|
Hướng dẫn thủ tục nộp thuế |
Lâu nay, hệ thống quản lý thu ngân sách của tỉnh do ngành Thuế quản lý và hành thu. Về cơ bản, hệ thống này đã thể hiện được tính ưu việt, giúp cho công tác quản lý và hành thu ổn định và đi vào nề nếp. Tuy nhiên, do sự hoạt động sản xuất kinh doanh ngày một đa dạng hơn, nên công tác quản lý và hành thu ở các địa phương có khó khăn. Ở nhiều xã, đối tượng xấu ù lỳ, xem thường pháp luật và coi nhẹ nghĩa vụ thuế, nhưng chính quyền địa phương lại thờ ơ trong phối hợp với cơ quan Thuế trong thu ngân sách. Trong khi đó các khoản thu trên địa bàn xã thường là nhỏ lẻ và biến động, biên chế cán bộ ngành Thuế lại ít nên khó quản lý hết được. Nhiều địa phương cán bộ thuế còn để sót hộ, sót nguồn thu và chưa quản lý sát với doanh số thực tế kinh doanh của từng hộ, nên không đảm bảo được sự công bằng cho các đối tượng nộp thuế.
Trước thực trạng đó, ngày 1/1/2003, Cục thuế đã triển khai thí điểm Đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã ở 4 huyện: Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Ân và Hoài Nhơn. Theo ông Phạm Vĩnh Sáu, Cục trưởng Cục thuế, việc mở rộng ủy nhiệm thu này nhằm đảm bảo công tác quản lý thu thuế trên địa bàn xã đạt hiệu quả, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và tinh giản biên chế của bộ máy Nhà nước hiện nay. Với việc ủy nhiệm thu này, UBND xã phải chịu trách nhiệm và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thu các khoản thuế, thu khác trên địa bàn, thống kê, kiểm tra, điều tra doanh thu và diện tích đất đai của các đối tượng nộp thuế. Khai thác các nguồn thu và phối hợp với cơ quan thuế trong việc xác lập các căn cứ lập bộ thuế, duyệt bộ thuế, duyệt miễn giảm thuế, nhằm quản lý tốt đối tượng nộp thuế để chống thất thu và đảm bảo tính công bằng, đúng luật. UBND xã được ủy nhiệm thu, ngành thuế sẽ trích lại 10% trên tổng số thuế thu được để chi cho công tác lập bộ, chỉ đạo thu và dùng để chi trả thù lao cho ủy nhiệm thu.
Ông Trần Ngọc Chữ, Chi cục trưởng Chi cục thuế Tuy Phước, cho biết: “Với việc gắn bó trách nhiệm và quyền lợi như vậy, tình hình quản lý hộ, quản lý thu nợ và khai thác nguồn thu ở những xã được ủy nhiệm thu trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến rất nhiều. Chỉ trong thời gian ngắn áp dụng thí điểm mô hình này, tình hình nợ đọng, sót lọt hộ hầu như không còn. Nhờ đó, số thu thuế trên địa bàn huyện so với cùng kỳ năm trước tăng rất cao”. Thực tế, tại 7 xã được chọn triển khai thí điểm của huyện Tuy Phước đều có kết quả thu cao hơn so với những địa phương khác và tăng hơn so với cũng kỳ năm trước ít nhất là 20%. Cá biệt có xã thu tăng đến 60 – 70% như Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Hiệp… Những địa phương này ngày trước công tác thu thuế gặp rất nhiều khó khăn do người dân sản xuất nông nghiệp, kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ nhỏ lẻ và nằm rải rác, khó quản lý. Khi ủy nhiệm cho UBND xã thu, xã có điều kiện nắm sát đối tượng, nên không còn tình trạng sót hộ hay nợ đọng thuế như trước. Sự chuyển biến này không chỉ riêng trên địa bàn huyện Tuy Phước, mà ở hầu hết những địa phương được ủy nhiệm thu. Theo báo cáo của Cục thuế tỉnh, hầu hết các địa phương được triển khai làm thí điểm mô hình ủy nhiệm thu đều có số thu cao hơn năm trước.
Có thể khẳng định, đây là mô hình thu thuế mới có hiệu quả, là cơ sở để ngành Thuế rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng, đưa công tác thu thuế ở cơ sở xã – phường đi vào nề nếp, đúng pháp luật, công bằng.
. Phạm Ngọc Thái
|