Triển vọng nào cho cây bông vải ?
18:3', 6/4/ 2003 (GMT+7)

Bà con nông dân đang chăm sóc cây bông vải

Theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh (đến năm 2005 toàn tỉnh sẽ thực hiện trồng từ 3.000 - 4.000 ha cây bông vải), cách đây hai - ba năm, cùng với những chính sách ưu đãi của tỉnh, cây bông vải  được nông dân chú ý đến như một loại cây có khả năng giúp họ xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, những kỳ vọng ấy dần bị lu mờ, đến nay diện tích gieo trồng cây bông vải càng ngày càng teo tóp dần, cho thấy dấu hiệu của “thoái trào”…

* Nỗi buồn cây bông vải…

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông-xuân 2002-2003, khi nhắc đến con số thực hiện cây bông vải trong thời gian qua ở các địa phương nhiều người đã không khỏi lo lắng, bởi diện tích sản xuất bông vải đạt quá thấp so với kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, trong vụ sản xuất đông-xuân này, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 500 ha cây bông vải, nhưng đến nay con số này mới chỉ có 98 ha, đạt 19,6% kế hoạch, bằng khoảng 37% so với diện tích cùng kỳ năm trước. Nhiều vùng đất trước đây hứa hẹn sẽ là nơi thuận lợi cho việc phát triển cây bông, thì nông dân chỉ gieo trồng các loại cây họ đậu, bắp, mì…

Để tìm hiểu sự xuống dốc của cây bông vải, chúng tôi về các huyện Tuy Phước, An Nhơn - các địa phương có chương trình phát triển cây bông vải của tỉnh. Ông Trần Duy Tranh, cán bộ kỹ thuật Phòng NN-PTNT Tuy Phước cho biết: “Vụ sản xuất đông-xuân năm nay, toàn huyện chỉ thực hiện được 1,5 ha bông vải do Trạm BVTV huyện triển khai làm mô hình thí điểm IPM. So với vụ bông năm trước, thì năm nay diện tích đạt không bằng 1/3, nhiều vùng đất năm ngoái nông dân trồng bông vải khá lớn như Phước Thành, Phước An, Phước Mỹ…, thì vụ này không còn thấy bóng dáng cây bông đâu cả.” Còn ở An Nhơn, vụ bông năm ngoái toàn huyện thực hiện được 56,54 ha, thì trong vụ sản xuất này chỉ còn 8,45 ha. Những bãi đất soi ven sông xã Nhơn Thành từng được xem là khá triển vọng cho phát triển cây bông, giờ đây nông dân chỉ trồng các loại cây trồng cạn như đậu nành, đậu phụng, và rau đỗ các loại...

* Vì sao nông dân không mặn mà với cây bông vải ?

Giải thích với chúng tôi về nguyên nhân diện tích cây bông vải trong thời gian qua đạt thấp, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Sở dĩ việc triển khai cây bông vải hiện đang gặp khó khăn là do trong vụ đông-xuân, tình hình thời tiết ở Bình Định khá bất lợi, mưa kéo dài đất ướt không thể gieo trồng cây bông. Bên cạnh đó, việc cung ứng giống và các điều kiện về bao tiêu sản phẩm của Công ty bông Nha Trang với nông dân chưa được thực hiện tốt nên nhiều nông dân không mặn mà lắm với loại cây trồng này”.

Khi tiếp xúc với nhiều nông dân trồng bông, chúng tôi được biết thêm nguyên nhân không kém phần quan trọng làm cho nông dân “chán” cây bông vải là do công tác phòng trừ dịch bệnh chưa được ngành chức năng quan tâm đúng mức. Ông Trần Ngọc Anh, cán bộ HTX NN Nhơn Thành 2 (An Nhơn) nhớ lại: “Năm ngoái nông dân trong HTX trồng được gần 6 ha cây bông vải, trong thời gian 3 tháng đầu, cây bông vải phát triển rất tốt hứa hẹn cho năng suất cao, ai ngờ gần tới vụ thu hoạch toàn bộ diện tích bông bỗng dưng héo úa rồi chết dần. Nhiều nông dân chạy khắp nơi để tìm thuốc chữa cho cây bông, nhưng cuối cùng cũng đành bó tay.”

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển cây bông vải ở Bình Định như nhiều diện tích bố trí trồng cây bông nhưng không đảm bảo nguồn nước tưới và thời gian sinh trưởng của cây bông khá dài từ 110 - 150 ngày mới có thể thu hoạch, làm ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất của nông dân…

* Tương lai cây bông vải…?

Liệu đến năm 2005 toàn tỉnh sẽ có khoảng 3.000 - 4.000 ha cây bông vải như NQ của Đảng bộ tỉnh đã đề ra? Đó vẫn là câu hỏi còn nhiều trăn trở. Với thực tế phát triển diện tích cây bông vải như hiện nay, cho thấy khả năng Bình Định khó đạt được diện tích bông vải như mong muốn trong vài ba năm tới. Đó là chưa nói về lâu dài, chủ trương của tỉnh sẽ hình thành vùng nguyên liệu bông để xây dựng Nhà máy dệt sợi liên hợp trên địa bàn tỉnh. Và vì thế, cây bông vải đang là một thách thức đối với ngành nông nghiệp Bình Định.

Ông Nguyễn Văn Thiện cho chúng tôi biết thêm: Hiện nay chủ trương của ngành nông nghiệp là chỉ chú trọng phát triển cây bông vải ở những diện tích đảm bảo nước tưới tiêu, khuyến khích nông dân trồng xen canh với cây đậu phụng để tăng hiệu quả kinh tế. Còn việc phát triển mạnh mẽ, rộng rãi cây bông vải thì còn phải nghiên cứu lại bởi lẽ cây bông vải đòi hỏi nước tưới và nhiều điều kiện kỹ thuật khá chặt chẽ...

Xem ra chương trình phát triển cây bông vải của tỉnh không hề đơn giản, mặc dù nông dân Bình Định có truyền thống trồng bông kéo sợi.

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định - Điểm đến của các nhà đầu tư  (04/04/2003)
Đổi thay ở xã vùng cao An Sơn  (03/04/2003)
Phù Mỹ: Vì sao bệnh tôm đến sớm ?  (02/04/2003)
Một chiều trên hồ Núi Một  (01/04/2003)
Bãi Xép: Đường lớn đã mở…  (01/04/2003)
Nhìn lại chặng đường 40 năm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam  (31/03/2003)
Khi hoa kiểng không chỉ là một thú chơi  (31/03/2003)
Hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản ở Bình Định  (30/03/2003)
Xanh thắm chiến khu xưa  (30/03/2003)
Nhiều lợi ích nhưng vốn chưa phủ kín toàn tỉnh  (28/03/2003)
Xuất khẩu lao động sang Malaysia  (28/03/2003)
Công ty BIMAL sáng tạo bè khai thác titan sa khoáng dưới nước  (26/03/2003)
Câu mực khơi xa  (28/03/2003)
Một chặng đường khởi sắc  (25/03/2003)
Sản xuất, xuất khẩu hàng gỗ: Tín hiệu khả quan  (24/03/2003)