|
Trụ sở NHN0-PTNT tỉnh Bình Định |
Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHN0&PTNT) Bình Định được thành lập từ tháng 7/1988, là thành viên của NHN0&PTNT Việt Nam. Trong 15 năm qua, chi nhánh NHN0&PTNT tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều thành tích trên các mặt hoạt động, trưởng thành về mọi mặt, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị tại địa phương và nhiệm vụ kinh doanh do ngành giao.
Qua nhiều thay đổi về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, đến tháng 5/1998, chi nhánh NHN0&PTNT Bình Định chính thức thành lập đi vào hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại. Hiện nay chi nhánh có 22 điểm giao dịch, gồm 8 chi nhánh cấp 2 và 14 chi nhánh cấp 3.
Dù qua bao thăng trầm, có lúc nợ quá hạn tăng cao, có năm phải chấp nhận thua lỗ hàng trăm triệu đồng… song với tinh thần đoàn kết nội bộ, nỗ lực vượt qua khó khăn, NHN0&PTNT Bình Định đã từng bước thích ứng với cơ chế mới, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Về huy động tiền gửi, từ mức 1.949 triệu đồng (năm 1988) đến 31/3/2003 đạt 827,5 tỉ đồng (tăng gần 424 lần), bình quân hàng năm tăng xấp xỉ 34%. Đạt được kết quả đó do chi nhánh quan tâm tiếp cận và phục vụ tận tình để thu hút các tổ chức kinh tế mở tài khoản tiền gửi, đồng thời mở ra nhiều hình thức huy động tiền gửi dân cư, đặc biệt là hình thức phát hành kỳ phiếu với nhiều kỳ hạn và lãi suất hấp dẫn, cùng với việc áp dụng nhiều phương thức trả lãi như trả lãi hàng tháng, trả lãi trước, trả lãi khi đến hạn,… phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Về công tác tín dụng, dư nợ năm 1988 là 7.900 triệu đến 31/3/2003 là 1.069,3 tỉ đồng (gấp 135 lần), bình quân hàng năm tăng 50%. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,87% tổng dư nợ, dưới mức khống chế của ngành.
Sau khi chuyển sang hạch toán kinh doanh, hoạt động cho vay vốn trở nên năng động hơn, chi nhánh đã mở rộng việc cho vay đối với kinh tế tư nhân, cá thể. Từ năm 1994 chi nhánh đã dần tự lực nguồn vốn trên địa bàn, đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp và hộ sản xuất tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 1991 tỷ lệ dư nợ hộ sản xuất là 11,7% tổng dư nợ, thì đến năm 1998 tỷ lệ này đã tăng lên đến 80%. Ngày 30/3/1999 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 67/1999/QĐ-TTg “Về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn”. Đây là chính sách thúc đẩy hoạt động tín dụng mạnh mẽ và hiệu quả nhất từ trước đến nay thông qua cơ chế cho vay không phải thế chấp tài sản với mức vay đến 10 triệu đồng đối với hộ nông dân, đến 20 triệu đối với hộ làm kinh tế trang trại, đến 50 triệu đối với khách hàng sản xuất giống thủy sản. Nhờ đó, đến ngày 31/3/2003 chi nhánh đã cho vay 2.430 tỉ đồng, trong đó cho vay phục vụ trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm 693 tỉ đồng, nuôi tôm 55 tỉ, đánh bắt hải sản 114 tỉ, thu mua lương thực 298 tỉ, nhập khẩu phân bón 67 tỉ, phát triển công nghiệp, TTCN 153 tỉ, các đối tượng khác 1.050 tỉ…
Từ đồng vốn vay ngân hàng, nhiều hộ đã phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, bộ mặt nông thôn có nhiều nét khởi sắc, tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn từng bước bị đẩy lùi. Chi nhánh đã ký kết các chương trình phối hợp cho vay vốn với Hội Nông dân tỉnh, Sở Thủy sản, Hội Phụ nữ tỉnh. Kết quả đến 31/3/2003 có 1.597 tổ vay vốn Hội Nông dân với 20.923 lượt thành viên vay tại chi nhánh số tiền 131.516 triệu đồng; có 556 tổ vay vốn Hội Phụ nữ với 12.241 lượt thành viên vay tại chi nhánh số tiền 76.038 triệu đồng…
Bên cạnh cho vay tín dụng đầu tư, chi nhánh còn thực hiện vốn vay cho các chương trình khắc phục thiên tai, tín dụng ủy thác đầu tư, cho vay hộ nghèo, kinh doanh ngoại tệ, cho thuê tài chính. Tính đến 31/3/2003, chi nhánh đã giải ngân cho vay theo danh sách phê duyệt của UBND tỉnh chương trình khắc phục hậu quả cơn bão số 5-1997 số tiền 110,67 tỉ/111 tỉ, đạt 99,7% chỉ tiêu; chương trình khắc phục hậu quả bão lụt năm 1998 số tiền 23,7 tỉ/25 tỉ, đạt 94,8% chỉ tiêu; chương trình khắc phục lũ lụt năm 1999 số tiền 16,8 tỉ/17 tỉ đạt 98,8% chỉ tiêu được giao. Năm 1996 chi nhánh đã cho vay đặt cọc mua thiết bị nhà máy đường bằng nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) số tiền 890.738 USD, đến 31/3/2003 còn dư nợ 646.630 USD. Năm 2002 chi nhánh tiếp nhận và triển khai 2 dự án ủy thác đầu tư, gồm: Dự án đa dạng hóa nông nghiệp với tổng nguồn vốn 8.768 triệu đồng, trong đó nguồn vốn của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD II) là 3.748 triệu, nguồn vốn của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) là 5.020 triệu; Dự án cây ăn quả với nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 2 tỉ đồng.
Về dịch vụ cho vay hộ nghèo, năm 1995 chi nhánh bắt đầu cho vay hộ nghèo từ nguồn vốn quỹ cho vay hộ nghèo. Đến năm 2002 đã cho 73.300 lượt hộ vay vốn với số tiền 124,6 tỉ đồng, góp phần làm giảm số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh bắt đầu hoạt động kinh doanh ngoại tệ từ năm 1994, gồm các nghiệp vụ: cho vay ngoại tệ, thanh toán quốc tế, chi trả kiều hối. Từ năm 2001 chi nhánh bắt đầu mở dịch vụ đại lý cho thuê tài chính, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng.
Thực hiện định hướng chiến lược của NHN0&PTNT Việt Nam từ nay đến 2010 và chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, chi nhánh NHN0&PTNT tỉnh Bình Định tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ sự lãnh đạo của tỉnh, của NHN0&PTNT Việt Nam để xây dựng thành một chi nhánh NHN0&PTNT cấp tỉnh đủ mạnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả. Mục tiêu cụ thể của chi nhánh trong những năm tới là bảo đảm nguồn vốn huy động tăng trưởng hàng năm 20-23%, tổng dư nợ tăng 20-25%, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%.
. Phan Thị Kim Cúc
(Giám đốc chi nhánh NHN0&PTNT tỉnh Bình Định)
|