Thêm một cơ hội để Bình Định bảo tồn đa dạng sinh học
17:10', 2/5/ 2003 (GMT+7)

Con voọc

Các vùng rừng An Toàn (An Lão), Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), Vườn cam Nguyễn Huệ (Vĩnh Thạnh), khu vực tây Tây Sơn với tổng diện tích 5.500ha đã được WWF (World Wide Fund for Nature - Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế) đưa vào Chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn (Việt Nam). Khu vực này được xếp vào một trong bốn khu vực xung yếu, bảo vệ đặc biệt của chương trình. Việc được đưa vào Chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để Bình Định đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Chỉ trong vòng 15 năm trở lại đây sự độc đáo của thật sự của đa dạng sinh học trong dãy Trường Sơn mới được công nhận trên tầm quốc tế. Xúc tác chính cho sự công nhận này là sự phát hiện một số loài thú lớn, trong đó có sự phát hiện ra loài sao la đầy thuyết phục. Tuy nhiên, vùng sinh thái này không chỉ có tầm quan trọng bảo tồn toàn cầu, mà còn vì đó là nơi sinh sống của rất nhiều các thành phần sinh học khác đang bị đe dọa nghiêm trọng, mà ví dụ điển hình là loài tê giác một sừng. Hiện nay trên thế giới chỉ còn lại hai quần thể tê giác một sừng, trong đó có một quần thể đang tồn tại ở Trường Sơn.

Sau hơn hai năm thực hiện các nghiên cứu về đánh giá đa dạng sinh học, kế hoạch phát triển, tình hình sử dụng đất và tài nguyên, kinh tế xã hội, tổ chức các hội nghị tham vấn với đại diện các tỉnh trong khu vực, cuối tháng 3-2003, nhóm cố vấn WWF đã tập hợp, phân tích số liệu và xây dựng xong Chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn. Kết quả khảo sát sinh học toàn bộ địa bàn các tỉnh miền Trung của các chuyên gia WWF đã xác định vùng sinh thái Trung Trường Sơn nằm trên địa giới hành chính của 7 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Bình Định. Đứng ở điểm gặp gỡ giữa hai khu vực sinh học địa lý lớn, vùng ôn hòa phía bắc và vùng nóng ẩm phía nam, vùng sinh thái Trung Trường Sơn kết hợp được sự đa dạng của cả hai khu vực nói trên.

Nằm ở điểm trung chuyển giữa khu vực núi cao và đồng bằng ven biển trong vùng sinh thái Trung Trường Sơn, Bình Định được thiên nhiên ưu đãi khá nhiều về tính đa dạng sinh học. Kết quả khảo sát, thống kê mới nhất cho thấy rừng Bình Định hiện có: về thực vật tổng cộng có 155 họ với 1.625 loài (trong đó đáng chú ý có 282 loài cây có dầu, tananh có 41 loài…); về động vật có 8 bộ thú, gồm 20 họ với 53 loài; chim có 19 bộ, 64 họ với 330 loài định cư, di cư, trú đông và khoảng 35 loài bò sát. Tài nguyên rừng của chúng ta xét về mặt đa dạng sinh học tương đối phong phú.

Ông Nguyễn Hiếu Hòa – Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định - cho biết: “Việc được đưa vào chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi mà chính quyền, cùng nhiều cơ quan khác của Bình Định đã thực hiện trong nhiều năm qua. Chúng ta phải chứng minh chúng ta thật sự có cái cần được bảo tồn, chúng ta đã và đang làm hết sức mình để giữ gìn sự đa dạng sinh học và đang cần được hỗ trợ để có những kết quả khả quan hơn. Từ những yếu tố đó, chúng ta đã thuyết phục được Chính phủ, Bộ NN-PTNT và WWF.”

Bảo tồn vùng sinh thái là nhằm đảm bảo toàn bộ các quá trình sinh thái được duy trì một cách trọn vẹn và bền vững. Nếu các phương pháp bảo tồn khác tập trung vào một cấp độ bảo vệ, một địa phương riêng lẻ nào đó, thì bảo tồn vùng sinh thái lại đảm bảo các hoạt động giữa các vùng cùng hướng về một mục tiêu thống nhất trên cơ sở những nguyên tắc liên kết đã xác lập. Xây dựng một chiến lược như vậy cho phép ta xác định, giải quyết và kiểm soát các mối đe dọa chung tạo ra được những ảnh hưởng rộng, hiệu quả hơn. Bà Nhữ Thị Hoàng Yến – chuyên viên quản lý môi trường (Sở KHCN & MT Bình Định) cho biết: “Bên cạnh việc được trợ giúp về mặt kinh phí để điều tra, khảo sát, phân tích, được hỗ trợ thêm nhiều thiết bị nghiên cứu, chúng ta sẽ có cơ hội để tiếp cận với những kỹ năng quản lý mới, kết quả nghiên cứu, các phương pháp tiên tiến hơn trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học… Đứng chân trong một chương trình lớn như vậy có rất nhiều lợi ích mà phải trải nghiệm thực tế mới ý thức hết…”

Tuy chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ trên bản đồ khu vực mà Chương trình tác động lên (chỉ có 5.500ha trong tổng số 354.003ha) nhưng với việc phát hiện ra nhiều loài thú quý hiếm trong đó có cả những loài đặc hữu Việt Nam (voọc chà vá chân xám, hổ, gấu, rùa vàng, gà lôi lam mào trắng, trĩ sao) nhiều loài thực vật hiếm (thông tre, lan hài, hoàng đằng...) tồn cư ở khu vực rừng núi An Lão, Vĩnh Thạnh, vùng sinh thái của Bình Định chứa đựng tiềm năng đa dạng sinh học rất lớn. Với việc được đưa vào chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn, Bình Định sẽ có nhiều cơ hội để xây dựng những khu bảo tồn thiên nhiên cỡ vừa, khoanh và bảo vệ những vùng rừng đặc dụng...

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thực trạng và biện pháp  (01/05/2003)
Tái tạo hệ sinh thái Cồn Chim  (30/04/2003)
Đi “tour” cùng xe buýt  (30/04/2003)
An Lão tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng  (28/04/2003)
Những mắc mứu đang được tháo gỡ  (27/04/2003)
Vân Canh trước nguy cơ hạn hán  (27/04/2003)
Những vướng mắc cần được tháo gỡ  (24/04/2003)
Định giá bất động sản: Cần nhưng đang bí  (24/04/2003)
Hiệu quả của một đề tài nghiên cứu   (22/04/2003)
Đảo xa nay đã thành gần  (23/04/2003)
Đắng như là mía  (21/04/2003)
Công nghệ thông tin - Thách thức và cơ hội   (20/04/2003)
Giải trình thêm về một đề tài nghiên cứu khoa học  (18/04/2003)
Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển mới   (17/04/2003)
Bệnh tôm do môi trường nước bị ô nhiễm  (16/04/2003)