|
Chị Hồ Thị Thanh Hoa đang vắt sữa |
Nghề chăn nuôi bò sữa thật sự được nông dân Bình Định biết đến vào năm 2000, khi UBND tỉnh có chủ trương khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi với những chính sách đặc biệt ưu đãi. Từ một vài mô hình chăn nuôi thí điểm năm 2000, đến nay toàn tỉnh đã có tổng đàn bò sữa 1.281 con, trong đó 100 con đang cho vắt sữa với sản lượng khoảng 900 lít/ngày. Tuy nhiên, khi những lít sữa bò đầu tiên được khai thác cũng là lúc nông dân phải bắt đầu canh cánh với nỗi lo… tiêu thụ.
Biết tôi có ý định tìm hiểu về tình hình tiêu thụ sữa bò, ông Huỳnh Tấn Phụng ở tổ 8, An Kiều, thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) thở dài ngao ngán: “Khổ lắm chú ơi! Nuôi con bò đã khổ rồi đến khi có sản phẩm sữa lại càng khổ hơn. Nếu cứ kéo dài tình trạng thu mua sữa bò như thời gian vừa qua của Xí nghiệp liên doanh sữa Bình Định chắc tôi phải bán gấp đàn bò”. Vì sao mới nuôi bò sữa ông Phụng lại đòi bán bò? Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: trong 9 ngày đầu tháng 1-2003 vừa qua, Xí nghiệp liên doanh sữa Bình Định bắt đầu tổ chức thu mua sữa bò cho nông dân, thế nhưng ngay từ những ngày đầu, việc thu mua sữa của đơn vị này đã làm cho người nuôi bò sữa bất bình. Theo ước tính của ông Phụng, với đàn bò 4 con cho khai thác sữa, mỗi ngày ông vắt được bình quân 40 lít, thế nhưng khi đem đến bán cho đơn vị thu mua có ngày thì được đánh giá sữa loại A, nhưng có khi lại bị đẩy xuống loại E, giá chỉ còn 1.500 đồng/lít. Cũng như vậy, chị Hồ Thị Thanh Hoa ở tổ 7, An Khương, thị trấn Ngô Mây (Phù Cát) có đàn bò sữa 8 con, hiện có 5 con vắt sữa, trung bình mỗi ngày chị khai thác được 50 lít. Khi được chúng tôi hỏi về vấn đề tiêu thụ sữa bò, chị Hoa buồn rầu cho biết: “Cách thu mua hiện nay của Xí nghiệp liên doanh sữa Bình Định làm cho bà con thấy có nhiều sự nghi ngờ (?). Trong cách đánh giá chất lượng sữa, Xí nghiệp đã phân ra quá nhiều loại sữa với nhiều loại giá khác nhau để thu mua. Giá của loại sữa tốt nhất lên tới 3.536 đồng/lít (tiêu chuẩn 3A), nhưng giá thấp nhất chỉ có 1.500 đồng (tiêu chuẩn loại E). Tuy nhiên, phần lớn tỷ lệ sữa loại 3A chỉ chiếm có 10%, còn lại loại 3D chiếm đến 60% và có đến 30% sữa loại E (?)”. Do vậy, hiện nay người chăn nuôi không còn mặn mà để bán sản phẩm cho Xí nghiệp liên doanh sữa Bình Định. Toàn bộ sản phẩm sữa được tập trung bán hết cho cơ sở sản xuất bánh kẹo, kem Ngọc Nga. Ông Nguyễn Em, một hộ chăn nuôi bò sữa ở thị trấn Gò Găng, Nhơn Thành (An Nhơn) cho hay: “ Cơ sở Ngọc Nga thu mua sữa bò cho nông dân rất nhanh gọn với giá cố định 3.000 đồng/lít, không cần phải phân biệt là sữa loại gì”(?!).
