Phóng sự của Bá Phùng - Ngọc Thái
|
Mía đang chờ vận chuyển về nhà máy | Suốt từ Canh Thuận, Canh Hiển (Vân Canh), qua Nhơn Thọ, Nhơn Tân (An Nhơn), lên đến Bình Tường, Tây Phú, Tây Giang (Tây Sơn)… ở đâu chúng tôi cũng thấy những đồng mía chín rộ mênh mông đã héo khô đang chờ phiếu đốn. Mía chặt xong, lên xe chậm ngày nào nhà nông lo ngày ấy. Mía chờ thì sẽ mất đường, mất cân, hỏi như vậy mía ngọt hay đắng?
n Thắt ruột vì mía
Chúng tôi đã chứng kiến những đụn mía khô queo quắt chờ đốn, những ruộng mía nẫu ra vì chờ đợi ở huyện Vân Canh. Nhưng xem ra tình hình ở An Nhơn, Tây Sơn còn căng thẳng hơn nhiều. Vừa đến Thọ Bình (Nhơn Thọ – An Nhơn), chúng tôi đã gặp cảnh mía chất đống, mía đứng ngoài ruộng dù đã chín từ 1-2 tháng qua. Ở đội 7 Thọ Bình mía ứ nhiều vô kể. Chị Tám Quyên (đội 7 - Thọ Bình) than thở: “Hai năm trước đã khổ với cây mía một lần rồi. Xã, huyện động viên mãi mới dám trồng lại. Ai ngờ lại ra cơ sự này. Xót ruột quá, nhưng phải cày lên thôi, càng giữ càng lỗ”.
Nghe có nhà báo về hỏi chuyện dân phá mía, nhiều lão nông ở Thành Gai – một vùng chuyên canh mía ở Nhơn Thọ đã đến tâm sự. Chú Phạm Minh (đội 8 – Thành Gai) kể: “Phần do thiếu xe (xe độ chế không được chạy nữa), phần do nhà máy mua mía nhỏ giọt... bề tui nản lắm. Mía đến cữ chín, đứng ngoài đồng một ngày là mất “chữ” đường một ngày. Đốn xong, cứ chờ một ngày thì 10 tấn chỉ còn 9. Mà ai cũng phải chờ 2 – 3 ngày. Lên nhà máy chờ tiếp 2 - 3 ngày nữa… Mía đắng là do vậy”. Anh Trần Văn Hai cũng ở Thành Gai bổ sung: “Năm nay chi phí cho cây mía cao hơn mọi năm rất nhiều. Không kể đến công chăm bón, phân thuốc, từ lúc mía chín nông dân phải tốn trăm thứ tiền. Đốn mía 50.000đ/1tấn, chất lên xe 60.000đ/tấn, chuyển từ ruộng ra đến chỗ tập trung để đưa lên xe tải 15.000đ/tấn-20.000đồng/tấn. Còn phải cơm nước, thuốc lá cho tài xế, phụ xe nữa. Qua trạm mình phải trả phí giao thông. Đến nhà máy rồi còn phải chờ 2-3 ngày, lại phải bao cơm nước cho tài xế, phụ xe; mỗi người phải 40.000đ-45.000đ/ngày”.
Ở Tây Sơn mọi năm đến tháng 3, tháng 4 nông dân trong huyện đã bán xong đến 80% lượng mía. Nhưng năm nay con số này cao lắm cũng chỉ vào khoảng 50%. Nhiều đám mía đã chín cách đây cả tháng nhưng chưa có phiếu đốn. Nhiều người thắt ruột vì mía đã nhất loạt rũ đọt vì nắng. Gặp chúng tôi, ông Huỳnh Cẩm Anh – “vua mía” ở Phú Mỹ bức xúc: “Tôi đã mỏi mòn vì chờ phiếu đốn. Mía thì héo đọt mà vẫn chưa chặt được. Nhiều lần tìm người thu hoạch bán rồi chia 2 để lấy đất trồng thứ khác nhưng chẳng ai thèm nhận. Tôi đã đầu tư rất lớn cho 3 mẫu mía. Mía của tôi đều là giống cao sản, mới thu hoạch lứa đầu, ít ra phải 2 năm nữa mới phá gốc nhưng tôi đã quyết sẽ cày lên trồng mì. Theo nữa thì chết. Năm nay, mới tính sơ đã lỗ tổn hơn 5 triệu đồng, chưa kể công sá chăm sóc.” Ông Nguyễn Thành Tâm, cán bộ văn phòng xã Tây Phú (Tây Sơn) xác nhận: “Hiện nhiều người dân ở đây phá mía không trồng nữa. Thường thì trước khi thu hoạch, dân lấy mía giống mở rộng diện tích nhưng năm nay hoàn toàn không có... ”. Nhìn những đồng mía tơ, chỉ mới thu hoạch vụ đầu nay lại bị cày bật gốc không ai không xót xa công sức đầu tư. Một cán bộ của xã Tây Phú cho biết: “Chính chúng tôi là những người đã đi vận động bà con yên tâm về tương lai cây mía. Nay bà con phá mía trồng cây trồng khác mình đến cản, thuyết phục họ chỉ đống mía còn chất đống bên ruộng mía nói – Tiền bán mía không đủ bù chi phí, đường rớt giá liên tục … thì giữ làm gì! Phải lâm vào tình thế của bà con, buộc phải cày lên ruộng mía mới đầu tư thì mới thông cảm bà con”.
n Ai sẽ cứu cây mía?
