Khởi sắc từ một làng nghề bánh tráng
17:12', 13/5/ 2003 (GMT+7)

Phơi bánh tráng

Khởi hành từ UBND xã Phước Hòa (Tuy Phước), xuôi theo con đường bê tông, đến ngã năm thôn Kim Tây, tôi rẽ phải, đi khoảng chừng 2.000m, đến xóm Trí Thượng. Đập vào mắt tôi là những phên bánh tráng phơi ở khắp mọi nơi, trong sân, dựng sát bờ rào, và trên mái nhà. Cùng với tiếng ù ù của những chiếc cối xay bột gạo, cụ Đỗ Thị Sơn, một người cao tuổi ở đây, cho biết: Tráng bánh là một nghề truyền thống của dân xóm Trí Thượng, có từ thời Pháp thuộc, nhưng rồi chiến tranh loạn lạc, nghề cứ mai một dần; mới phát triển mạnh từ ngày giải phóng đến nay.

Toàn thôn có 530 hộ, 2.500 nhân khẩu; diện tích canh tác bình quân một nhân khẩu là 380m2, chuyên sản xuất lúa. Trong khi đó riêng xóm Trí Thượng đã có 230 hộ, 930 nhân khẩu. Đất ít cho nên nếu chỉ dựa vào cây lúa, thì hộ nào sản xuất giỏi cũng chỉ đủ ăn, ấy là nói đến những năm được mùa, còn nếu như trời làm hạn hán, thiên tai thì cái đói, cái nghèo là điều không thể tránh khỏi. Làm thế nào để vượt qua ngưỡng đói khổ? Từ những trăn trở ấy, người dân nơi đây đã chọn nghề sản xuất bánh tráng để tạo hướng đi lên cho mình. Từ 54 hộ lúc đầu, nay đã có đến 186 hộ tham gia sản xuất bánh tráng, thu hút trên 500 lao động. Bình quân, mỗi hộ sản xuất được 8-15 ràng bánh, thu nhập từ 15-30 ngàn đồng mỗi ngày. Bánh tráng có 2 loại: loại bánh để ăn được chế biến từ bột gạo pha với bột mì; và loại bánh tráng để làm chả ram, tráng nhỏ, rất mỏng, làm nguyên chất bột gạo trộn với ít muối, để bánh dai khỏi bể. Bánh tráng này khó tráng hơn, nhưng ngược lại có thu nhập cao hơn. Nếu như cùng sử dụng 10kg gạo tráng trong một ngày, thì bánh tráng làm chả ram sẽ có lãi hơn từ 10-15 ngàn đồng.

Nhờ đúc kết kinh nghiệm và vận dụng tốt các quy trình sản xuất, nên bánh tráng ở xóm Trí Thượng đã chiếm được ưu thế trên thị trường. Bà con còn tận dụng các phế phẩm, làm thức ăn cho heo, góp phần phát triển chăn nuôi heo, có nhiều hộ đạt hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Lê Anh Dũng đông con, nên cuộc sống thường xuyên túng thiếu. Từ năm 1988 đến nay, nhờ phát triển nghề bánh tráng kết hợp cùng nuôi heo (mỗi năm xuất chuồng được 8 tạ heo hơi), gia đình anh đã từng bước ổn định đời sống, sắm sửa đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Hầu hết các hộ sản xuất bánh tráng đều kết hợp với chăn nuôi heo, nhiều hộ mỗi năm xuất chuồng từ 8-10 tạ heo hơi. Nghề đan phên phơi bánh tráng cũng nhờ vậy phát triển, tạo công ăn, việc làm cho một số lao động trong những ngày nông nhàn. Ngoài lượng phên cung cấp trong xóm, bà con còn nhận đặt hàng ở các xã bạn trong huyện.

Có thể nói, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nghề tráng bánh đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo nơi đây. Bức tranh kinh tế xóm Trí Thượng đang từng ngày thay da, đổi thịt, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đến nay 100% số hộ tham gia sản xuất bánh tráng đều có nhà ngói, có phương tiện nghe nhìn, được sử dụng điện và có đến 95% số hộ sắm được xe máy.

. Mỹ Lệ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Từng bước mở rộng thị trường  (13/05/2003)
Ngồi tại nhà đánh chuông sang xứ người  (11/05/2003)
An Dũng nỗ lực thoát nghèo  (09/05/2003)
Nước về làng xa  (08/05/2003)
Thổi hồn vào đá  (08/05/2003)
Bánh tráng công nghệ mới  (06/05/2003)
Ngày đầu phát hành công trái giáo dục 2003: Kết quả ngoài dự kiến  (05/05/2003)
Chuyện ghi ở trạm thu phí Nhơn Tân  (05/05/2003)
Nhìn từ các làng nghề truyền thống  (04/05/2003)
Thêm một cơ hội để Bình Định bảo tồn đa dạng sinh học   (02/05/2003)
Thực trạng và biện pháp  (01/05/2003)
Tái tạo hệ sinh thái Cồn Chim  (30/04/2003)
Đi “tour” cùng xe buýt  (30/04/2003)
An Lão tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng  (28/04/2003)
Những mắc mứu đang được tháo gỡ  (27/04/2003)