Giải trình thêm về một đề tài nghiên cứu khoa học
16:24', 18/4/ 2003 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, vùng đầm phá ven biển miền Trung bị khai thác, sử dụng một cách triệt để nên đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Nhiều đầm, phá đang bị biến dạng nghiêm trọng và mất đi những chức năng, vai trò sinh thái và kinh tế của nó. Vùng rừng ngập mặn Cồn Chim xã Phước Sơn huyện Tuy Phước là một điển hình như vậy. Vì lẽ đó nên đề tài “Điều tra khảo sát và nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn Cồn Chim, đầm Thị Nại” có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc cải tạo môi trường, phục vụ cho nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Một góc Cồn Chim (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Khu vực đầm Thị Nại tiếp giáp với TP Quy Nhơn và hai huyện Tuy Phước, Phù Cát với tổng diện tích 5.060 ha, nguyên trước đây có gần 1.000 ha rừng ngập mặn (RNM) phân bố rải rác, trong đó khoảng 250 ha RNM tập trung ở Cồn Chim xã Phước Sơn (Tuy Phước). Sau giải phóng, nơi đây vẫn còn là một khu RNM nguyên sinh với nhiều chủng loại cây như: bần, mắm, đưng, đước. Ngoài ra, RNM Cồn Chim có rất nhiều loài thủy sản như tôm sú, tôm rằn, tôm đất, tôm bạc; các loại cua, cá, nhuyễn thể, rong câu chỉ vàng cùng hàng chục loài chim thú và động vật giáp xác. Quan trọng hơn hết, nơi đây là vườn ươm của nhiều loài thủy sản từ biển khơi xa vào sinh sản.

Trong ký ức của nhiều người dân ở thôn Vinh Quang xã Phước Sơn, RNM Cồn Chim trước đây rộng mênh mông, cây cối um tùm với các loại đưng, bần, mắm, cốc… và rất nhiều chim thú, nhiều nhất là các loại cò, mà bây giờ thì hầu như không còn hoặc chỉ còn rất ít. Năm 1978, ngành thủy sản bắt đầu chặt phá khu rừng này xuất phát từ những ý nghĩ tốt đẹp là muốn biến cánh rừng thành những ao nuôi tôm sú để mang lại nguồn lợi nhiều hơn, phục vụ cho đời sống con người. Đáng tiếc là những ý nghĩ tốt đẹp đó đặt trên nền tảng tri thức lạc hậu nên kết quả mang lại ngược với ý muốn ban đầu. Công nhân ngành thủy sản ra quân chặt cây để làm hồ tôm, nhân dân quanh vùng cũng ùa theo chặt để lấy củi gỗ về làm chuồng trại và củi đốt. Chỉ trong vòng vài năm, bàn tay con người đã tàn phá một khu RNM nguyên sinh rộng hàng trăm ha trở thành trơ trụi.

Cái nôi sinh sản của rất nhiều loài thủy sản sống trong đầm và cả ngoài biển khơi bị tàn phá, các loại tôm, cá và cả chim muông không còn nơi trú ngụ, nguồn lợi hải sản cạn kiệt dần. Hàng loạt hồ tôm xuất hiện một cách vô tội vạ trên đất Cồn Chim, chẳng những ngăn cản dòng chảy trong mùa lũ mà còn là nơi phát sinh và lây lan bệnh dịch tôm rất nhanh do việc đắp hồ không theo qui hoạch.

Để khôi phục lại hệ sinh thái RNM Cồn Chim nhằm giải quyết vấn đề môi trường sinh thái và phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, mang tính bền vững, Sở Thủy sản Bình Định thực hiện đề tài tiến hành điều tra khảo sát và nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái, sử dụng hợp lý và bảo tồn nguồn lợi vùng Cồn Chim, đầm Thị Nại. Đề tài bao gồm một số công việc như: đánh giá tiềm năng bảo tồn ở khu vực Cồn Chim và vùng lân cận, khảo sát nghiên cứu tính đa dạng sinh học bao gồm phân bố cấu trúc của các hệ sinh thái và thành phần của các loại sinh vật sống ở dưới nước lẫn trên cạn… Đề tài này cũng phân vùng chi tiết cho việc sử dụng đa mục đích của khu vực Cồn Chim một khi đã phục hồi lại được khu rừng. Đây sẽ là cơ sở khoa học để phục vụ cho việc nuôi trồng các loại hải sản tại RNM Cồn Chim và vùng phụ cận theo hướng bền vững trong những năm sắp đến.

