Nông nghiệp Bình Định - những thách thức phải vượt qua
17:30', 8/4/ 2003 (GMT+7)

Bà con nông dân đang thu hoạch lúa

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Bình Định đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn nữa, tiếp tục giúp nông dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, sản xuất nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung sức để vượt qua.

Thời tiết, khí hậu ở Bình Định có nhiều thuận lợi, song cũng gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Tổng lượng mưa cả năm cao, nhưng mùa mưa tập trung 4 – 5 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch) và cao điểm chỉ tập trung vào 2 tháng 10 và 11. Đồng thời, mùa mưa cũng chịu ảnh hưởng của gió bão. Trung bình hàng năm có 1 – 2 cơn bão mạnh đổ bộ vào tỉnh, gây thiệt hại lớn. Mùa khô hạn, nắng nóng kéo dài 7 – 8 tháng, trong đó, các tháng 3 – 4 và 7 – 8 hầu như rất ít mưa. Mùa nắng cũng là thời kỳ gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh, nạn hạn hán xảy ra tại nhiều địa phương khá nghiêm trọng, Rải rác ở một số địa phương, kể cả đồng bằng và miền núi, thường xuất hiện sương mù vào thời điểm trước, trong và sau Tết âm lịch, gây thiệt hại đáng kể đối với cây trồng vụ đông xuân.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn khó khăn, trình độ thâm canh chưa đồng đều. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn như xây dựng thủy lợi, giao thông, khôi phục và mở rộng ngành nghề ở nông thôn... Nhưng so với yêu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại, có hiệu quả, tính cạnh tranh cao thì cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều công trình xây dựng lâu năm, nay đã xuống cấp, yêu cầu phải được sửa chữa, nâng cấp. Công tác giống cây trồng, vật nuôi những năm qua cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, song chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, chưa có tính cạnh tranh cao. Trên địa bàn tỉnh, hệ thống cung ứng giống cây trồng, vật nuôi còn nhiều bất cập.

Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu được thực hiện tại các hộ nông dân. Trình độ thâm canh không đồng đều giữa các hộ, giữa các địa phương, giữa các mùa vụ dẫn đến có sự khác biệt về năng suất cây trồng, vật nuôi giữa các địa phương. Việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trong những năm qua ở Bình Định đã có nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả, song nhận thức về khoa học kỹ thuật của một bộ phận nông dân còn hạn chế. Chính vì vậy, việc nâng cao hơn nữa trình độ thâm canh, nâng độ đồng đều giữa các địa phương là rất cần thiết, góp phần tăng nhanh năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Về đất đai và địa hình: Cũng như các tỉnh Duyên hải miền Trung, Bình Định có bình quân diện tích canh tác cho một nhân khẩu nông nghiệp ở mức thấp. Mặt khác, chất lượng đất đai không đồng đều, nhiều vùng đất đồi gò, bạc màu nghiêm trọng; vùng núi có độ dốc cao. Kỹ thuật canh tác trên đất dốc, kể cả cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, chăn nuôi, quản lý - bảo vệ rừng cần được hết sức quan tâm.

Về sâu bệnh: Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là điều kiện cho nhiều loại côn trùng, dịch bệnh, chuột sinh sôi phát triển. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ thực vật, tình hình sâu bệnh có nơi, có lúc đã làm giảm đáng kể năng suất, sản lượng, có khi nghiêm trọng. Cách phòng trừ sâu bệnh có nơi, có lúc chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý phòng trừ tổng hợp IPM, hoặc sử dụng thuốc không đúng chủng loại, nồng độ, liều lượng, gây hiện tượng sâu bệnh kháng thuốc, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, còn khó khăn trong việc bảo quản nông sản. Do khí hậu nhiệt đới ẩm và biên độ nhiệt ngày đêm cao, đã gây khó khăn trong việc bảo quản nông sản phẩm, làm giảm chất lượng và hao hụt khá lớn. Tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch còn khá cao, trung bình 12 – 15%. Trong đó, hao hụt trong khâu bảo quản 1,9 – 2%, có nơi 3,5 – 4%, làm cho giá thành sản phẩm tăng cao.

Về thị trường, tuy bước đầu chúng ta đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhưng nhìn chung, khối lượng hàng hóa còn nhỏ bé, rải rác, phân tán. Công nghiệp chế biến nông sản chưa phát triển mạnh, đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản luôn là vấn đề bức xúc, giá cả bấp bênh, thiếu ổn định. Nhiều loại hàng hóa phải tiêu thụ qua trung gian nên lợi nhuận thấp, hạn chế hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.

. K.S Nguyễn Hữu Chương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn lại 7 năm cho vay hộ nghèo  (07/04/2003)
Nhiều bất cập trong đào tạo thuyền trưởng tàu cá  (07/04/2003)
Triển vọng nào cho cây bông vải ?  (06/04/2003)
Bình Định - Điểm đến của các nhà đầu tư  (04/04/2003)
Đổi thay ở xã vùng cao An Sơn  (03/04/2003)
Phù Mỹ: Vì sao bệnh tôm đến sớm ?  (02/04/2003)
Một chiều trên hồ Núi Một  (01/04/2003)
Bãi Xép: Đường lớn đã mở…  (01/04/2003)
Nhìn lại chặng đường 40 năm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam  (31/03/2003)
Khi hoa kiểng không chỉ là một thú chơi  (31/03/2003)
Hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản ở Bình Định  (30/03/2003)
Xanh thắm chiến khu xưa  (30/03/2003)
Nhiều lợi ích nhưng vốn chưa phủ kín toàn tỉnh  (28/03/2003)
Xuất khẩu lao động sang Malaysia  (28/03/2003)
Công ty BIMAL sáng tạo bè khai thác titan sa khoáng dưới nước  (26/03/2003)