Thổi hồn vào đá
16:20', 8/5/ 2003 (GMT+7)

Chế tác đá mỹ nghệ (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Trong một khu vườn đồi rộng 2 hecta nằm ven Quốc lộ 1A ở phía bắc đèo Cù Mông thuộc tổ 2, khu vực 8, phường Bùi Thị Xuân, (TP Quy Nhơn) có một ngôi nhà 2 tầng xinh xắn và cạnh đó là xưởng chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ đá granit: bàn ghế, chậu hoa, tượng người, tượng súc vật... đủ các màu vàng, đen, đỏ. Chủ cơ sở chế tác này là anh Lê Trọng Tiến.

Anh Tiến cho biết, tuy mới thành lập năm 1998, vừa làm vừa đào tạo thợ, nhưng đến nay cơ sở đã có bước phát triển khá. Ngoài 4 tốp thợ làm tại nhà và tại các Công ty Viễn Đông, Minh Hoàng, Tân Long với tổng số 50 – 60 người, còn có 2 cơ sở vừa nhận sản xuất gia công ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các sản phẩm đá mỹ nghệ của cơ sở anh Tiến đã có mặt ở thị trường một số nước thông qua các công ty xuất khẩu mà anh ký hợp đồng sản xuất. Ngoài ra, một số đơn vị, cá nhân trong nước cũng đến đặt mua sản phẩm của anh.

Con đường vào nghề làm đá mỹ nghệ của Lê Trọng Tiến khá quanh co. Từ một thanh niên nông thôn không nghề nghiệp ở mảnh đất nghèo Quảng Ngãi, sau giải phóng (1975) Tiến lên Gia Lai kiếm sống. Từ đây anh đã làm nhiều nghề và sống nhiều nơi, cuối cùng anh về chân đèo Cù Mông. Năm 1990 có người rủ anh làm đá chẻ phục vụ cho ngành xây dựng và ngành giao thông. Ngày qua ngày trực tiếp lao động chẻ đá, Tiến đã hiểu được những thớ đá ngang dọc và biết cách tác động mũi đục vào chỗ nào để có thể chẻ viên đá theo kích thước, hình dạng mong muốn mà không phải tốn nhiều sức lực. Đầu năm 1992 có một nhóm thợ đến thuê một phần nhà vườn của anh để làm đá mỹ nghệ. Trong anh nhóm lên lòng đam mê cái nghề biến hòn đá vô tri, vô giác thành những sản phẩm có hồn. Anh học qua những người thợ. Lòng nhiệt tình ham học, khéo tay và đầu óc sáng tạo giúp anh nắm được nghề nghiệp và làm được những sản phẩm ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Năm 1994 anh vào làm công nhân kỹ thuật cho Xí nghiệp đá granit 380 thuộc Công ty Phú Tài (Quân khu V), đến năm 1998 anh mở cơ sở sản xuất riêng. Một số thanh niên và học sinh được anh nhận vào học nghề theo phương pháp kèm cặp, cầm tay chỉ việc. Đến nay anh đã tự đào tạo 50 – 60 công nhân lành nghề, có những công nhân có tay nghề cao trở thành nòng cốt của cơ sở.

Để có được một sản phẩm mỹ nghệ bằng đá granit công việc đầu tiên của anh là tạo phác thảo bằng thạch cao, sau đó dựa vào phác thảo mà tạc trên đá. Đá granite vừa cứng vừa giòn, nếu làm không cẩn thận thì có thể bị bể, bị mẻ, do đó người thợ phải có tay nghề cao, phải chịu khó tỉ mỉ, khiếu thẩm mỹ, hiểu các thớ đá để có cách tác động hợp lý. Lê Trọng Tiến tâm sự: “Để có một tượng người hoặc tượng súc vật, chúng tôi phải suy nghĩ nhiều ngày đêm làm sao tạo được những đường nét đặc trưng trên từng sản phẩm để mỗi sản phẩm có cái hồn riêng của nó. Vì vậy thời gian lao động bằng tư duy nghệ thuật chiếm rất nhiều so với thời gian lao động bằng cơ bắp”. Có lẽ vì thế mà những bức tượng Bác Hồ, tượng Phật, tượng Đức Mẹ, tượng phụ nữ, tượng súc vật như sư tử, trâu, ngựa, vịt, chim..., có bức nặng cả tấn, có bức nhỏ bằng cổ tay, do cơ sở anh tạo ra đều rất sống động, có hồn.

Tuy đã có những thành công trong nghề nghiệp, nhưng Lê Trọng Tiến vẫn còn nhiều trăn trở khi sản phẩm mỹ nghệ từ đá granit chưa được tiêu thụ rộng rãi trong nước do giá còn cao. Nhưng cũng có những sản phẩm giá không cao, ví dụ đế trụ đèn chiếu sáng ở công viên làm từ đá granit vừa đẹp vừa bền, giá bán của cơ sở không cao hơn giá đế đèn đúc bằng gang, nhưng Công ty công viên - điện chiếu sáng của thành phố chỉ mua vài chục cái. Điều trăn trở nữa là cơ sở muốn mở mang sản xuất, muốn vay vốn ngân hàng, nhưng ngân hàng lại không cho vay, mặc dù cơ sở có đủ điều kiện để vay vốn.

Thiết nghĩ, với khó khăn thứ nhất cơ sở phải tự lo tìm kiếm mở rộng thị trường, còn khó khăn thứ hai thì đề nghị ngân hàng tạo điều kiện giúp đỡ. Bởi vì, từ thực tế những năm qua cơ sở đã tự đào tạo nghề, tạo việc làm cho trên 50 lao động với thu nhập bình quân 1,5 đến 2 triệu đồng 1 tháng, có những người cao hơn và sản phẩm của cơ sở đã có mặt trên thị trường trong nước, ngoài nước. Nghĩa là cả về mặt kinh tế lẫn mặt xã hội việc hỗ trợ đầu tư cho cơ sở phát triển sản xuất đều có lợi.

. Vũ Trung Hùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bánh tráng công nghệ mới  (06/05/2003)
Ngày đầu phát hành công trái giáo dục 2003: Kết quả ngoài dự kiến  (05/05/2003)
Chuyện ghi ở trạm thu phí Nhơn Tân  (05/05/2003)
Nhìn từ các làng nghề truyền thống  (04/05/2003)
Thêm một cơ hội để Bình Định bảo tồn đa dạng sinh học   (02/05/2003)
Thực trạng và biện pháp  (01/05/2003)
Tái tạo hệ sinh thái Cồn Chim  (30/04/2003)
Đi “tour” cùng xe buýt  (30/04/2003)
An Lão tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng  (28/04/2003)
Những mắc mứu đang được tháo gỡ  (27/04/2003)
Vân Canh trước nguy cơ hạn hán  (27/04/2003)
Những vướng mắc cần được tháo gỡ  (24/04/2003)
Định giá bất động sản: Cần nhưng đang bí  (24/04/2003)
Hiệu quả của một đề tài nghiên cứu   (22/04/2003)
Đảo xa nay đã thành gần  (23/04/2003)