|
Khánh thánh nhà máy chế biến nguyên liệu giấy tại KCN Phú Tài |
Với tổng vốn đầu tư ban đầu chỉ trên 5 tỉ đồng, sau gần 10 năm hoạt động, Công ty nguyên liệu giấy (NLG) Quy Nhơn đã mang lại tổng lợi nhuận trên 57,3 tỉ đồng.
Năm 1993, khi việc xuất khẩu gỗ tròn bị đình chỉ, Công ty lâm đặc sản xuất khẩu Bình Định (nay là Tổng công ty PISICO) có sáng kiến thành lập một nhà máy chế biến dăm bạch đàn xuất khẩu tại Quy Nhơn. Sáng kiến này được các đơn vị kinh doanh lâm sản trên địa bàn hưởng ứng và góp vốn, gồm: Tổng công ty PISICO, VINAFO, VIFACO và Lâm trường Quy Nhơn.
Tháng 12/1993, 5.000 tấn dăm bạch đàn đầu tiên của nhà máy được xuất sang thị trường Đài Loan qua Cảng Quy Nhơn. Sau đó, thị trường xuất của đơn vị được mở rộng đến các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc nhờ chất lượng sản phẩm được nâng cao. Khi có thị trường đầu ra thuận lợi thì cũng là lúc công ty phải đối mặt với sức ép cạnh tranh về nguyên liệu. Đáp ứng đủ nguyên liệu để sản xuất là nhiệm vụ sống còn của công ty. Có hai thử thách mà công ty phải vượt qua, đó là cạnh tranh mua nguyên liệu và đầu tư xây dựng vốn rừng. Để mua được nguyên liệu, công ty đã thực hiện một số biện pháp tích cực như đầu tư khơi nguồn mở rộng địa bàn thu mua đến các tỉnh lân cận, xây dựng cơ chế giá linh hoạt cho từng vùng, từng thời điểm, tổ chức vận chuyển nhanh…
Tuy vậy, trong hành trình đi tới của công ty không phải lúc nào cũng suôn sẻ theo kế hoạch đã vạch ra. Khi Chính phủ có chủ trương đóng cửa rừng không cho khai thác gỗ lóng. Vào năm 1997, các hợp đồng xuất khẩu đơn vị đã ký với nước ngoài phải hủy bỏ vì khách hàng thấy sản xuất của công ty thiếu ổn định. Hàng tồn kho lớn nhưng công ty phải thu mua gỗ để giữ vùng nguyên liệu. Đây là chặng đường khó khăn nhất của công ty, buộc công ty phải mở thêm kinh doanh hàng nông sản để giải quyết việc làm cho công nhân, giảm chi phí cố định khi nhà máy ngừng sản xuất.
Ra đời và hoạt động trong cơ chế mới nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, song nhờ sự năng động Công ty NLG Quy Nhơn đã khẳng định thế đứng của mình, kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị liên tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong mười năm, từ năm 1993 đến năm 2002 công ty đã khai thác, thu mua 884.144 m3 gỗ bạch đàn, keo; chế biến 515.358 m3 sản phẩm dăm xuất khẩu và kinh doanh hàng chục ngàn tấn mì lát, bắp, cà phê; đạt tổng doanh thu 344,14 tỉ đồng, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 25,214 triệu USD. Sau khi thực hiện các khoản nộp NSNN, thu hồi vốn 47,409 tỉ đồng, công ty còn lợi nhuận 57,372 tỉ đồng. Và đến năm 2002, thu nhập bình quân của cán bộ công nhân trong công ty đạt 2,3 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, với sự hoạt động của công ty, hàng chục vạn lao động nông thôn có thêm việc làm từ trồng rừng, khai thác rừng nguyên liệu bán cho nhà máy.
Vừa qua, công ty đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến dăm thứ 2 công suất 50.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Phú Tài. Ông Nguyễn Đức Huyện, Giám đốc Công ty cho biết: “Thời gian tới nhiệm vụ chủ yếu của công ty vẫn là hoạt động kinh doanh dăm gỗ, vì vậy phải tạo vốn rừng theo hướng trực tiếp đầu tư trồng rừng và liên kết bao tiêu sản phẩm. Vì nguyên liệu chế biến là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của công ty”.
. Hữu Vinh
|