Phù Mỹ: Vì sao bệnh tôm đến sớm ?
18:13', 2/4/ 2003 (GMT+7)

Đến cuối tháng 3/2003, bà con nuôi tôm ở huyện Phù Mỹ đã thả nuôi được 197 ha, chiếm 1/3 diện tích mặt nước nuôi tôm của cả vụ. Phần lớn diện tích nuôi tập trung ở các xã Mỹ Thành, Mỹ Chánh và Mỹ Cát. Tôm giống vừa thả nhưng đã có 27 ha tôm bị bệnh mang đen, đốm trắng.

Chúng tôi về xã Mỹ Chánh-địa phương có diện tích mặt nước nuôi tôm nhiều nhất huyện và cũng là nơi bệnh tôm gây thiệt hại khá nghiêm trọng. Trong số 147 ha thả nuôi đã có 15,6 ha bị bệnh. Không ít chủ hồ đã chịu lỗ, bỏ lượt tôm vừa thả, cải tạo lại ao hồ để tiếp tục thả nuôi. Trong số đó có hộ ông Nguyễn Tiến Dân. Ông cho biết: “Vụ tôm năm ngoái, tôi thả nuôi được 2 tháng thì xuất hiện bệnh đốm trắng, nên gia đình tôi thu hoạch ngay và may mắn đủ vốn. Còn năm nay bệnh đến sớm quá, xuống giống chưa được một tuần lễ tôm đã chết sạch”. Với 2.500 m2 mặt nước tôm nuôi vụ đầu tiên này, ông Dân đã mất hơn 3 triệu đồng, chưa kể công cán. Điều đáng nói là khi tôm đã bị bệnh chết hàng loạt, mà ông Dân không biết chính xác nguyên nhân nào, ông chỉ nghi ngờ là mua phải tôm giống có mang mầm bệnh. Vì theo ông, có 3 hộ khác mua tôm giống cùng lượt từ một hộ bán tôm giống trong thôn và tôm đều bị bệnh. Còn ông Trần Vĩnh Khiêm ở thôn An Xuyên được xem là người nuôi tôm thành công nhất của xã, nhiều vụ liền ông trúng hàng trăm triệu đồng. Nhưng vụ tôm này bệnh tôm đến quá sớm và rất bất ngờ làm ông không kịp trở tay. Gần 5 ha ao nuôi của ông mới thả được vài ba hôm đã bị bệnh thân đỏ đốm trắng tấn công. Ông lo lắng: “Nuôi tôm bây giờ thật khó, mình đã áp dụng đúng các khâu kỹ thuật, kiểm dịch tôm giống hẳn hoi thế mà vẫn bệnh” (!)

Ngoài xã Mỹ Chánh, các địa phương khác ở khu đông Phù Mỹ, người nuôi tôm cũng đang bước vào vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm. Xã Mỹ Thành đã thả nuôi được 22 ha mặt nước, Mỹ Cát 28 ha. Mặc dù diện tích mặt nước thả nuôi còn ít so với kế hoạch cả vụ, nhưng tôm nuôi ở đây cũng đã xảy ra bệnh, trong đó Mỹ Thành có 6,6 ha, Mỹ Cát 5 ha.

Hiện những chủ hồ có tôm bị bệnh đang cải tạo lại ao, đìa để tiếp tục thả nuôi cho kịp thời vụ, còn những hộ khác thì đang tìm mọi cách để bảo vệ ao nuôi của mình. Ông Trần An, ở thôn Thượng An (Mỹ Chánh) cho biết: “Ở khu vực này trước đây ít xảy ra dịch bệnh tôm vì đây là khu vực cao triều, hơn nữa phần lớn nuôi theo hình thức khép kín. Nhưng vài vụ tôm gần đây, đã xuất hiện bệnh tôm và đang có nguy cơ lan rộng, nên rất khó có thể lường trước được dịch bệnh sẽ đến lúc nào, mình chỉ còn cách “phòng thủ” túc trực bên hồ tôm là chính”. Dân mất mùa tôm, cán bộ không thể không lo, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, không giấu được trăn trở: “Đời sống sản xuất của nhân dân trong xã đều dựa vào hạt muối, con tôm, nhưng muối thì giá cả bếp bênh, còn tôm liên tiếp bị bệnh hoành hành, đời sống của nhân dân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn”.

Nguyên nhân nào bệnh thân đỏ đốm trắng lại đến sớm với con tôm nuôi của Phù Mỹ như vậy? Ông Nguyễn Văn, chuyên viên theo dõi ngành thủy sản huyện giải thích: “Do môi trường nước bị ô nhiễm nhiều năm đã không được xử lý, hệ thống thủy lợi đã quá cũ, nhiều chủ hồ đã xem nhẹ khâu kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh dịch phát sinh và gây hại. Hơn nữa, khi tôm bị bệnh, nhiều hộ gia đình không ý thức được tác hại của dịch bệnh, nên cứ xả nước tự nhiên, vô tình những hộ khác lấy nước vào ao mang theo mầm bệnh lây lan diện rộng”. Qua tìm hiểu người nuôi tôm ở đây, chúng tôi còn được biết thêm một nguyên nhân không kém phần quan trọng gây bệnh sớm cho tôm là khi nông dân đưa tôm giống kiểm dịch, cán bộ kỹ thuật phát hiện tôm có triệu chứng bị bệnh và hủy bỏ mẫu tôm, nhưng chưa có biện pháp để ngăn chặn việc xuất giống để hạn chế bệnh tôm lây lan thành dịch ở các ao nuôi. Vấn đề đặt ra là nguồn tôm giống phải được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn, khi phát hiện bệnh tôm cần có biện pháp xử lý kịp thời.

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một chiều trên hồ Núi Một  (01/04/2003)
Bãi Xép: Đường lớn đã mở…  (01/04/2003)
Nhìn lại chặng đường 40 năm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam  (31/03/2003)
Khi hoa kiểng không chỉ là một thú chơi  (31/03/2003)
Hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản ở Bình Định  (30/03/2003)
Xanh thắm chiến khu xưa  (30/03/2003)
Nhiều lợi ích nhưng vốn chưa phủ kín toàn tỉnh  (28/03/2003)
Xuất khẩu lao động sang Malaysia  (28/03/2003)
Công ty BIMAL sáng tạo bè khai thác titan sa khoáng dưới nước  (26/03/2003)
Câu mực khơi xa  (28/03/2003)
Một chặng đường khởi sắc  (25/03/2003)
Sản xuất, xuất khẩu hàng gỗ: Tín hiệu khả quan  (24/03/2003)
Hòa Hiệp: Ngày ấy... bây giờ  (23/03/2003)
Đường Xuân Diệu, nét duyên mới cho thành phố biển Quy Nhơn   (23/03/2003)
Một đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực  (21/03/2003)