Mía đường là chính sách lớn không chỉ của tỉnh Bình Định mà còn là của cả nước. Bình Định có hẳn một chiến lược phát triển vùng mía nguyên liệu. Thật kỳ lạ, chỉ cách đây mươi tháng, chính quyền, ngành nông nghiệp, mía đường… còn hân hoan với những đồng mía cao sản mới. Nhưng ngày vui thật dài chẳng tày gang. Ông Võ Vạn An – Chủ tịch UBND xã Nhơn Thọ (An Nhơn) cho biết: “Năm 2000 Nhơn Thọ có 238 ha, do mía mất giá, sang năm 2001 chỉ còn có 64 ha. Năm 2002 vận động mãi diện tích mía mới lên 164 ha. Năm nay, chúng tôi quy hoạch vùng trồng mía cao sản, đất trong vùng quy hoạch chỉ được trồng mía để dễ làm đường vào đồng mía, dễ bố trí lịch chặt đốn. Những hộ không chấp nhận cây mía buộc phải dồn điền đổi thửa, chuyển vị trí canh tác. Chính quyền, các đoàn thể cùng đi vận động mới có đồng mía tập trung 232 ha. Nay đi đâu cũng thấy cảnh mía chờ đến phiên đốn, đốn rồi lại chờ lên xe, nhiều hộ chờ đã 2–3 ngày... Nông dân cày ruộng mía lên để trồng mì rất dữ, không can được!”.
Huyện Tây Sơn dự kiến nâng diện tích mía từ 1.629 ha (2003) lên 2.500 ha mía vào năm 2005, thế nhưng một khi mía đắng đến thế thì ai sẽ thực hiện kế hoạch này?”. Ông Văn Thành Hải, chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tả Giang (Tây Giang): “Công ty Đường thu mua mía cầm chừng. Hiện mỗi ngày HTX chỉ nhận được 12 phiếu đốn, mà nhu cầu thì nhiều vô kể. Mía chín chờ lâu, nhiều đám đã khô đọt, mất đường, những trở ngại này, khiến nhiều nông dân thu hoạch xong không đầu tư chăm sóc lại mà bỏ mặc đất đai. Người dân đã chuyển sang cây mì.”. Việc nông dân phá bỏ ruộng mía trước mắt sẽ ảnh hưởng đến đời sống của chính họ, nhưng tiếp đến sẽ đến phiên nhà máy đường trị giá hàng trăm tỉ đồng, là đời sống của hàng trăm công nhân.
Vốn tích lũy của nông dân Bình Định chưa nhiều, vậy mà họ đã dám hưởng ứng chủ trương trồng và mở rộng diện tích mía. Vì lẽ đó, chính quyền, các ngành có liên quan phải có trách nhiệm giúp Công ty Đường, giúp nông dân vượt qua cơn bĩ cực này. Đã đến lúc phải nhạy cảm hơn với diễn biến thị trường, việc hoạch định chính sách cũng cần chính xác hơn. Không cứu được vùng nguyên liệu mía, người trồng mía, hệ quả là niềm tin trong nông dân sẽ bị sứt mẻ, sẽ khó vận động cho những chương trình khác. Thế nhưng đây lại không phải là lúc đổ hết trách nhiệm lên Công ty Cổ phần đường Bình Định (BISUCO). Chính những nhà hoạch định chiến lược phát triển cây mía cũng phải lãnh một phần trách nhiệm. Những ngày qua giá đường giảm liên tục, càng sản xuất càng lỗ. BISUCO đã đầu tư khá nhiều để nông dân phát triển diện tích vùng nguyên liệu. Họ cũng đã đầu tư tiền tỉ làm nhiều con đường, cầu cống để nông dân tiện bán mía. Và cũng do những chi phí quá lớn kiểu này đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Hơn ai hết tỉnh Bình Định cần có kế hoạch hỗ trợ để giữ lại cho được những đồng mía cao sản như Tây Sơn, An Nhơn, Vân Canh... Vùng mía nguyên liệu teo tóp thì trong tương lai nhà máy đường sẽ phát sốt lên vì thiếu nguyên liệu.
n Một lời đề nghị
UBND tỉnh Bình Định đã từng cam kết sẽ hỗ trợ để BISUCO mua mía của nông dân kịp thời, đảm bảo về giá để nông dân không lỗ, không để mía tồn đọng trong dân. Hy vọng cam kết này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
. B.P-N.T
|