn Thanh Hùng, một cư dân Bãi Xép, nhớ lại: “Ngày trước, chúng tôi đánh bắt được con cá, hay nuôi được con tôm muốn bán cũng rất trầy trật bởi phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Vẫn biết rằng mình bị ép giá nhưng cũng đành chịu, chứ không bán cho họ thì biết bán cho ai bây giờ”. Bởi thế, ngày trước cái đói, cái nghèo luôn đeo đẳng và ám ảnh cư dân Bãi Xép, tỷ lệ hộ đói nghèo của khu vực chiếm đến hơn 30%, số nhà xây mái ngói đếm trên đầu ngón tay, chỉ có 20% số hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn…

Bãi Xép bắt đầu đổi thay từ khi có Quốc lộ I D (đường Quy Nhơn - Sông Cầu) chạy qua, phá thế cô lập. Khi giao thông thuận tiện, vùng biển nghèo đói xác xơ ngày nào nay sôi động hẳn lên. Nghề đánh bắt tôm hùm con và nuôi tôm hùm lồng phát triển mạnh khi không còn chịu cảnh tư thương ép giá. Anh Nguyễn Hữu Trí, một hộ nuôi tôm hùm lồng khá thành công ở đây đã đưa chúng tôi ra thăm những lồng tôm của mình và giới thiệu: “Trước kia có bao giờ tôi dám nuôi với số lượng lớn như thế này. Nhưng từ khi có Quốc lộ I D chạy qua, tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển như vậy”. Hiện anh đã có hơn 10 lồng tôm, ước tính mỗi vụ thu hoạch lãi cả trăm triệu đồng. Thế nhưng chẳng phải riêng anh, hiện ở đây có nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề này. Năm 2000, chỉ vài chục hộ nuôi, nhưng hiện nay có 90% cư dân trong khu vực nuôi với hơn 700 lồng. Theo tính toán của bà con, trung bình một lồng tôm một vụ lãi đến 15 triệu đồng. Một số tiền mà lâu nay người dân Bãi Xép không dám ước ao. Ngoài ra, nghề đánh bắt tôm hùm con ở đây trong thời gian qua cũng phát triển mạnh. Trước năm 2000, cả khu vực chỉ có 30 thuyền làm nghề, nay đã tăng lên hơn 60 thuyền. Ngoài kinh tế biển, kinh tế vườn cũng phát triển mạnh. Ngày trước, bà con trồng rau xanh chỉ để giải quyết cái ăn hàng ngày, bây giờ trong khu vực đã có khoảng 30 hộ sống bằng kinh tế vườn và nơi đây trở thành một trong những nơi cung cấp rau xanh cho thành phố Quy Nhơn.

Cùng với Quốc lộ I D, điện lưới quốc gia về cũng làm cho vùng đất này khởi sắc hơn. Cảnh đèn dầu tù mù ngày trước đã được đẩy lùi vào quá khứ. Ông Nguyễn Văn Thanh, khu vực trưởng khu vực Bãi Xép, cho chúng tôi biết: “Nhờ kinh tế phát triển, có điện lưới quốc gia nên đời sống vật chất và tinh thần của bà con cũng ngày một tiến bộ hơn”. Hiện trong khu vực đã không còn hộ đói, số hộ nghèo chỉ còn 10%. Toàn khu vực đã có 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 80% số hộ có xe máy…

Trước khi chia tay Bãi Xép, tôi đi dọc con đường bê tông liên xóm vừa mới đổ xong và cảm nhận một điều, Bãi Xép đang đổi mới từng ngày.

. Phạm Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn lại chặng đường 40 năm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam  (31/03/2003)
Khi hoa kiểng không chỉ là một thú chơi  (31/03/2003)
Hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản ở Bình Định  (30/03/2003)
Xanh thắm chiến khu xưa  (30/03/2003)
Nhiều lợi ích nhưng vốn chưa phủ kín toàn tỉnh  (28/03/2003)
Xuất khẩu lao động sang Malaysia  (28/03/2003)
Công ty BIMAL sáng tạo bè khai thác titan sa khoáng dưới nước  (26/03/2003)
Câu mực khơi xa  (28/03/2003)
Một chặng đường khởi sắc  (25/03/2003)
Sản xuất, xuất khẩu hàng gỗ: Tín hiệu khả quan  (24/03/2003)
Hòa Hiệp: Ngày ấy... bây giờ  (23/03/2003)
Đường Xuân Diệu, nét duyên mới cho thành phố biển Quy Nhơn   (23/03/2003)
Một đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực  (21/03/2003)
“Đổi đời” bằng sức của mình  (20/03/2003)
Thực trạng và giải pháp  (20/03/2003)