Trong những ngày tháng 5 này, đi khắp các xã ven đầm Đề Gi Mỹ Cát, Mỹ Thành (Phù Mỹ), Cát Khánh, Cát Minh (Phù Cát), nơi đâu chúng tôi cũng gặp không khí nhộn nhịp, khẩn trương, tiếng reo hò gọi nhau í ới của hàng trăm ngư dân đổ xô ra đầm Đề Gi để vớt sứa.
Năm nay thời tiết thuận lợi, ít mưa, không có giông tố nên sứa xuất hiện rộ. Cứ từ 3 giờ sáng đến 9 giờ trưa có khoảng 100 đến 200 ngư dân sử dụng ghe máy, sõng, thúng câu để đi vớt sứa, làm nhộn nhịp cả một vùng đầm. Có mặt vùng ven đầm lúc ngư dân trở về, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những đống sứa đồ sộ phơi mình trên cát, hòa lẫn cái nắng nóng mùa hè, mồ hôi đẫm ướt của hàng trăm ngư dân đang chế biến sứa thành phẩm.
Qua tìm hiểu được biết: Năm nay sứa xuất hiện muộn hơn so với mọi năm, nhưng lại nhiều. Trung bình mỗi ngày một ngư dân vớt được từ 10 đến 20 kg sứa thành phẩm. Sứa được chế biến ra thành hai loại: sứa tai và sứa chân. Sứa tai thì giá bán 4.000đ/kg, sứa chân thì bán 9.000đ/kg. Như vậy mỗi ngư dân có thể thu về từ 40.000 đến 60.000 đồng mỗi ngày. Chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) kể về việc vớt sứa của mình: “Nghề này rất nhẹ nhàng chỉ cần có một cái vợt, ngồi trên sõng chèo đi, gặp sứa nổi trên mặt nước là vớt, thu nhập tương đối khá so ngày công lao động. Sứa chế biến đến đâu tiêu thụ đến đó. Sứa là món ăn đặc sản và chỉ xuất hiện khoảng 2 đến 3 tháng trong năm. Nên rất nhiều chủ quán đến mua về bán lại”.
Được mùa sứa, giá lại cao nên ngư dân ven đầm Đề Gi có thu nhập đáng kể.
. Văn Thý
|