Ai lên Vĩnh Sơn…
16:53', 15/5/ 2003 (GMT+7)

Bưu điện xã Vĩnh Sơn - Vĩnh Thạnh

Trong các xã vùng cao của huyện Vĩnh Thạnh, Vĩnh Sơn là xã xa và cao nhất. Nơi đây có đến 90% số dân là đồng bào Ba na, cuộc sống chủ yếu tự cấp tự túc với cái đói đeo đẳng quanh năm. Thế nhưng giờ đây, người dân vùng cao này đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, đưa cuộc sống dần dần đổi thay…

Dù đã nhiều lần đi về, nhưng lần này trở lại Vĩnh Sơn, trong tôi lại bừng lên một niềm vui mới trước cuộc sống đổi thay của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Ông Đinh Xoa, Chủ tịch UBND xã, không giấu được niềm vui khi chúng tôi hỏi thăm về đời sống của bà con địa phương. Ông hồ hởi cho biết: “Điều đáng mừng là đồng bào hôm nay không những chỉ chăm chăm vào lo cái ăn trước mắt mà họ đã biết tính chuyện làm giàu. Cả xã hầu như đã bỏ được thói quen du canh du cư, phát rừng làm rẫy, chuyển sang đầu tư thâm canh trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình”. Bá Đang, một nông dân sản xuất giỏi của xã, tâm sự với chúng tôi: “Gia đình tôi trước kia thuộc diện đói ăn quanh năm. Nhưng mấy năm nay nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ chỉ bảo của cán bộ trong cách làm ăn mà đã hết đói. Bây giờ từ làm ruộng, làm rẫy và chăn nuôi, mỗi năm tôi thu được 15 triệu đồng. Nhưng khoản thu nhập này so với những hộ khác trong xã thì chưa ăn thua gì đâu”. Nhờ kinh tế gia đình ngày một phát triển, các con anh đã được đến trường, anh đã tích lũy xây được nhà, mua được ti vi, xe máy. Hay như gia đình anh Đinh Văn Ngái cũng thuộc loại khá giả trong xã nhờ biết cách làm ăn. Cũng với làm ruộng, làm rẫy và chăn nuôi, mỗi năm anh thu nhập không dưới 15 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, gia đình anh thoát khỏi đói nghèo…

Điều đặc biệt hiện nay của bà con xã vùng cao Vĩnh Sơn là ai nấy đều biết làm lúa nước thâm canh, làm chuồng nuôi heo, nuôi cá nước ngọt, làm kinh tế vườn… Ngồi trong ngôi nhà khang trang của mình, ông Đinh Bơn, Bí thư chi bộ làng K4, kể cho chúng tôi nghe chuyện đổi mới của làng mình: “Bà con mình bây giờ đã thay đổi nhiều lắm! Ngày trước do không biết làm ăn, chỉ chăm chăm vào cái rẫy, nên phải chịu cảnh đói giáp hạt gõ cửa triền miên. Bây giờ thì thay đổi nhiều rồi, ai nấy đều lo làm ăn và nuôi con ăn học…”. Những khu vườn nhà rộng lớn ngày trước bỏ hoang, hôm nay đã được bà con đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả… Bok Bly, một hộ nuôi cá nước ngọt khá thành công ở đây, tâm sự: “Ngày trước bà con chúng tôi có ai nghĩ đến chuyện nuôi cá nước ngọt. Nhưng nhờ cán bộ chỉ và bà con không ngại khó làm nên mới được như bây giờ. Hiện nay trong xã có nhiều hộ nuôi cá để bán. Ngay như tôi đây mỗi năm cũng bán được gần 2 triệu đồng tiền cá”. Hiệu quả kinh tế như vậy, nên những ao hồ bỏ hoang ngày xưa đã được bà con cải tạo để nuôi cá nước ngọt.

Những chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như vậy đã mở ra hướng làm ăn mới, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong xã. Hiện nay cơ cấu cây trồng ở đây đã là: 210 ha lúa nước, 52 ha mì, 30 ha bắp, 60 ha đậu xanh, 20 ha bông vải, 478 ha cà phê, 10 ha điều và bời lời… Ngoài phát triển về diện tích, năng suất các loại cây trồng cũng đã không ngừng tăng lên. Hiện năng suất lúa bình quân đã đạt 31 tạ/ha, mì đạt 120 tạ/ha, đậu xanh 6 tạ/ha, cà phê 5 tạ/ha, tiêu 4 tạ/ha… Chăn nuôi cũng không ngừng phát triển. Tổng đàn gia súc trong xã hiện có hơn 2.000 con, gia cầm 15.000 con, 5 ha ao nuôi cá nước ngọt …

Vùng đất khó khăn ngày xưa, hôm nay đang từng bước thay da đổi thịt, đời sống nhân dân đang dần dần được nâng lên, văn hóa- xã hội cũng đã phát triển. Trong xã không còn những hủ tục lạc hậu như trước. Trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường. Xã xóa được hộ đói; hộ nghèo chỉ còn 40%, giảm 20% so với năm 2001; số hộ có phương tiện nghe nhìn chiếm 85%; hộ có xe máy chiếm 30%; tỷ lệ hộ dùng điện 85%… Đây là những con số mà chỉ cách đây chừng 3 năm, người lạc quan lắm cũng không dám nghĩ đến. Ông Đinh Xoa đưa chúng tôi dạo quanh xã như để minh chứng cho những điều mình nói. Khu trung tâm xã đã hút tầm mắt chúng tôi bởi những nhà khuyến nông, bưu điện, nhà trẻ - mẫu giáo, cửa hàng thương nghiệp, trạm y tế, thư viện…

Trên đường vào làng, chúng tôi bắt gặp không ít ngôi nhà ngói đỏ, những khu vườn cây trĩu quả, những chiếc xe máy bóng mượt đi về mà chủ nhân nó không ai khác là người dân của xã vùng cao này. Những hình ảnh ấy khiến chúng tôi nghĩ đến một tương lai gần đầy hứa hẹn về cuộc sống ấm no hạnh phúc, khi người dân vùng cao Vĩnh Sơn đã biết cách làm giàu.

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa sứa ở Đề Gi  (14/05/2003)
Khởi sắc từ một làng nghề bánh tráng  (13/05/2003)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Từng bước mở rộng thị trường  (13/05/2003)
Ngồi tại nhà đánh chuông sang xứ người  (11/05/2003)
An Dũng nỗ lực thoát nghèo  (09/05/2003)
Nước về làng xa  (08/05/2003)
Thổi hồn vào đá  (08/05/2003)
Bánh tráng công nghệ mới  (06/05/2003)
Ngày đầu phát hành công trái giáo dục 2003: Kết quả ngoài dự kiến  (05/05/2003)
Chuyện ghi ở trạm thu phí Nhơn Tân  (05/05/2003)
Nhìn từ các làng nghề truyền thống  (04/05/2003)
Thêm một cơ hội để Bình Định bảo tồn đa dạng sinh học   (02/05/2003)
Thực trạng và biện pháp  (01/05/2003)
Tái tạo hệ sinh thái Cồn Chim  (30/04/2003)
Đi “tour” cùng xe buýt  (30/04/2003)