|
Nước sạch về làng |
Dọc đường công tác, tôi đã từng chứng kiến cảnh người và gia súc cùng dùng chung một nguồn nước ở Thịnh Văn (Canh Thuận - Vân Canh); đã biết nỗi khổ thiếu nước uống của người dân ở mạn Đông Tuy Phước, Phù Mỹ... Đó là chuyện của năm - ba năm trước. Năm nay, trước khi Tuần lễ quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường (29-4 – 7-5-2003) bắt đầu, tôi đã chứng kiến những đổi thay.
* Chuyển biến nhận thức
Năm 2000, khi UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc) chấm dứt dự án hỗ trợ phát triển nguồn nước sạch, tỷ lệ dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch của tỉnh Bình Định dừng lại ở con số 40%. Nhiều người đã cho rằng tình hình sẽ khó được cải thiện nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ bên ngoài. Nhưng thực tế đã diễn ra theo chiều hướng khác và tích cực hơn nhiều. Khi được triển khai trong tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về “Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn” thậm chí còn làm được nhiều hơn, tạo được nhiều đổi thay tích cực hơn các chương trình trước đó. Tỷ lệ dân số nông thôn được hưởng nước sạch ở Bình Định đã tăng lên đến 52% (2002). Điều đáng lưu ý là nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường đã tốt hơn trước rất nhiều.
Ông Đàm Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết: “Trước đây, chúng ta vẫn thường chủ trương “chuyển giao trọn gói” mà ít chú ý đến khâu “khai thác, sử dụng, bảo dưỡng - giáo dục truyền thông”. Cách làm cũ đôi khi dẫn đến hiện tượng có nước sạch nhưng người dân sử dụng không thường xuyên, sử dụng mà không có bảo vệ công trình cấp nước. Khi tự mình nhận ra ý nghĩa và sự cần thiết của nước sạch, chính người dân sẽ tự tìm cách khắc phục. Trong những dự án mà trung tâm chúng tôi triển khai mấy năm gần đây, phía người hưởng lợi sẽ đóng góp vốn đối ứng chừng 5 - 10%. Cũng có vùng người dân đã đóng góp đến 20% vốn đầu tư”.
* Nước về làng xa
Sự chuyển biến về nhận thức của người dân về nước sạch đã dẫn đến những hệ quả tích cực. Ở Canh Thuận (Vân Canh) để bảo vệ nguồn nước Suối Phướng, đồng bào đã thống nhất cùng nhau bảo vệ khu vực rừng đầu nguồn, không thả rông gia súc ở hồ tích nước... Ở Vĩnh Kim - Vĩnh Thạnh khác với trước đây, dù dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước tập trung có tỷ lệ hỗ trợ của nước ngoài khá lớn, nhưng cơ quan triển khai dự án vẫn yêu cầu đồng bào phải có vốn đối ứng. Xã nghèo nên bà con được góp bằng công lao động.
Chị Đinh Thị Binh - một người dân ở làng Canh Phước (Canh Hòa - Vân Canh) - cho biết: “Người làng mình thường ra sông đào một cái hố nhỏ, xếp đá xung quanh để gạn lấy nước uống đấy! Nay, hệ thống cung cấp nước Suối Dú cấp đủ nước cho cả làng dùng. Nước lọc xong được đường ống dẫn đến 13 điểm lấy nước trong làng. Phụ nữ phải lo việc lấy nước, trước đi xa mới lấy được nước, vất vả lắm. Bây giờ thì cả mùa khô cũng không lo thiếu nước đâu. Cán bộ xã, huyện họp bà con lại chỉ cho cách sử dụng tiết kiệm, bảo vệ cái vòi để dùng cho lâu. Không phá rừng đầu suối để hồ chứa không bị cạn”. Anh Lan Ngọc Tú (Thịnh Văn - Canh Thuận) thì cho biết: “Ở đây mỗi năm có đến 5 - 7 tháng chịu khát, những tháng ấy đất như rang, như nung hết ngày này sang ngày khác. Đầu mùa khô, lập tức có khoảng 1/3 số giếng bị cạn kiệt, nước biến mất cứ như những cái thùng mất đáy vậy. Đến giữa mùa khô thì mất thêm 1/3 số giếng nữa, giếng nào còn thì lượng nước cũng không nhiều. Chừng 2 tháng cuối mùa khô thì đúng là bi kịch, lúc này để có nước ăn uống, tắm táp, giặt giũ, thì cả người, heo, bò… cùng đổ xô ra đoạn suối còn đọng nước ở thôn. Vậy là đẻ ra cái chuyện làm nắp đậy giếng có khóa để giữ nước. Nhưng nay mọi chuyện đã khác. Mùa khô không chỉ có đủ nước uống mà còn có nước để... tắm”.
