Doanh nghiệp Bình Định với website:
Những mắc mứu đang được tháo gỡ
19:26', 27/4/ 2003 (GMT+7)

Nhiều làng nghề truyền thống ở Bình Định rất cần được giới thiệu trên các website. (ảnh: Tuệ Đan)

Ở Bình Định, các công ty chế biến lâm sản, đá granite là những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong việc giới thiệu mình bằng trang web với những cái tên như: Duyên Hải, Quốc Thắng... Đầu tư kinh phí xây dựng và duy trì hoạt động trang web tuy cao nhưng không phải là ngoài khả năng của DN. Tuy nhiên, do một số lệch lạc trong quan niệm nên sau những ngày háo hức đầu tiên, nhiều công ty đã bắt đầu nản, không cập nhật thông tin và ít thiết tha với trang web.

Lý giải về vấn đề DN ít mặn mà với trang web, ông Khổng Xuân Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Tin học Nghiêm Phương phân tích: “Đưa DN lên mạng cũng như là quảng cáo vậy, nhưng không hoàn toàn chỉ có vậy. Quảng cáo chỉ là một phần khả năng mà trang web tạo ra. Quảng cáo chỉ giới thiệu một vài nét về DN; với trang web, DN được giới thiệu toàn diện; các đối tác dễ dàng tiếp cận với mình hơn, hiểu mình hơn và cơ hội giao thương cũng nhiều hơn. Và vì thế, trang web cũng yêu cầu phải cập nhật thông tin thường xuyên. Làm web rất vất vả, nhưng duy trì cho nó hoạt động cho đến khi thấy được hiệu quả còn công phu hơn. Cũng có những trang web mới xuất hiện đã thành công ngay, nhưng số này rất hiếm”.

Tín hiệu đáng mừng là nhờ chính sách khuyến khích, ưu đãi về phát triển công nghệ thông tin của tỉnh, đến nay các DN đã nghiên cứu về web một cách nghiêm túc và thấu đáo hơn. Tại hội thảo chủ đề DN Bình Định với thương mại điện tử do Sở KHCN-MT, VDC và Công ty Tin học AZ tổ chức, các DN đã đặt khá nhiều câu hỏi, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị. Ngay bên lề hội thảo, cán bộ kỹ thuật của nhiều DN đã xin được tham vấn từ các chuyên gia của VDC, Công ty AZ. Sở dĩ hội thảo thu hút được nhiều người vì đây là cơ sở để Bình Định khảo sát tiến hành xây dựng và chuyển giao 50 trang web miễn phí cho DN. Với những trang web này, những nét cơ bản về diện mạo của một Bình Định trong tiến trình hội nhập sẽ xuất hiện tương đối hoàn chỉnh. Người ta có thể hình dung, tìm kiếm cơ hội giao thương trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, có một điều cũng cần sớm được điều chỉnh là một số đơn vị tuy không có chức năng kinh doanh nhưng cũng cần được giới thiệu, thậm chí giới thiệu thật tốt, do có khả năng tác động dây chuyền đến sự kinh doanh của nhiều đơn vị khác. Một ví dụ: Trang web của Công ty Du lịch Bình Định dù có phong phú đến đâu cũng không thể giới thiệu hết những tiềm năng du lịch văn hoá, những làng nghề, chi tiết về những di sản được xếp hạng. Chi tiết về những vấn đề này nên được tải trên một trang web văn hoá, có thể là do Bảo tàng tổng hợp Bình Định hoặc Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh thực hiện. Cơ hội để kiến tạo những trang web như vậy rất nhiều, khi Bình Định có trang web của riêng mình (dự án xây dựng trang web Bình Định đang được triển khai). Tạo ra những đường dẫn về mình từ các trang web có đông khách tham quan, đồng thời tạo ra những liên kết tại trang web của mình là việc mà DN cũng nên làm.

Có một thực tế là ngay cả các DN, cơ sở sản xuất – kinh doanh nhỏ cũng đang cần được hỗ trợ để xuất hiện trên internet. Nhóm hàng tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ là một ví dụ. Điển hình là mặt hàng bánh tráng xuất khẩu của HTX nông nghiệp Nhơn Lộc 2 (An Nhơn). Bánh tráng của HTX đã vào được hai thị trường khó tính là Mỹ và châu Âu. Một cán bộ của phòng Công nghiệp và Xây dựng An Nhơn cho biết: “Có được thành công này là nhờ cơ sở đã đầu tư để đổi mới công nghệ, năng động tìm khách hàng. Nếu có thêm điều kiện để tiếp cận khách hàng, cơ hội sẽ nhiều hơn”. Trong vấn đề tiếp cận khách hàng, tạo điều kiện để khách hàng nghiên cứu về mình, ngày nay cái gì nhiều ưu thế hơn là một trang web tốt? Chúng ta biết hàng thủ công sử dụng nguyên liệu có trong tự nhiên, mang theo cái hồn văn hóa của địa phương là trào lưu đang tồn tại ở châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... Thực tế đã chứng minh, hàng thủ công mỹ nghệ Bình Định có một sức hấp dẫn nhất định với khách hàng nước ngoài. Nếu các cơ sở, DN nắm bắt kịp thời nhu cầu đó và giới thiệu mình một cách rộng rãi thì khả năng khơi được luồng hàng, tạo thêm khách hàng mới không phải là chuyện xa vời.

Đưa hình ảnh của đơn vị mình, công ty mình lên internet không còn là chuyện xa lạ nữa. Về khía cạnh kỹ thuật cũng không còn những khó khăn nào đáng kể. DN mở trang web còn được tỉnh cho gởi nhờ lên trên trang web của tỉnh, được hỗ trợ một phần kinh phí. Tỉnh cũng đã đầu tư để mở một sàn giao dịch điện tử nhằm tạo thêm điều kiện để các DN thẳng tiến vào lĩnh vực thương mại điện tử. Các điều kiện hỗ trợ như vậy là không ít, phần còn lại phụ thuộc vào nỗ lực của DN.

. Đông A

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vân Canh trước nguy cơ hạn hán  (27/04/2003)
Những vướng mắc cần được tháo gỡ  (24/04/2003)
Định giá bất động sản: Cần nhưng đang bí  (24/04/2003)
Hiệu quả của một đề tài nghiên cứu   (22/04/2003)
Đảo xa nay đã thành gần  (23/04/2003)
Đắng như là mía  (21/04/2003)
Công nghệ thông tin - Thách thức và cơ hội   (20/04/2003)
Giải trình thêm về một đề tài nghiên cứu khoa học  (18/04/2003)
Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển mới   (17/04/2003)
Bệnh tôm do môi trường nước bị ô nhiễm  (16/04/2003)
15 năm xây dựng và trưởng thành  (17/04/2003)
Tàu “không số” sẽ bị khai tử  (15/04/2003)
Hiệu quả bước đầu thực hiện ủy nhiệm thu thuế  (15/04/2003)
Năng động và hiệu quả   (14/04/2003)
Cháy rừng - Phòng là chính nhưng…   (14/04/2003)