|
Xã đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn) |
Trong những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội ở những xã đảo và bán đảo của TP Quy Nhơn: Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội đã khởi sắc, nhiều công trình hạ tầng nông thôn như điện lưới quốc gia, đường giao thông, mạng lưới thông tin viễn thông được xây dựng và phát huy tác dụng.
Nhớ lại cách đây chừng 10 năm, 4 xã đảo và bán đảo này chưa nơi nào có mạng thông tin liên lạc nối với đất liền, người dân hầu như không biết đến điện thoại là gì và họ cũng không nghĩ đến lúc mình sẽ được nói chuyện với người thân, liên lạc làm ăn qua máy điện thoại. Vậy mà giờ đây, 4 xã đảo và bán đảo này điện thoại đã về đến tận hộ dân, nhiều người đã biết làm ăn, kinh doanh bằng điện thoại. Để có được mạng thông tin đến các xã đảo và bán đảo, từ năm 1994, Bưu điện tỉnh đã giao cho Công ty Điện báo - Điện thoại có kế hoạch đưa thông tin viễn thông về những xã này, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sau nhiều đợt vượt biển, trèo đèo leo núi khảo sát, Công ty đã đưa được những thiết bị vi ba đến các xã và lắp đặt. Ban đầu việc phát triển điện thoại ở đây chủ yếu ở UBND xã, trường học và các đơn vị Bộ đội Biên phòng.
Khi những chiếc điện thoại đầu tiên được lắp đặt xong và những cuộc nói chuyện bằng điện thoại được thực hiện, thì người dân mới hiểu hết được những tiện lợi của thông tin viễn thông. Từ đó, nhu cầu lắp đặt máy điện thoại trong nhân dân mỗi ngày một tăng. Đến nay, 4 xã này có 4 tổng đài với tổng dung lượng 1.040 số và đã có 787 máy điện thoại thuê bao. Ông Nguyễn Hàng, Giám đốc Công ty Điện báo - Điện thoại, cho biết: “Việc phát triển điện thoại ở những xã đảo và bán đảo này chưa thể tính đến lợi nhuận, vì giá thành công trình cao, số người thuê bao sử dụng điện thoại có hạn. Tuy vậy, chúng tôi luôn cố gắng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân ở những vùng này”.
Nhơn Châu là xã đảo xa hoàn toàn cách biệt với đất liền, nhưng điện thoại đã nối gần xã đảo với nội thành Quy Nhơn. Ông Ngô Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: “Từ khi có điện thoại, Nhơn Châu đã gần hơn với đất liền rất nhiều. Trước đây, xã muốn báo cáo tình hình hay xin chủ trương của lãnh đạo cấp trên đều phải làm văn bản và gởi ghe mang qua, thông tin thường chậm trễ, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Còn bây giờ, nhờ có điện thoại nên mọi việc đều có thể thực hiện một cách nhanh chóng.” Đối với người dân Nhơn Châu, từ khi có điện thoại sự giao thương giữa đảo với đất liền cũng hết sức thuận lợi. Chị Hồ Thị Đố, một tư thương ở Nhơn Châu, tâm sự: “Từ khi có điện thoại, việc mua bán của tôi đã đỡ vất vả hơn trước. Chúng tôi không còn phải đi vào Quy Nhơn để mua hàng nữa, mà chỉ việc gọi điện cho bạn hàng là họ gởi ghe mang đến cho mình. Làm như vậy vừa đã đỡ tốn công, nhanh và lại ít chi phí”. Ngoài ra, khi viễn thông phát triển, bà con ở đây đã không còn phải chịu cảnh thiếu thông tin như trước nữa, mà có điều kiện nắm bắt kịp thời thông tin ở các nơi để có kế hoạch làm ăn cho phù hợp.
Ông Nguyễn Hàng cho biết thêm: “Hiện nay nhu cầu phát triển thuê bao của những xã này rất lớn. Chúng tôi liên tục mở rộng và tăng dung lượng các tổng đài để đáp ứng nhu cầu đó của nhân dân”. Với những gì đã mang lại và sự nỗ lực phục vụ như vậy của ngành Bưu điện tỉnh, các đảo xa ngày một gần hơn với đất liền.
. Phạm Ngọc Thái
|