Giải quyết lao động nông thôn:
Nhìn từ các làng nghề truyền thống
18:51', 4/5/ 2003 (GMT+7)

Sản xuất bếp lò tại làng gốm Nhơn Hậu (An Nhơn)-ảnh: Cát Hùng

Bình Định có 41 làng nghề với 8.670 cơ sở hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong những năm qua, hoạt động của các làng nghề đã huy động được nguồn lực tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân, giải quyết được lao động nông nhàn ở nông thôn.

Đến các vùng nông thôn ở huyện An Nhơn vào những ngày cuối tháng 4-2003 sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí lao động rôm rả của các làng nghề. Điểm đầu tiên chúng tôi tìm hiểu là làng làm nhang ở thôn Bá Canh (thị trấn Đập Đá). Bà Dương Thị Đức, người có thâm niên nghề nhang cho biết: “Xong mùa vụ sản xuất, bà con trong thôn trở lại với nghề làm nhang. Mặc dù thu nhập không cao so với các ngành nghề khác, nhưng nghề này không nặng công, nên già, trẻ đều có thể làm được. Gia đình tôi có 11 nhân khẩu, sản xuất lúa chỉ đủ ăn, còn chi tiêu trong gia đình đều nhờ vào nghề làm nhang”.

Ngoài gia đình bà Đức, ở thôn Bá Canh còn có 90 hộ khác đang duy trì và phát triển nghề làm nhang. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển nghề nhang và đã có thu nhập cao. Điển hình như ông Nguyễn Văn Lâu, có 2 cơ sở sản xuất bột nhang lớn trong khu CN-TTCN Gò Đá Trắng. Ông Lâu cho biết: “Năm 2002, tôi đã xuất ra thị trường trong và ngoài nước 1.300 tấn bột nhang, thu nhập 3,1 tỉ đồng, cơ sở thu hút 100 lao động ở địa phương, bình quân mỗi lao động có thu nhập 600.000 đồng/tháng”. Chị Nguyễn Thị Sáu, công nhân của cơ sở bột nhang Nga Lâu cho hay: “Trước đây chưa có cơ sở này, mỗi khi kết thúc vụ sản xuất, tôi phải vào TPHCM mua bán trái cây. Xa nhà khổ cực mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, còn nay công việc tương đối nhẹ, làm gần nhà, thu nhập lại khá nên đời sống đỡ vất vả hơn”.

Theo ông Phan Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đập Đá, ngoài làng nghề làm nhang Bá Canh, thị trấn Đập Đá còn có 5 làng nghề khác như nghề đúc đồng Bằng Châu, rèn Tây Phương Danh, làng dệt Nam Phương Danh, làng nón lá Mỹ Hòa, làng ấp vịt Bá Canh… Phần lớn đời sống nông dân ở các làng nghề đều ổn định, không có hộ đói, ngoài ra các làng nghề đã giải quyết được trên 1.200 lao động nông nhàn ở địa phương. Hiện nay ở An Nhơn có 18 làng nghề với 3.645 cơ sở sản xuất. Quí I năm nay giá trị sản lượng TTCN của huyện đạt 24.334 triệu đồng, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước, giải quyết gần 4.000 lao động. Để duy trì và phát triển CN-TTCN, huyện đã xây dựng 7 khu sản xuất CN-TTCN ở các xã. Ngoài ra, huyện còn khôi phục làng dệt ở thị trấn Đập Đá. Việc xây dựng các khu trung tâm TTCN nhằm kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển hơn nữa các ngành nghề TTCN của huyện, nhằm tăng tổng giá trị sản lượng đồng thời thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển theo, tăng thu nhập, giải quyết việc làm nhiều hơn cho nông dân và tránh được ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Rời huyện An Nhơn, chúng tôi đến xã Cát Tường huyện Phù Cát. Xã Cát Tường còn duy trì và phát triển 4 làng nghề truyền thống: làng nghề làm bánh tráng, làm nón ngựa ở Phú Gia, làng nghề làm nhang Xuân Quang, nghề làm võng cước Chánh Hòa. Các làng nghề đã giải quyết được 1/3 lao động của xã thường xuyên có việc làm. Bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Phú Gia xã Cát Tường tâm sự: “Ngoài làm nông nghiệp, gia đình tôi còn có thêm nghề làm nón ngựa. Với 6 người làm, mỗi tháng thu nhập gần 600.000 đồng tiền nón. Làm nón rất nhiều công đoạn nhưng nhẹ nhàng, nên người lớn trẻ nhỏ đều có thể làm được”. Huyện Phù Cát hiện còn duy trì 10 làng nghề TTCN truyền thống. Tuy hoạt động các làng nghề ở đây không mạnh như ở An Nhơn, song đã góp phần nâng cao đời sống sản xuất cho nông dân ở các địa phương trong huyện, giải quyết trên 3.000 lao động nông nhàn. Hiện nay, huyện đang xây dựng khu CN-TTCN Gò Mít, hy vọng khi hoàn thành khu sản xuất này, huyện sẽ phát triển được các ngành nghề truyền thống.

Có thể nói, việc phát triển các ngành nghề truyền thống ở Bình Định trong những năm qua đã huy động được các nguồn lực tại chỗ như lao động, tài nguyên thiên nhiên…, góp phần quan trọng trong việc đổi mới cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội nâng cao đời sống cho nông dân, giải quyết tốt những vấn đề xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều làng nghề trong tỉnh đang dần bị mai một do với quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm còn đơn giản, khó cạnh tranh được với các mặt hàng khác trên thị trường; nhiều địa phương chưa có định hướng phát triển làng nghề một cách cụ thể. Chủ trương của tỉnh từ nay đến năm 2005, tiếp tục phát triển các ngành nghề CN-TTCN, đảm bảo mức tăng trưởng từ 16-18%/năm. Để thực hiện được chủ trương này, UBND tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương về nhiều mặt, nhất là vấn đề quy hoạch xây dựng các khu CN-TTCN tập trung.

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thêm một cơ hội để Bình Định bảo tồn đa dạng sinh học   (02/05/2003)
Thực trạng và biện pháp  (01/05/2003)
Tái tạo hệ sinh thái Cồn Chim  (30/04/2003)
Đi “tour” cùng xe buýt  (30/04/2003)
An Lão tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng  (28/04/2003)
Những mắc mứu đang được tháo gỡ  (27/04/2003)
Vân Canh trước nguy cơ hạn hán  (27/04/2003)
Những vướng mắc cần được tháo gỡ  (24/04/2003)
Định giá bất động sản: Cần nhưng đang bí  (24/04/2003)
Hiệu quả của một đề tài nghiên cứu   (22/04/2003)
Đảo xa nay đã thành gần  (23/04/2003)
Đắng như là mía  (21/04/2003)
Công nghệ thông tin - Thách thức và cơ hội   (20/04/2003)
Giải trình thêm về một đề tài nghiên cứu khoa học  (18/04/2003)
Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển mới   (17/04/2003)