An Dũng là một trong 7 xã đặc biệt khó khăn của huyện An Lão, cách trung tâm huyện lỵ 20km về phía tây bắc. Toàn xã có 215 hộ với 1.257 nhân khẩu là người Hre sống bằng nghề sản xuất nông-lâm nghiệp với 275ha đất nông nghiệp (chiếm 6,48% tổng diện tích tự nhiên). Trong đó, có 96ha ruộng lúa nước và 56ha trồng cây ăn quả và hoa màu khác.
Trong kháng chiến, An Dũng là căn cứ địa cách mạng và vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, với đặc thù là xã vùng cao, vùng sâu, trình độ dân trí thấp, tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, nên đến cuối năm 1999, An Dũng vẫn còn 92 hộ nghèo, chiếm 43% tổng số hộ toàn xã. Trong đó, 30 hộ thường xuyên thiếu đói, 52 hộ nhà ở tranh, tre, nứa lá, 24 hộ không có trâu, bò làm phương tiện sản xuất, bình quân thu nhập đầu người chỉ đạt từ 40.000 đến 60.000 đồng/tháng.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, trong 3 năm trở lại đây An Dũng đã có những nỗ lực đáng ghi nhận về công tác xóa đói giảm nghèo, là đơn vị xã duy nhất trong tỉnh được UBND tỉnh Bình Định trao cờ thi đua xuất sắc năm 2002.
Con đường nào để An Dũng xóa đói giảm nghèo có hiệu quả? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: từ năm 2000, UBND huyện An Lão đã cử 1 cán bộ tăng cường trực tiếp giúp UBND xã An Dũng thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. Xã cũng đã thành lập ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo gồm 11 người do Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, cán bộ tăng cường làm phó ban trực, các ban, ngành, đoàn thể và các trưởng thôn tham gia làm thành viên. Đảng ủy và UBND xã đã phân công cán bộ xã đứng chân ở từng thôn để theo dõi chỉ đạo, hàng tuần có tổ chức trực báo để báo cáo kết quả thực hiện. Việc đầu tiên của Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo là tổ chức điều tra tình hình kinh tế hộ gia đình trên địa bàn toàn xã, qua đó, xã đã thành lập 16 tổ tương trợ, mỗi tổ có từ 5 đến 6 hộ giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Riêng mỗi cán bộ đảng viên ở địa phương được phân công phụ trách hướng dẫn 2-3 hộ nghèo. Sau đó, Ban phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn 600 lượt hộ dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt xã đã xây dựng thành công mô hình trình diễn thâm canh tăng năng suất 3ha lúa nước tại thôn 2, đạt năng suất bình quân 50 tạ/ha (tăng gấp 2 lần so với năng suất lúa ở địa phương), 2 mô hình trồng 2.000 cây bời lời đỏ trên vườn đồi, bước đầu được nhiều hộ gia đình hưởng ứng tích cực.
Xã cũng đã vận động nhân dân tận dụng 10ha đất đồi bãi ven sông trồng mì cao sản, bắp lai… và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều đáng mừng là nhân dân trong xã đã biết làm đất, bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc cây trồng, xóa bỏ độc canh cây lúa, đưa vào sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi hàng hóa có giá trị. Được sự hỗ trợ giống, vật tư của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, hiện nay An Dũng đã sản xuất được 140ha lúa 2 vụ/năm, với 80% giống cấp 1, trồng 70ha mì cao sản, 7ha bắp lai, 10ha dứa và chuối, 30.000 cây cau, 4.500 cây bời lời đỏ và hàng ngàn cây xoan. Đàn gia súc đạt 3.255 con (tăng gần 1.000 con so với trước) và có 1.670 con gia cầm, mở rộng ao nuôi cá nước ngọt.
Trao đổi với chúng tôi về thay đổi hiện nay ở xã An Dũng, già làng Đinh Văn Chê ở thôn 2 tâm sự: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương, nhân dân An Dũng đã biết chọn giống gì, cây gì để sản xuất có hiệu quả”. Còn bác Đinh Thành Đua, cán bộ hưu trí ở thôn 4 thì nhận xét: “An Dũng phát triển mạnh về kinh tế, nhất là chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng cơ sở vật chất, đời sống của người dân đã được cải thiện và nâng cao một bước”.
Kết thúc năm 2002, An Dũng đã có 38 hộ thoát nghèo vươn lên làm ăn khá, bình quân mỗi năm An Dũng giảm 6% hộ nghèo, vượt 1% so với kế hoạch đề ra. Trong nỗ lực để thoát nghèo xã vùng cao An Dũng không chỉ chú trọng về phát triển kinh tế mà còn đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, 3 năm trở lại đây An Dũng không còn xảy ra các vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, tự tử, tự sát… Hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố, 100% trẻ em đến tuổi được cắp sách đến trường; sức khỏe nhân dân được chăm sóc kịp thời tại cộng đồng; 95% số hộ được sử dụng điện thắp sáng, 96% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt.
Từ nay đến năm 2005, An Dũng phấn đấu tiếp tục giảm 39 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm từ 10 đến 16 hộ nghèo. Để đạt được con số này xã An Dũng đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện những mục tiêu cụ thể cho mỗi hộ nghèo là: sản xuất 0,5ha vườn rừng; mỗi năm trồng 3.000 gốc mì, nuôi từ 2 đến 3 con gia súc, 5 đến 10 con gia cầm, làm hết diện tích lúa nước theo mức bình quân chung của xã.
. Hoàng Nam Quốc
|