“Nhưng năm nay mọi chuyện đã khác” là câu trả lời mà chúng tôi đã nghe được ở khá nhiều địa phương trong tỉnh. Lên An Hưng (An Lão) hay xuôi về Hoài Hải (Hoài Nhơn), Phước Sơn, Phước Hòa (Tuy Phước) trong những ngày cuối tháng tư đất nóng như nung này, chứng kiến những nụ cười rạng rỡ hy vọng của đồng bào ở đây, mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc mà các công trình cung cấp nước sạch đã đem lại cho họ. Anh Trần Thế Hải một người dân ở Phước Sơn (Tuy Phước) cho biết: “Nước ngọt ở đây trước phải mua từng thùng để uống. Những năm thiếu nước uống đã từng xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Khi ấy, dân bên này thường chèo xuồng sang Hội Lộc (Nhơn Hội) lấy nước về, khúc eo dài hơn 4km thường có những đợt gió giật, nhiều chiếc xuồng đã bị gió lật úp khi qua đoạn này. Năm 1987, vợ chồng anh Nguyễn Văn Chiến bị gió lật xuồng, đến chết tay vẫn ôm can nước. Từ ngày có hệ thống cung cấp nước Phước Sơn (mới được nâng cấp, tăng công suất cuối năm 2002) dân dễ thở hẳn”. Tuy Phước là huyện triển khai được nhiều dự án nước sạch nhất Bình Định, nhiều thôn xa như Bình Lâm và Kim Xuyên (Phước Hòa), Tư Cung và Phổ Đồng (Phước Thắng) cũng đã có nước sạch để dùng.
* Bảo vệ nguồn để khai thác lâu dài
Từ chỗ có ý thức rất kém về vệ sinh môi trường và tầm quan trọng của nước sạch, đến nay, cộng đồng dân cư sống ở khu vực nông thôn Bình Định đã thấy rằng sử dụng nước sạch là vì chính sức khỏe của mình chứ không phải vì ai khác, không nên thụ động trông đợi. Và một vấn đề mới đã được đặt ra là quy hoạch, quản lý tốt nguồn nước ngầm để có thể khai thác và sử dụng bền vững. Theo ông Nguyễn Thành Phương - Phó trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở KHCN&MT Bình Định) thì: “Nước ngọt được xem là một nguồn tài nguyên quan trọng cần được quy hoạch và sử dụng một cách hợp lý để tránh cạn kiệt, ô nhiễm làm giảm chất lượng. Bình Định có nguồn nước ngọt dồi dào: Nguồn nước mặt ở các con sông được điều hòa nhờ các hồ chứa nước lớn như hồ Núi Một, Vĩnh Sơn, Thuận Ninh, Hội Sơn. Các mạch nước ngầm của Bình Định có độ sâu trung bình từ 5-7m ở vùng đồng bằng, 10- 12m ở vùng trung du miền núi, việc khai thác tương đối dễ dàng. Bên cạnh khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt, mấy năm gần đây, nông dân bắt đầu khai thác để chống hạn, các mục đích kinh tế khác. Nước ngầm là nguồn nhạy cảm, có thể tác động đến nhiều lĩnh vực khác nếu bị tổn thương, dễ thấy nhất là nguy cơ xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm bị kiệt cũng góp phần làm biến dạng độ màu, sự phì nhiêu của đất… Từ đó sẽ xảy ra nhiều hệ quả dây chuyền mà đôi khi ta chưa hình dung hết…”
Với nhiều chính sách đã được xây dựng, việc bảo vệ nguồn nước và chất lượng nguồn nước đã được triển khai: quy hoạch rừng phòng hộ để bảo vệ nguồn nước; chống xói lở, sa mạc hóa đất nông nghiệp; vấn đề chống ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt từ các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Để tránh cạn kiệt vào mùa khô ở một số vùng, tăng cường sự ổn định của tầng nước ngầm, Bình Định đã xúc tiến kế hoạch xây dựng hồ chứa nước Định Bình, tạo nguồn tưới ổn định ở phía nam tỉnh.
Những thay đổi tích cực chưa phải đã rải đều ở tất cả các địa phương trong tỉnh, nhưng xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến và chiếm ưu thế, do đó có thể hy vọng mục tiêu 75-80% dân số nông thôn được dùng nước sạch vào năm 2005 mà Bình Định đã đặt ra là khả thi.
. Bá Phùng
|