Ngoài ra, nhiều nông dân khác khi chúng tôi đề cập đến chuyện tiêu thụ sữa bò trong thời gian qua đều cho rằng các tiêu chuẩn về chất lượng sữa mà Xí nghiệp sữa đưa ra trong thời gian qua là quá nghiêm ngặt, người nông dân không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, công tác thu mua, vận chuyển sữa hiện nay chưa được đơn vị thu mua tổ chức thực hiện tốt. Trong khi đó những tiêu chuẩn kỹ thuật mà đơn vị thu mua yêu cầu là khá cao: sữa vắt ra phải vận chuyển đến nhà máy trong vòng 2 đến 4 giờ, phải bảo quản sữa trong môi trường nhiệt độ 50C, trong sữa tuyệt đối không có vi trùng... Trong khi đó, cách tổ chức thu mua, vận chuyển sữa chưa được ngành chức năng chú trọng, chủ yếu nông dân tự vận chuyển hoặc thuê mướn phương tiện vận chuyển.
“Chúng tôi đã cố gắng thu mua sữa bò theo đúng giá hợp đồng ban đầu đối với người chăn nuôi bò sữa, nhưng do chất lượng sữa bò của nông dân trong thời gian qua phần lớn không đạt chất lượng yêu cầu buộc chúng tôi phải hạ giá!”, ông Huỳnh Hữu Thức, Phó giám đốc Xí nghiệp liên doanh sữa Bình Định giải thích với chúng tôi về tình hình thu mua sữa trong thời gian qua. Theo ông Thức, sỡ dĩ có sự cố trong việc thu mua sữa của bà con nông dân là do người chăn nuôi Bình Định chưa thích nghi với cách thu mua sữa của đơn vị. Ông cho biết tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sữa của xí nghiệp hiện nay là dựa trên quy định chung của công ty áp dụng trên toàn quốc. Với công suất chế biến sữa của nhà máy hiện nay khoảng 10 triệu lít sữa/năm thì sản lượng sữa hiện nay của bà con trong tỉnh thì không bõ bèn gì. Ông Thức còn cho biết thêm, trong quá trình khai thác sữa, bà con nông dân chưa thật sự chú trọng đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết những sản phẩm sữa mà bà con nông dân đem đến bán cho nhà máy hầu hết không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Thậm chí qua phân tích mẫu, nhiều nông dân còn đổ cả nước vào sản phẩm sữa để tăng thêm cân. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về hàm lượng chất khô, chất béo, tiêu chuẩn vi sinh vật đều không đạt yêu cầu. Nhưng để kích thích nông dân yên tâm phát triển chăn nuôi, đơn vị đã tích cực thu mua toàn bộ sữa cho nông dân. Ông còn tiết lộ cho chúng tôi biết, với chất lượng sữa như trong thời gian vừa qua chỉ dùng để sản xuất sữa chua chứ không thể sản xuất thành sữa tươi được (?)
Về vấn đề vận chuyển sữa, ông Thức lý giải: Thời gian qua do đàn bò sữa cho khai thác ở Bình Địnhcòn ít quá nên khó khăn cho công tác vận chuyển, thu gom. Hiện nay, Xí nghiệp liên doanh sữa Bình Định đang có kế hoạch cùng Công ty cổ phần sữa Bình Định thành lập 2 trạm thu mua sữa cho nông dân tại 2 địa điểm ở An Nhơn và Phù Cát. Tại các địa điểm này sẽ có các trang thiết bị kỹ thuật để phân tích mẫu và thu mua cho nông dân một cách tốt nhất. Tuy nhiên, ông Thức cũng kiến nghị rằng: Để giúp người nông dân nắm bắt các kỹ thuật về khai thác sữa bò một cách tốt nhất thì cần có sự phối hợp của các ngành chức năng chứ chỉ riêng một mình nhà máy đứng ra thực hiện thì đành… chịu!.
Việc tiêu thụ sữa bò khó khăn, nông dân đổ thừa nhà máy, nhà máy sữa đổ thừa nông dân! Bao giờ mới có sự thông hiểu và thống nhất để đôi bên cùng có lợi, nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời chương trình nuôi bò sữa ở Bình Định sẽ khó đạt được kết quả.
. Nguyễn Hân
|