Mười năm thực hiện Công ước Đa dạng sinh học thế giới:
Bảo vệ đa dạng sinh học - những thách thức trên đường phát triển
16:43', 21/5/ 2003 (GMT+7)

Công ước Đa dạng sinh học (12-1993) là một trong những thành công của Hội nghị môi trường và phát triển (Rio de Janeiro, Brazil. 1992) do Liên hiệp quốc (UN) chủ trì. Mười năm kể từ ngày công ước phát huy hiệu lực, việc thực hiện các điều khoản đã cam kết vẫn còn là một thách thức to lớn, vì lẽ đó chủ đề được chọn nhân Ngày ĐDSH thế giới năm nay (22-05-2003) là “Đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo - những thách thức đối với phát triển bền vững”.

* Việt Nam với bản cam kết lịch sử

Công ước về Đa dạng sinh học (ĐDSH) là một cam kết có tính lịch sử giữa các quốc gia trên thế giới về bảo tồn ĐDSH để sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, các nguồn gen, hệ sinh thái để chia sẻ một cách đồng đều lợi ích khi sử dụng tài nguyên tự nhiên. Tham gia công ước là tự ràng buộc mình vào những khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, những thỏa thuận đa phương có sức tác động mạnh mẽ và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực xã hội. Với quyết tâm của mình, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký vào công ước bảo vệ ĐDSH và ngay lập tức phải đối diện với nhiều khó khăn trong việc bảo tồn thiên nhiên.

Thách thức đầu tiên đối với vấn đề bảo tồn ĐDSH là làm sao ngăn chặn sự khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên dẫn tới sự suy thoái các hệ sinh thái, làm nghèo kiệt các nguồn ĐDSH, thậm chí hủy diệt nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó đói nghèo cũng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến bảo tồn ĐDSH. Cuộc sống đói nghèo dễ dẫn đến tình trạng khai thác tự nhiên tài nguyên quá mức nhưng lại sử dụng không triệt để làm tăng sự khan hiếm, suy thoái sinh học. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do thiếu giáo dục, thu nhập thấp, quy hoạch sử dụng đất đai sai hoặc lạc hậu thiếu khiến sự phân bố sở hữu đất, sở hữu tài nguyên không cân đối, hệ quả là con người buộc phải xâm hại tự nhiên để tìm nguồn sống. Để cải thiện tình trạng này, trong nhiều năm qua Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội phát triển theo hướng bền vững như: Chương trình Bảo vệ rừng - Phủ xanh đất trống dồi núi trọc (Chương trình 327), Chương trình xóa đói giảm nghèo, giao đất giao rừng đến tận tay người dân địa phương, Chương trình quốc gia trồng mới 5 triệu héc ta rừng, Chương trình hỗ trợ đồng bào định canh định cư...

* Bình Định với vấn đề bảo vệ ĐDSH

Những cánh rừng BĐ là điểm giao thoa giữa hai vùng sinh thái đặc thù: rừng đại ngàn Tây Nguyên và rừng đồng bằng ven biển. Đó là một lý do giải thích vì sao rừng BĐ không giàu nhưng đa dạng và phong phú. Tương tự như vậy, đới ven bờ biển của BĐ với nhiều đầm phá nước ngọt, nước lợ cùng nhiều quần thể động thực vật đa dạng cũng là khu vực có mức độ ĐDSH cao. Như vậy nếu nhìn từ rừng xuống biển sẽ thấy BĐ có vốn ĐDSH phong phú.

Thế nhưng quỹ ĐDSH đã lần lượt mất đi khá nhiều. BĐ từng có khá nhiều rùa vàng (Indotestudo elongata), sói đỏ (cuon alpinus), gấu ngựa (ursus thibetanus)... Những loài này được Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào nhóm động vật có nguy cơ tiệt chủng, bị cấm săn bắt, mua bán, xuất khẩu... Nhưng do quản lý lỏng lẻo vốn quý này đã bị mất mát nhiều. Tình trạng này cũng diễn ra ở vùng ven biển. Nhiều loại thủy sản ở đầm Thị Nại, Đề Gi gần như đã bị tiệt chủng do nạn đánh bắt hủy diệt (cua huỳnh đế, trai ngọc đen, san hô...).

Trong cam kết bảo vệ ĐDSH, về mặt pháp lý, UBND tỉnh BĐ đã ra Chỉ thị 07/CT -  UB (02-2002) khẳng định sự quan tâm đối với công tác quản lý bảo vệ ĐDSH. Ông Nguyễn Hiếu Hòa - Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm BĐ cho biết: “Bên cạnh các nghị định của Chính phủ, chỉ thị của tỉnh đã giúp cho các ngành trong đó có ngành kiểm lâm mạnh dạn xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm hại rừng nói riêng và ĐDSH nói chung. Ví dụ, theo quy định mới, cơ quan chức năng sẽ tịch phương tiện vận chuyển trái phép lâm sản kể cả phương tiện thuộc Nhà nước sở hữu, không phân biệt định lượng, không có trường hợp ngoại lệ để xử lý riêng”.

Nói về ý nghĩ của vấn đề bảo vệ ĐDSH và phát triển bền vững Tiến sĩ Man Ngọc Lý - giám đốc Sở KHCN MT nhận định: "Bảo vệ được ĐDSH con người sẽ nhận lại nhiều lợi ích thiết thực, có giá trị cao. Quá trình này phụ thuộc rất lớn vào sự cộng tác của cộng đồng. