Theo chân bá Hỷ, chúng tôi đến làng N3 (xã Vĩnh Kim – Vĩnh Thạnh) vào một ngày cuối tháng tư. Giữa cái nắng gay gắt đầu hè, dòng sông Kôn xanh thẫm hiện ra như làm vợi đi cơn khát. Chiếc cầu tre mong manh bắc qua sông Kôn và chiếc bè tre cũ kỹ nằm hiền lành dưới bến là phương tiện duy nhất để người dân làng N3 giao lưu với thế giới bên ngoài vào mỗi mùa nước lớn.
Làng N3 nằm nép mình dưới chân núi Bobbang, là vùng căn cứ địa cách mạng. Trước kia làng N3 có tên là làng Tàlăng – gọi theo tên con suối Tàlăng cạnh làng. Thời chiến tranh, do yêu cầu nhiệm vụ, làng Tàlăng được đổi thành làng N3 theo mật danh kháng chiến và tên này được gọi cho đến giờ. Làng N3 có 59 hộ với 397 nhân khẩu là người dân tộc Ba na. Đời sống của bà con ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Cả làng có 2 ha ruộng nước, 24 ha đất nà và cũng chừng ấy diện tích đất nương rẫy. Cây trồng phần lớn là bắp và đậu đỗ, mỗi năm 2 vụ cùng với các loại hoa màu khác như chuối, đu đủ, bí, thơm… Đời sống, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên gặp không ít khó khăn.
Nhà bok Đoàng, già làng N3, nằm sát bến sông. Đây là ngôi nhà đẹp nhất làng được bok Đoàng xây dựng vào năm 1992 từ tiền bán đậu đỗ và chăn nuôi bò. Ngôi nhà ba gian, bề thế với tường xây, mái ngói. Bok Đoàng năm nay 78 tuổi, ngày ngày vẫn chăn nuôi 6 con bò, dọn phát rẫy làm đậu đỗ, mỗi năm thu được vài triệu đồng.
Bă Thuỳng, thôn phó N3, cho biết, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở làng N3 còn khá cao (gần 70%) nhưng số hộ đói hầu như không còn. Bà con trong làng đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, cây lúa, cây đậu đỗ trồng xuống đã được chăm sóc kỹ hơn. Cả làng có 2 ha lúa nước được canh tác mỗi năm 2 vụ. Để có nước tưới cho cây lúa, làng vận động bà con góp công khuân đá làm đập dâng, mua vải bạt về chặn dòng suối Tàlăng vào mỗi mùa khô để lấy nước tưới cho đồng ruộng.
Như nhiều bản làng khác ở xã Vĩnh Kim, làng N3 nằm trong quy hoạch của vùng lòng hồ Định Bình và sẽ di dời trong nay mai, do vậy mặc dù thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng N3 ít được hưởng lợi từ chương trình 135 của Chính phủ. Vì vậy, để phát triển kinh tế, người dân làng N3 phải nỗ lực hết mình. Trong đó chi bộ Đảng N3 được xem là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của làng. Mỗi đảng viên đều phấn đấu đi đầu trong việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất, từ việc đưa giống mới vào gieo trồng đến việc đổi mới phương thức canh tác.. để bà con dân làng học tập làm theo.
Tuy không có được những điều kiện thuận lợi, nhưng với bản tính siêng năng, cần cù, người dân làng N3 đã biết tạo cho mình một cuộc sống tương đối ổn định. Xét về mặt bằng chung, đời sống người dân làng N3 vẫn còn nhiều khó khăn, mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,5 triệu đồng trong năm 2002, nhưng số hộ có mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi năm cũng không phải là ít, trong số này có thể kể đến hộ bá Thúy, hộ bá Thanh, hộ bá Chung… có mức thu nhập cao từ chăn nuôi gia súc và trồng đậu đỗ… Theo bá Hỷ cho biết, ở N3 hiện nay, phong trào chăn nuôi đang phát triển mạnh, chỉ tính riêng đàn bò đã có hơn 400 con, đây cũng là một trong nhiều nguồn thu ổn định từ nhiều năm nay của bà con ở đây.
Có thể cảm nhận được những đổi thay trong đời sống ở làng N3 hôm nay, tuy chưa có điện lưới quốc gia, nhưng trẻ em trong làng cũng được học bài dưới ánh đèn nê-ông từ chiếc máy nổ diezel; người già cũng được quây quần bên chiếc ti vi màu để xem tình hình trong nước, thế giới mỗi tối. Làng N3 hôm nay đã có trường tiểu học dạy từ lớp 1 đến lớp 4, trường mẫu giáo cũng vừa được đầu tư xây dựng và đưa vào giảng dạy từ đầu năm học 2002-2003, thu hút đông đảo con em trong làng đến lớp. Hiện nay cả làng có 94 học sinh ở các cấp học, trong đó có 25 em học ở trường tỉnh và huyện, 26 em học ở trường xã, 43 em học ở trường thôn. 100% số trẻ em đến tuổi đều được vận động ra lớp.
Trong phương hướng phát triển kinh tế năm 2003, làng N3 phấn đấu đạt mức thu nhập 2 triệu đồng/người/năm, trong đó chú trọng đầu tư phát triển cây lúa nước và mở rộng diện tích lúa cạn để giữ vững an ninh lương thực. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
. Xuân Dũng
|