Chương trình Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin:
Những ghi nhận đầu tiên
16:51', 13/4/ 2003 (GMT+7)

Để không bị “trễ tàu” trong thời đại kỹ thuật số, gần như địa phương nào cũng vạch ra những chương trình (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) về phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Ở Bình Định, tính từ ngày xác định mục tiêu và triển khai đến nay Chương trình Ứng dụng và phát triển CNTT (2001 – 2010) đã bước sang tháng thứ 16...

Kết quả điều tra, thống kê cho biết: Hiện nay Bình Định đang có khoảng 345 cán bộ có trình độ cử nhân tin học công tác trong các cơ quan nhà nước, 165 cán bộ có trình độ trung cấp. Tuy nhiên do được đào tạo theo bộ chương trình quá cũ, chưa được cập nhật nên chất lượng của đội ngũ này rất thấp. Bình Định cũng chưa có công ty sản xuất phần mềm hoặc công ty có công nghệ hiện đại để phục vụ công tác đào tạo, hầu hết các đơn vị đang có mặt trên thị trường đều là những công ty mua bán thiết bị tin học. Về thiết bị, cả tỉnh hiện có gần 2.500 bộ máy vi tính các loại, trong đó có khá nhiều máy thuộc các thế hệ quá cũ (225 bộ máy đời 386, 602 bộ máy 486), chỉ có 67 máy chủ. Về mạng truyền thông, cả tỉnh đã xác lập được 40 mạng LAN, 1 mạng WAN tại Văn phòng HĐND&UBND tỉnh nối với 29 sở, ban ngành và các huyện thành phố, nhưng chính mạng này cũng chưa phát huy hết hiệu quả.

Nếu xét về nguồn lực thông tin gồm tư liệu và các cơ sở dữ liệu (CSDL) cả tỉnh hiện chỉ có 3 nguồn tư liệu tập trung ở Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh, Trung tâm Lưu trữ tỉnh và Sở KHCN. Chỉ có vài CSDL tập trung như: CSDL tổng hợp KT-XH của tỉnh; CSDL tài nguyên đất; CSDL địa lý; CSDL sách báo, tạp chí... Điều đáng nói là cho đến nay việc ứng dụng và phát triển các ứng dụng CNTT chủ yếu vẫn dừng lại ở mức soạn thảo văn bản (hơn 50%), việc tin học hóa công tác quản lý của từng đơn vị chủ yếu vẫn được sử dụng bởi những phần mềm ứng dụng phổ thông như: Corrl Draw, AutoCad, Foxpro, Access... Về lĩnh vực phát triển internet, cả tỉnh chỉ có khoảng 200 điểm kết nối internet gián tiếp (cả nước có khoảng 250.000 điểm như vậy). Đây là một trong những thông số quan trọng để hình dung khả năng tiếp cận nếu xét về mức độ xã hội hóa CNTT, và như vậy có thể hình dung Bình Định đang đứng ở đâu trên bản đồ phát triển CNTT.

Chất lượng hạ tầng kỹ thuật CNTT của Bình Định như vậy là rất thấp. Bình Định có 2 cơ sở đào tạo CNTT lớn là Khoa Tin học - ĐHSP Quy Nhơn, Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên – lập trình viên quốc tế (Quy Nhơn APTECH). Cơ sở thứ nhất thì có chất lượng đào tạo chưa cao do công nghệ, thiết bị đào tạo lạc hậu, chưa chiếm được sự tín nhiệm của xã hội. Cơ sở thứ hai do được sự đảm bảo của Tập đoàn APTECH nên có uy tín hơn. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là dù mới thành lập nhưng công suất, năng lực tiếp nhận thì lại rất hạn chế.

Trong chương trình ứng dụng phát triển CNTT của tỉnh, 3 mục tiêu quan trọng được đặt ra là: CNTT đạt trình độ trung bình của cả nước với hơn 10.000 thuê bao sử dụng internet, thu hút đầu tư phát triển CNTT đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 25 – 30%. Đào tạo thêm khoảng 2.000 người về CNTT ở các trình độ khác nhau (trong đó có 1.000 người có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học và lập trình viên chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ để phục vụ CNTT. Đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi CNTT có hiệu quả trong công tác lãnh đạo của Đảng, điều hành Nhà nước và các lĩnh vực KT-XH, quốc phòng, an ninh.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, Bình Định đã xây dựng và triển khai 12 dự án ưu tiên với tổng vốn đầu tư ban đầu ước tính khoảng 61 tỉ đồng. Tiến sĩ Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở KHCN MT Bình Định, phân tích: "Khi xây dựng Chương trình phát triển CNTT, tỉnh Bình Định quyết tâm đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển, tăng tốc tiến vào giai đoạn phát triển mới. Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những lĩnh vực được tỉnh ưu tiên chọn đầu tư là phát triển CNTT. Hãy thử so sánh, học phí một khóa học tương tự ở TP Hồ Chí Minh là 850 USD; Đà Nẵng, Huế – 670 USD... Trong khi đó, với sự hỗ trợ của ngân sách tỉnh, học phí đào tạo lập trình viên của Quy Nhơn APTECH chỉ ở mức 600 USD/khóa/học viên, thấp nhất trong nước." Quả thật, chỉ sau một thời gian ngắn, Quy Nhơn APTECH đã thu hút được khá nhiều học viên và khả năng quá tải của cơ sở đào tạo đã xuất hiện. Hiện tượng đáng lo ngại thật ra đã được dự báo trước khi các chuyên gia nhìn thấy sự vận hành chậm trễ của dự án xây dựng Trung tâm CNTT. Nếu không kịp thời bổ sung, điều chỉnh, chính chúng ta sẽ tự mình vô hiệu hóa những chương trình đầu tư, hỗ trợ phát triển dày công xây dựng.

Chính nhờ sự hỗ trợ, khuếch trương của tỉnh về CNTT mà mới đây, đêm giao lưu chủ đề "Thanh niên với CNTT" đã thu hút được khá nhiều sinh viên quan tâm với nhiều vấn đề được đặt ra. Có thể nói, trong chừng mực nào đó họ đã chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Bình Định niềm băn khoăn về mục tiêu ứng dụng và phát triển CNTT. Và cũng vì mục tiêu ấy mà việc nuôi dưỡng những ước vọng cũng đáng được lưu tâm nhiều hơn.

. Đông A

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thả tôm về... biển  (13/04/2003)
Chưa có tiếng nói chung giữa nông dân và nhà máy  (11/04/2003)
Thị trường điện thoại di động sau vụ án Đông Nam  (10/04/2003)
Qua 5 ngày ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (10/04/2003)
Khá lên từ trồng mai  (09/04/2003)
Đã có sự chuyển biến tích cực   (09/04/2003)
Máy lọc sạn: Sản phẩm có thế mạnh của Bình Định  (08/04/2003)
Nông nghiệp Bình Định - những thách thức phải vượt qua  (08/04/2003)
Nhìn lại 7 năm cho vay hộ nghèo  (07/04/2003)
Nhiều bất cập trong đào tạo thuyền trưởng tàu cá  (07/04/2003)
Triển vọng nào cho cây bông vải ?  (06/04/2003)
Bình Định - Điểm đến của các nhà đầu tư  (04/04/2003)
Đổi thay ở xã vùng cao An Sơn  (03/04/2003)
Phù Mỹ: Vì sao bệnh tôm đến sớm ?  (02/04/2003)
Một chiều trên hồ Núi Một  (01/04/2003)