|
Khai trương xe buýt |
Đầu tháng 4-2003, dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Quy Nhơn đã được Xí nghiệp vận tải hành khách công cộng Quy Nhơn (XNVTHKCC QN) thuộc HTX vận tải Bình Minh, triển khai thực hiện. Để kiểm tra tính thực tiễn, từ ngày 9-4, 6 chiếc xe buýt màu trắng đầu tiên loại chuyên chở 40 hành khách được đưa vào thử nghiệm trên hai tuyến nội thành: Cảng Thị Nại - Ga Diêu Trì và Chợ Lớn - dốc Ông Phật. Sau một tuần hoạt động, hai tuyến xe buýt này đã thu hút một lượng khách tham gia khá lớn, tập trung chủ yếu là công nhân, học sinh, sinh viên và người cao tuổi. Đến nay, XNVTHKCC QN đã trang bị thêm 6 chiếc xe loại 55 chỗ ngồi để tăng cường cho hai tuyến trên và mở thêm tuyến xe buýt liên huyện: Cảng Thị Nại - Đập Đá (An Nhơn). Và ngày 29-4, XNVTHKCC QN đã chính thức khai trương đưa phương tiện xe buýt đi vào hoạt động.
Ngày chủ nhật 27-4, tôi có dịp làm một “tour” xe buýt từ Cảng Thị Nại đến Đập Đá. Dù đã lên xe từ trạm đầu tiên, nhưng trên xe có khoảng 20 khách đang ngồi yên vị trên những chiếc ghế nệm khá sang trọng. Trần xe cao, lối đi giữa hai hàng ghế rộng rãi. Đúng 6 giờ 30, xe chuyển bánh, điệu nhạc rộn rã phát ra từ máy hát kèm với hơi lạnh phả nhè nhẹ làm cho ai nấy đều cảm thấy dễ chịu và thoải mái.
Dọc đường đi, tôi bắt chuyện với người ngồi bên cạnh. Đó là chị Như Ý ở phường Hải Cảng (Quy Nhơn), công nhân của một xưởng chế biến lâm sản tại An Nhơn. Chị cho biết: “Trước kia, tôi đi xe máy từ nhà lên chỗ làm (An Nhơn) phải mất khá nhiều thời gian. Đường xa, xe cộ đông đúc nên khi có xe buýt tôi trở thành vị khách đầu tiên. Bây giờ, tôi không còn lo bất trắc hay đi trễ vì xe chạy rất an toàn và đúng giờ.” Câu chuyện đang hồi rôm rả thì xe đã đến trạm cuối cùng. Chúng tôi chia tay nhau.
Tranh thủ thời gian nghỉ trước khi chiếc xe quay lại, tôi trò chuyện với người lái xe thì được biết: Xe xuất bến đúng giờ theo lịch (giờ cao điểm (5 giờ 30 đến 6 giờ 30 và 16 giờ 30 đến 17 giờ 30) mỗi chuyến xe xuất bến cách nhau 15 phút). Các giờ khác, mỗi chuyến cách nhau từ 20 phút đến một tiếng rưỡi, không phụ thuộc vào lượng khách nhiều hay ít. Vì vậy, không có tình trạng chạy câu giờ để đón nhiều khách ở những trạm dọc đường.
Trên đường quay trở lại Cảng Thị Nại, đến trạm Diêu Trì, tôi gặp và trò chuyện với Mai Hạnh (sinh viên năm 2 khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐHSP Quy Nhơn). Với Hạnh, từ ngày đi xe buýt, cô thoát khỏi cảnh chen lấn và ì ạch khi ngồi trên mấy chiếc xe lam. Vả lại, đi xe buýt giá lại rẻ từ 1.000đ đến 2.000đ, hợp với túi tiền của sinh viên. Còn cậu học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn ngồi trên tôi một ghế thì có thể ung dung xuống trường mà không còn cảm giác nơm nớp lo sợ bị công an thổi phạt vì chưa có bằng lái xe máy. “Lúc trước, nghe nói đi xe buýt em ngại lắm nhưng bây giờ thì như một thói quen vậy” - cậu ta cho biết.
Nhìn chung, nhiều người rất phấn khởi khi phương tiện xe buýt được đưa vào hoạt động bởi họ đã thấy được nhiều cái lợi do loại hình vận tải công cộng này đem lại. Từ khi có xe buýt, lượng xe máy lưu thông trên đường đã giảm dần. Hệ quả là những vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đã và sẽ được giảm rõ rệt; nạn ô nhiễm môi trường cũng giảm theo. Có thể nói, tuy mới ra đời nhưng những chuyến xe buýt đi - về đã đem lại một diện mạo mới cho TP Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung.
. Lê Thu Hiền
|