Ông Cát Văn Thạch - Phó ban quản lý RNM Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Qua khảo sát khu vực Cồn Chim, tôi thấy hệ sinh thái RNM này tuy bị phá vỡ nhưng vẫn còn lại một số loài tương đối đa dạng của RNM. Tôi nghĩ việc phục hồi RNM này là việc làm cần thiết để cải tạo môi trường nước, cải tạo tiểu vùng khí hậu, giảm tình trạng ô nhiễm để việc nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao hơn.” Trong quá trình thực hiện đề tài này, Viện Hải dương học Nha Trang cũng được mời tham gia. Theo tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, vấn đề khôi phục lại RNM không chỉ ở Cồn Chim mà cần được tiến hành ở nhiều vùng biển của nước ta. Tuy nhiên, đây là việc không đơn giản. Vì bên cạnh việc thay đổi điều kiện môi trường về phương diện quản lý cũng là một vấn đề mà chúng ta phải tính đến. Muốn khôi phục RNM Cồn Chim trước hết cần phải có qui hoạch cụ thể. Trong quá trình phục hồi phải tính đến lợi ích của cộng đồng đối với RNM; và phải nâng cao nhận thức cho những người sống ở vùng ven RNM để họ hiểu được mục tiêu chúng ta làm với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống của người dân địa phương… Việc khôi phục lại RNM và những thảm cỏ trong lòng nước sẽ giúp cho các loại chim, thú, đặc biệt là các loại cá có nơi sinh sản. Việc làm này sẽ giúp cho môi trường tốt hơn, bền vững hơn; và từ đó việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Từ năm ngoái, những người thực hiện đề tài này đã tiến hành khảo sát các loại động thực vật trong vùng RNM và các loại chim thú ở nơi đây để làm cơ sở cho việc phục hồi lại RNM sau này. Đến năm 2004 sẽ hoàn tất đề tài để báo cáo với Hội đồng khoa học. Tất nhiên là việc phục hồi lại RNM Cồn Chim theo đúng nghĩa một hệ sinh thái sẽ tốn không ít tiền của, nhưng không thể không làm. Một quyết sách sai lầm không đáng có cách đây một phần tư thế kỷ đã phải trả với một cái giá quá đắt. Điều này nhắc nhở chúng ta hãy cẩn trọng hơn khi đưa ra một quyết định có ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng.

. ­Nguyễn Văn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển mới   (17/04/2003)
Bệnh tôm do môi trường nước bị ô nhiễm  (16/04/2003)
15 năm xây dựng và trưởng thành  (17/04/2003)
Tàu “không số” sẽ bị khai tử  (15/04/2003)
Hiệu quả bước đầu thực hiện ủy nhiệm thu thuế  (15/04/2003)
Năng động và hiệu quả   (14/04/2003)
Cháy rừng - Phòng là chính nhưng…   (14/04/2003)
Những ghi nhận đầu tiên  (13/04/2003)
Thả tôm về... biển  (13/04/2003)
Chưa có tiếng nói chung giữa nông dân và nhà máy  (11/04/2003)
Thị trường điện thoại di động sau vụ án Đông Nam  (10/04/2003)
Qua 5 ngày ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (10/04/2003)
Khá lên từ trồng mai  (09/04/2003)
Đã có sự chuyển biến tích cực   (09/04/2003)
Máy lọc sạn: Sản phẩm có thế mạnh của Bình Định  (08/04/2003)