Cháy rừng - Phòng là chính nhưng…
17:3', 14/4/ 2003 (GMT+7)

Các đợt nắng nóng kéo dài làm cho các khu vực rừng ở Bình Định có nguy cơ cháy rất cao. Các khu vực rừng ở Tuy Phước, Vân Canh, TP Quy Nhơn, An Nhơn được cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít những bất cập.

* Nỗi lo cháy rừng

Bình Định hiện có gần 358.500 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng chiếm 32,14%, độ che phủ hiện nay đạt 34%. Theo ngành kiểm lâm tỉnh, trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, diễn biến cháy rừng ở Bình Định xảy ra ngày càng rất nghiêm trọng. Chỉ tính riêng năm 2002, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ cháy rừng làm thiệt hại 202,3 ha rừng, giá trị thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Còn từ đầu mùa hanh khô đến nay, Bình Định tuy chưa xảy ra vụ cháy rừng lớn nào đáng kể, nhưng nhiều nơi cũng đã bắt đầu xuất hiện các đám cháy nhỏ.

Chúng tôi đi dọc theo các khu rừng ở vùng núi Bà Hỏa (Quy Nhơn) vào những ngày đầu tháng 4 này để tìm hiểu công tác PCCCR và thực sự lo ngại với nguy cơ xảy ra cháy rừng. Dọc theo các cánh rừng thuộc các phường Ngô Mây, Lê Hồng Phong, Đống Đa, Quang Trung có rất nhiều hộ gia đình xâm chiếm đất trái phép xây cất nhà ở ngay trong khu vực giáp ranh rừng. Hàng ngày các hộ gia đình ở đây đốt lửa để nấu cơm, đốt rác, vứt tàn thuốc bừa bãi… Đó chính là những nguy cơ cao dẫn đến cháy rừng. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Lâm trường Quy Nhơn, hàng năm đến mùa hanh khô lâm trường phải đối mặt với nỗi lo cháy rừng. Liên tục trong 3-4 năm trở lại đây, hầu như năm nào rừng ở Quy Nhơn cũng bị cháy. Các nguyên nhân gây ra cháy là do ý thức PCCCR của nhiều người dân sống khu vực gần rừng còn rất kém, họ chưa hiểu hết tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của họ. Do vậy, nhiều người đi vào rừng mồi lửa đốt ong, đốt rẫy một cách rất bình thường rồi không chú ý dập tắt lửa, đến khi lửa phát thành đám cháy lớn không thể chữa cháy kịp.

Ngoài TP Quy Nhơn, công tác PCCCR ở các huyện vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, đáng chú ý là một số lâm trường, chủ rừng chưa xem trọng công tác PCCCR. Nhiều diện tích rừng khi thiết kế trồng rừng đã không xây dựng hệ thống phòng chữa cháy như đường băng cản lửa, hồ dự trữ nước, chòi canh lửa… Những khu vực rừng này nếu bị cháy sẽ không ngăn chặn được “giặc lửa” và thiệt hại sẽ rất lớn.

* Phòng vẫn là chính, nhưng...

Để chủ động PCCCR đạt kết quả tốt, vừa qua Chi cục kiểm lâm tỉnh đã tổ chức Hội nghị công tác PCCCR năm 2003 và triển khai đến các Hạt kiểm lâm địa phương. UBND tỉnh cũng đã ra chỉ thị về công tác PCCCR và thành lập Ban chỉ huy PCCCR cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hiếu Hòa, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh thì hiện nay biện pháp hữu hiệu mà ngành đưa ra là tăng cường công tác phòng cháy hơn là chữa cháy rừng. Bởi lẽ, với các trang thiết bị chữa cháy hiện có chúng ta khó thể dập tắt được các đám cháy rừng một khi đã xảy ra cháy. Do vậy, biện pháp khả thi nhất mà ngành kiểm lâm đưa ra là chủ động xây dựng và triển khai các phương án cảnh báo, dự báo cháy rừng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Tăng cường công tác giáo dục ý thức PCCCR đến những người dân sống ở các khu vực gần rừng. Thông qua các tổ chức hội, đoàn thể vận động người dân cần cảnh giác với cháy rừng.

Phòng là chính nhưng việc chủ động phòng chống cháy rừng cũng đang gặp khó khăn do thiếu thốn các trang thiết bị, kinh phí. Ông Trương Ngọc Chuẩn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn cho biết thêm: “Kinh phí phục vụ cho công tác PCCCR còn rất hạn chế, hiện nay trên địa bàn huyện việc trang bị một số trang thiết bị như vỉ đập lửa, rựa, bình đựng nước… còn thiếu thốn. Hiện nay, Hạt kiểm lâm địa phương phải tự tìm nguồn kinh phí để mua sắm các trang thiết bị cần thiết. Đây là một trở ngại lớn nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến việc chủ động chống cháy khi xảy ra cháy rừng”.

Thiết nghĩ, để công tác PCCCR trong mùa hanh khô năm nay một cách hiệu quả thì việc tháo gỡ những khó khăn trên là việc làm cần thiết.

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những ghi nhận đầu tiên  (13/04/2003)
Thả tôm về... biển  (13/04/2003)
Chưa có tiếng nói chung giữa nông dân và nhà máy  (11/04/2003)
Thị trường điện thoại di động sau vụ án Đông Nam  (10/04/2003)
Qua 5 ngày ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (10/04/2003)
Khá lên từ trồng mai  (09/04/2003)
Đã có sự chuyển biến tích cực   (09/04/2003)
Máy lọc sạn: Sản phẩm có thế mạnh của Bình Định  (08/04/2003)
Nông nghiệp Bình Định - những thách thức phải vượt qua  (08/04/2003)
Nhìn lại 7 năm cho vay hộ nghèo  (07/04/2003)
Nhiều bất cập trong đào tạo thuyền trưởng tàu cá  (07/04/2003)
Triển vọng nào cho cây bông vải ?  (06/04/2003)
Bình Định - Điểm đến của các nhà đầu tư  (04/04/2003)
Đổi thay ở xã vùng cao An Sơn  (03/04/2003)
Phù Mỹ: Vì sao bệnh tôm đến sớm ?  (02/04/2003)