An Lão tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng
17:19', 28/4/ 2003 (GMT+7)

Huyện An Lão hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp 58.127ha, chiếm 84,2% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó diện tích đất có rừng 35.282 ha, gồm 33.938 ha rừng tự nhiên và 1.344,5 ha rừng trồng, hơn 22.844 ha đất trống còn lại dành cho mục đích lâm nghiệp. Rừng An Lão giàu trữ lượng về gỗ quí hiếm, đa dạng và phong phú các loại động vật rừng được Nhà nước quy định bảo vệ. Vì vậy, ngoài việc ngăn chặn sự phá hoại trực tiếp của con người đối với tài nguyên rừng, huyện An Lão còn chú trọng đến việc phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Thực tế trong năm 2002, trên địa bàn huyện An Lão đã xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng do Lâm trường An Sơn quản lý, gây thiệt hại gần 7,2ha điều và keo lai. Ngoài ra, trong năm còn có 1 vụ cháy lau lách làm tổn hại đến rừng ở thôn 2 xã An Trung. Để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, trong phương án PCCCR năm 2003 của các cấp chính quyền ở An Lão được xác định: lấy việc phòng cháy là chính, tổ chức chữa cháy nhanh chóng kịp thời theo nguyên tắc 4 tại chỗ: “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Kinh nghiệm thực tế cho thấy: mùa dễ cháy rừng ở An Lão thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, cao điểm nguy cơ cháy rừng tập trung vào các tháng 4,5,6,7. Hạt kiểm lâm huyện An Lão cũng xác định 23 tiểu khu rừng trọng điểm dễ cháy ở các xã: An Hòa, An Tân, An Trung, An Hưng, An Vinh, An Quang, An Nghĩa và An Dũng. Đây là cơ sở để dự báo cấp cháy rừng cho các địa phương chủ động phòng ngừa. Để làm tốt vấn đề này, An Lão đã thành lập Ban chỉ huy PCCCR của huyện và chỉ đạo thành lập 8 Ban chỉ huy PCCCR ở xã cùng 48 tổ, đội chữa cháy rừng ngay tại thôn - làng. Lực lượng này phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức PCCCR của các chủ rừng, cơ quan đơn vị, trường học và cộng đồng dân cư. Mặt khác UBND huyện nghiêm túc thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh: xã nào để xảy ra cháy rừng thì Chủ tịch UBND xã đó chịu trách nhiệm trước cấp trên về hậu quả.

Đi đôi với việc làm trên, An Lão cũng đã triển khai thực hiện xây dựng hương ước bảo vệ và phát triển rừng ở cộng đồng dân cư cấp thôn, tiến hành giao khoán gần 3.500 ha rừng cho nhân dân quản lý bảo vệ. Hàng năm, Hạt kiểm lâm huyện quy hoạch từ 100 đến 150ha đất trống, đồi trọc cho đồng bào dân tộc sản xuất nương rẫy, tăng cường kiểm tra khai thác rừng tự nhiên của Lâm trường An Sơn. Đặc biệt, từ đầu năm 2002 đến nay Hạt Kiểm lâm An Lão đã đưa 8 cán bộ kiểm lâm về phụ trách địa bàn 9 xã trong huyện, bước đầu kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho UBND xã xây dựng được phương án, kế hoạch quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, tổ chức thực hiện phương án PCCCR ở địa phương. Tuy vậy, để đạt kết quả cao hơn trong công tác PCCCR ở An Lão, ông Trần Văn Thuộc - Hạt trưởng kiểm lâm huyện cho biết Hạt đang đề nghị Chi cục kiểm lâm Bình Định và UBND huyện An Lão cần quan tâm hơn về việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình PCCC, từng bước trang bị đủ phương tiện và công cụ chữa cháy và các cơ quan, đơn vị, ban, ngành đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành kiểm lâm trong công tác PCCCR ở địa phương.

. Hoàng Nam Quốc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những mắc mứu đang được tháo gỡ  (27/04/2003)
Vân Canh trước nguy cơ hạn hán  (27/04/2003)
Những vướng mắc cần được tháo gỡ  (24/04/2003)
Định giá bất động sản: Cần nhưng đang bí  (24/04/2003)
Hiệu quả của một đề tài nghiên cứu   (22/04/2003)
Đảo xa nay đã thành gần  (23/04/2003)
Đắng như là mía  (21/04/2003)
Công nghệ thông tin - Thách thức và cơ hội   (20/04/2003)
Giải trình thêm về một đề tài nghiên cứu khoa học  (18/04/2003)
Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển mới   (17/04/2003)
Bệnh tôm do môi trường nước bị ô nhiễm  (16/04/2003)
15 năm xây dựng và trưởng thành  (17/04/2003)
Tàu “không số” sẽ bị khai tử  (15/04/2003)
Hiệu quả bước đầu thực hiện ủy nhiệm thu thuế  (15/04/2003)
Năng động và hiệu quả   (14/04/2003)