Vân Canh trước nguy cơ hạn hán
19:12', 27/4/ 2003 (GMT+7)

Sau một thời gian dài không có mưa, nguồn nước ở các dòng sông, hồ chứa ở huyện Vân Canh đã dần cạn khô, đời sống sản xuất của nông dân ở đây đang đứng trước nguy cơ hạn hán...

Theo kế hoạch, nông dân Vân Canh bắt đầu sản xuất vụ hè thu từ cuối tháng 3 với 212 ha lúa, 1.880 ha mía, 1.070 ha mì, 59 ha bắp, 50 ha đậu phụng và kết thúc vụ vào trung tuần tháng 5. Tuy nhiên do nắng hạn kéo dài mấy tháng qua, nên đến nay bà con chỉ mới sản xuất được 16 ha mía, 620 ha mì vụ hè thu. Và nếu trong thời gian tới không có mưa, thì tiến độ sản xuất của huyện sẽ bị đình trệ.

Chúng tôi đến xã Canh Thuận, một trong những xã đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại do nắng hạn đầu mùa gây ra. Ông Đoàn Văn Tịnh, Phó chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: “Vụ hè thu này, xã chỉ sản xuất 5 ha lúa nước, 250 ha mì, 260 ha mía, đến nay đã xuống giống được 225 ha mía mới và 235 ha mì. Song cây trồng sinh trưởng và phát triển trong điều kiện nắng gay gắt nên không phát triển được, nhiều diện tích đã bị khô héo”. Anh Nguyễn Hà Công ở thôn Thịnh Văn I (Canh Thuận) lo lắng: “Tôi đã trồng mới được 1 ha mía mới và 1 ha mì nhưng do nắng quá, nên mía mọc không đều, còn mì thì đang có nguy cơ khô héo, nếu trong thời gian tới không có mưa lớn thì không còn cách nào để cứu vãn được”. Thảm hại hơn là hộ gia đình anh Phạm Đình Hoàng mới trồng được 3 ha mía, nhưng có đến 2,5 ha đã chết. Anh Hoàng cho biết: “Thấy trời chuyển động, nghĩ là có mưa nên thu hoạch mía xong tôi tiến hành xuống giống, ai ngờ từ lúc đó đến giờ luôn nắng nóng nên mía trồng không đâm chồi được. Nếu nắng hạn kéo dài thì diện tích mía còn lại cũng khó sống sót”.

Không chỉ sản xuất gặp khó khăn, một vấn đề đáng lo ngại nữa là nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù trong những năm qua, vấn đề về nước sinh hoạt ở Vân Canh đã được cải thiện đáng kể, 14.000 dân đã có nước sinh hoạt từ hệ thống nước Suối Phướng, song vẫn còn 9.357 người dân đang sử dụng nước giếng, nước suối không đảm bảo vệ sinh. Toàn huyện hiện có 2.200 giếng đào, nhưng cũng đang dần bị khô cạn, nông dân đang từng ngày từng giờ chờ mưa xuống.

Ông Đinh Văn Lấu, ở thôn Thịnh Văn (Canh Thuận) cho hay: “Hầu như các giếng nước ở đây đều đã khô cạn, bà con trong thôn đều phải đi xin nước, vào núi lấy nước suối về sử dụng. Thấy cảnh đi lấy nước cực nhọc và mất công nên tôi đào giếng sâu thêm, nhưng đến 12 m rồi mà cũng không có nước”. Nhiều hộ gia đình may mắn hơn đào giếng trúng mạch nước ngầm nhưng cũng đang phải đối diện với nguy cơ cạn giếng do phải chia xẻ nguồn nước với các hộ xung quanh.

Vân Canh đối phó với nắng hạn ra sao? Theo ông Nguyễn Danh An, Phó chủ tịch UBND huyện, hiện nay sông Hà Thanh đã cạn khô, còn lưu lượng nước ở các đập, hồ chứa chỉ cung cấp cho khoảng 200 ha diện tích cây trồng của vụ hè thu, chủ yếu là phục vụ cho cây lúa. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ hè thu là khó tránh khỏi. Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là cần phải thu hoạch hết diện tích mía và lúa của vụ đông xuân, đồng thời tìm biện pháp để cứu vãn diện tích cây trồng của vụ hè thu. UBND huyện đã đề nghị với Công ty Đường tăng cường công tác thu mua nguyên liệu, giải quyết nhanh đầu ra cho nông dân; thành lập Ban chỉ đạo chống hạn từ huyện đến cơ sở; các địa phương cũng đang đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nạo vét dòng sông, lòng hồ, phân phối nước hợp lý, vận động nông dân đóng giếng lấy nước ngầm phục vụ sản xuất. Huyện sẽ tu sửa hệ thống nước sạch Suối Phướng để cung cấp nước sinh hoạt cho dân. Ngành thú y thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, tăng cường tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, đồng thời cấp thuốc phòng dịch bệnh cho nông dân…

Hy vọng với những nỗ lực như vậy, Vân Canh có thể vượt qua được đợt nắng hạn này.

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những vướng mắc cần được tháo gỡ  (24/04/2003)
Định giá bất động sản: Cần nhưng đang bí  (24/04/2003)
Hiệu quả của một đề tài nghiên cứu   (22/04/2003)
Đảo xa nay đã thành gần  (23/04/2003)
Đắng như là mía  (21/04/2003)
Công nghệ thông tin - Thách thức và cơ hội   (20/04/2003)
Giải trình thêm về một đề tài nghiên cứu khoa học  (18/04/2003)
Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển mới   (17/04/2003)
Bệnh tôm do môi trường nước bị ô nhiễm  (16/04/2003)
15 năm xây dựng và trưởng thành  (17/04/2003)
Tàu “không số” sẽ bị khai tử  (15/04/2003)
Hiệu quả bước đầu thực hiện ủy nhiệm thu thuế  (15/04/2003)
Năng động và hiệu quả   (14/04/2003)
Cháy rừng - Phòng là chính nhưng…   (14/04/2003)
Những ghi nhận đầu tiên  (13/04/2003)