Đó là anh Đặng Ngọc Anh, 29 tuổi ở thôn Liêm Lợi, xã Nhơn Phong (An Nhơn). Nét nổi bật của người thanh niên này là say mê trồng cây cảnh, đặc biệt là trồng mai.
Trưởng thành trong gia đình rất khó khăn. Với năm sào ruộng khoán và những hàng chuối cằn cỗi trong vườn nhà, Ngọc Anh đã ý thức rằng: nếu chỉ làm ruộng và trồng chuối thì may mắn lắm cũng chỉ đủ ăn. Bằng sự tìm tòi và ham học hỏi cộng với sự tính toán nhanh nhẹn, Ngọc Anh đã biến vườn chuối, với tổng diện tích 1.000m2 thành vườn mai có hơn 1.000 chậu.
Công việc trồng mai của Ngọc Anh lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư, nhưng qua ba năm chăm sóc khổ cực, vườn mai đã mỉm cười với anh. Cuối năm 1997 anh thu nhập trên 30 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí. Thế là anh không ngần ngại, sẵn vốn lãi, anh thuê thêm hai khu vườn khác mỗi khu hơn 1.000m2 và cách nhau khoảng 1km. Đã đến lúc một mình anh không thể đảm đương hết những công việc này. Anh thuê ba người thợ tự mua vật liệu về đúc những chậu ximăng chuẩn bị cho việc sang cây. Để có những chậu mai như ý vào dịp xuân, anh thường sang cây đến khoảng cuối tháng 2 âm lịch là hoàn thành. Có thể nói việc chọn đất để trồng mai cũng quyết định sự phát triển của cây mai, chủ lực vẫn thường dùng là đất phù sa màu mỡ. Nhưng anh vẫn coi trọng hơn cả là việc tưới nước, phun thuốc trừ sâu và thuốc kích thích. Điều đặc biệt ở cây mai là chúng không thích nghi với nước mặn và phèn, do vậy anh đã chọn 3 khu vườn của mình đều gần sông hoặc gần mương rất tiện lợi cho việc đưa nước vào tưới mai. Theo chu kỳ 10 ngày anh phun thuốc trừ sâu và kích thích, anh thường dùng phân NPK và lân ngâm kỹ trước khi tưới vào gốc mai.
Vào dịp tết trong những năm gần đây năm nào anh cũng bán ra khoảng 400 chậu mai, thu lãi trên 40 triệu đồng. Để có những cây mai đẹp anh lấy hạt từ những cây mai có bông chuẩn để nhân giống. Tính đến nay tổng cộng số mai anh đang chăm sóc lên đến 5.000 chậu, trong đó chậu mai nhiều tuổi nhất là 8 năm.
Nói về hướng phát triển nghề trồng mai trong những năm tiếp theo, Ngọc Anh cho biết: “Đã là niềm say mê nên tôi duy trì nghề trồng mai này mãi mãi, xã hội càng văn minh con người càng biết hưởng thụ cái đẹp”.