Tái tạo hệ sinh thái Cồn Chim
16:52', 30/4/ 2003 (GMT+7)

Đầm Thị Nại được xếp vào loại thủy vực đặc trưng, độc đáo ven biển miền Trung cần được bảo vệ. Theo khảo sát của ngành thủy sản: đầm Thị Nại rộng 5.060ha. Trước đây có đến 1.000ha rừng ngập mặn, 200ha thảm cỏ biển; 119 loài cá, 14 loài tôm, 2 loài ghẹ có sản lượng lớn – ghẹ hoa (Portunus pelajicus) và ghẹ cát. Có 2 loài cua đáng kể là cua xanh (Scylla serrata), cua bùn (S.paramanosain). Có đến 100 loài động vật thân mềm. Trong đó đáng chú ý nhất là các loài: hàu, ngao (Meretrix meretrix), xìa nâu (M.luxoria), vẹm vỏ xanh (Perma viridis), xút (Anomalocerdia), điệp (Palacuma palacenta), phi (Sangguinolaria minor), 136 loài rong và thực vật bậc cao. Riêng khu vực Cồn Chim (xã Phước Sơn – Tuy Phước) nằm trong khu vực đầm Thị Nại, gồm nhiều cồn, bãi với diện tích trên 260ha. Trước năm 1975 rừng Cồn Chim chủ yếu là rừng ngập mặn, nơi trú ngụ của các loài chim: cò, vạc đen, nhạn, lau chau… và nhiều loài thủy sản nước lợ sinh sống: tôm sú, tôm rằn, tôm đất, tôm bạc… các loài nhuyễn thể: hàu, sò, vẹm…, các loài rong, cỏ biển… Đây là vùng mang đầy đủ đặc tính đa dạng sinh học của một đầm nước lợ.

Sau năm 1975, rừng ngập mặn Cồn Chim bị tàn phá, hầu như bị xóa sổ, chỉ còn lác đác một số cây đước, đưng, mắm tồn tại trên các bờ bao ao tôm. Thay vào diện tích rừng là trên 250ha ao tôm-cá của dân trong vùng và Công ty Nuôi trồng thủy sản Bình Định. Những bờ tôm chằng chịt không theo một quy hoạch nào. Rồi dân cư ven đê Khu Đông cũng dần bành trướng lấn đầm. Anh Trần Trung Minh (thôn Vinh Quang, Phước Sơn) sống ven đầm cho biết: “Nhiều thanh niên ở đây ra đầm, xây bờ bao cất nhà, sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên đầm. Người không vốn thì đánh bắt thủ công, người có vốn thì dùng ghe cào, hoặc quây đùng (dùng lưới bao quanh một vùng rộng khoảng mươi ha), đắp ao để nuôi tôm, cua”. Do dân cư xâm thực ngày càng tăng, các loài thủy sản như cua, hàu, vẹm, cá, tôm… lớn, bé đều bị khai thác triệt để. Hiện tại ở Phước Sơn, Phước Thuận mỗi xã đều có 4-6 điểm mua gom các loài thủy sản trong đầm. Qua đó, thấy được nguồn lợi thủy sản Cồn Chim bị khai thác triệt để, làm cho một số hệ sinh thái bị mất, tính đa dạng sinh học không còn. Thêm vào đó, chất thải từ ao tôm ra đầm ngày càng nhiều, một số luồng lạch trong đầm ngày càng bị thu hẹp nên sinh ra dịch bệnh tôm ngày càng nhiều, các loài chim không nơi trú ngụ cũng ít dần.

Để khôi phục lại hệ sinh thái Cồn Chim và đầm Thị Nại, từ năm 2002-2004 Sở Thủy sản Bình Định thực hiện dự án điều tra, nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái, khai thác sử dụng hợp lý nguồn thủy sản Cồn Chim. Một số chuyên gia đã lấy mẫu, điều tra, nghiên cứu tính đa dạng sinh học, về phân bố cấu trúc hệ sinh thái (rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, vùng đáy mềm), thành phần các loài sống trên cạn, dưới nước. Kết quả ban đầu đánh giá nguồn lợi thủy sinh vật tự nhiên và hiện trạng khai thác sử dụng cho thấy: đầm Thị Nại, con hàu tự nhiên sinh sản rất tốt, nhất là vùng Hội Lộc (Nhơn Hội). Ông Nguyễn Hữu Trí (ĐH Nông-Lâm TP.HCM), chuyên gia nghiên cứu về con hàu cho biết: “Có thể nuôi hàu tốt ở đầm Thị Nại, tất nhiên cần phải khảo sát một số chỉ tiêu về độ mặn, độ ngập nước, địa hình đáy, hàm lượng hữu cơ trong nước, xác định vùng nuôi…”.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, năm 2002 Sở Thủy sản trồng 3ha rừng đước ngập mặn. Khi các hệ sinh thái từng bước được khôi phục, việc nuôi trồng thủy sản theo mô hình thành công, sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật và khuyến khích nhân dân trong khu vực thực hiện. Từ chỗ chuyên đánh bắt trong tự nhiên, bây giờ tự nuôi trồng, như vậy vừa đảm bảo tính lâu bền, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Khi diện tích rừng ngập mặn phục hồi, các loài thủy sinh vật phát triển, môi trường nước trở lại trong lành, thì việc nuôi tôm trong vùng sẽ giảm được dịch bệnh.

Việc tái tạo lại rừng ngập mặn đầm Thị Nại – Cồn Chim sẽ biến nơi đây thành khu vực du lịch sinh thái, có giá trị không những của Bình Định, mà còn cho cả khu vực Trung bộ.

. Hoàng Lân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đi “tour” cùng xe buýt  (30/04/2003)
An Lão tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng  (28/04/2003)
Những mắc mứu đang được tháo gỡ  (27/04/2003)
Vân Canh trước nguy cơ hạn hán  (27/04/2003)
Những vướng mắc cần được tháo gỡ  (24/04/2003)
Định giá bất động sản: Cần nhưng đang bí  (24/04/2003)
Hiệu quả của một đề tài nghiên cứu   (22/04/2003)
Đảo xa nay đã thành gần  (23/04/2003)
Đắng như là mía  (21/04/2003)
Công nghệ thông tin - Thách thức và cơ hội   (20/04/2003)
Giải trình thêm về một đề tài nghiên cứu khoa học  (18/04/2003)
Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển mới   (17/04/2003)
Bệnh tôm do môi trường nước bị ô nhiễm  (16/04/2003)
15 năm xây dựng và trưởng thành  (17/04/2003)
Tàu “không số” sẽ bị khai tử  (15/04/2003)