Có thể nói vụ án "Đông Nam" đã làm thay đổi một cách cơ bản diện mạo của thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) ở nước ta, trong đó có Quy Nhơn.
Với tư cách là nhà nhập khẩu - phân phối ĐTDĐ lớn nhất Việt Nam, Đông Nam không chỉ chi phối thị trường về giá cả, thời trang (thông qua việc quảng cáo, lăng xê một số mẫu điện thoại nào đó) mà còn đưa ra được khái niệm giá trị chính hiệu (cho hai nhãn hiệu Nokia và Samsung). Cách xác nhận giá trị của Đông Nam rất đơn giản - chiếc ĐT có tem bảo hành của Đông Nam chắc chắn là ĐT chính hiệu, ngược lại là "hàng lụi". Mức chênh lệch giữa một chiếc ĐT là hàng lụi, hay còn quen gọi là hàng trôi nổi với hàng chính hiệu thông thường khoảng 10% giá bán. Ở thị trường nước ta từ trước đến nay chưa sản phẩm nào có cách xác định giá trị tương tự. Khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án Đông Nam, cũng như người tiêu dùng khắp nơi trong nước, người tiêu dùng ở Bình Định (mà chủ yếu là ở Quy Nhơn) bị sốc khi biết rằng chính Đông Nam đã dán hàng ngàn tem bảo hành của mình lên hàng lụi để bán với giá hàng xịn.
Ở Quy Nhơn có khoảng 15 - 20 cửa hàng mua bán ĐTDĐ; một số cửa hàng có uy tín như: Viễn Liên, Viliphone, Toàn Cầu, Viễn Thông, Viễn Tin... Anh Quốc - chủ một cửa hàng điện thoại nằm trên đường Phan Bội Châu - cho biết: “ĐTDĐ rớt giá rất mau, đôi khi chỉ sau khoảng 1 - 3 tháng đã rớt đến 25% - 30%. Tầng lớp trung lưu thường đổi máy cũ lấy máy mới khi thời gian bảo hành chuẩn bị hết, điện thoại cũ kiểu này được những người có nhu cầu cần dùng ĐTDĐ nhưng điều kiện tài chính còn hạn chế tìm mua. Máy cũ bán rất mau, không sợ rớt giá, thời gian bảo hành cũng thấp hơn. Hàng Đông Nam giá cao hơn hàng thông thường tới 3 - 4 trăm ngàn đồng, cửa hàng của tôi hầu như không bán hàng của Đông Nam nên không bị ảnh hưởng nhiều”.
Sau khi Đông Nam bị khởi tố, thời gian đầu thị trường có bị sốc, khan hàng một chút, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Một nhân viên của cửa hàng Viễn Liên phân tích: "Khác với nhiều sản phẩm hàng hóa khác, ví dụ là xe máy, ngay cả khi cầm ĐT trên tay cũng khó có thể biết đâu là hàng chính hiệu nếu không mở máy ra để xem tem bảo hành. Hàng trôi nổi, hàng lụi nói vậy chứ cũng có nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm bảo hành, chỉ có điều họ không mạnh bằng Đông Nam mà thôi. Không còn hàng chính hiệu thì cũng chẳng còn hàng trôi nổi nữa. Tất cả đều đồng hạng. Thật ra lâu nay trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi vẫn dính đến trực tiếp nhà cung cấp".
Hậu quả việc làm sai trái của nhà nhập khẩu ĐTDĐ Đông Nam cũng làm các cửa hiệu mua bán điện thoại ở Quy Nhơn phải tăng cường trách nhiệm nhiều hơn. Chủ một cửa hiệu chuyên doanh điện thoại ở đường Lê Hồng Phong cho biết: “Khi cơ quan công an công bố Đông Nam thu gom điện thoại trôi nổi trên thị trường, trong đó có cả nguồn hàng sản xuất tại Trung Quốc, các khách hàng đã mua điện thoại thường hỏi điện thoại của họ có phải là hàng Trung Quốc hay không? Người chuẩn bị mua còn thắc mắc nhiều hơn. Để đảm bảo thu hút được nhiều người, các cửa hàng thường chăm sóc khách hàng rất chu đáo, không nề hà giải đáp những thắc mắc của khách hàng. Phải làm như vậy để giữ bạn hàng cũ và thu hút khách hàng mới”.
Không còn khái niệm hàng chính hiệu, không có sự chênh lệch giá cả một cách kỳ cục do sự khác nhau về tên tuổi của nhà nhập khẩu; thái độ phục vụ ân cần hơn; trách nhiệm hậu mãi chu đáo hơn; giá cả mua bán cũng cạnh tranh hơn; thị trường ĐTDĐ đã lành mạnh hơn trước khá nhiều là những chuyển động tích cực khi cơ quan chức năng phanh phui ra vụ Đông Nam.
. Đông A
|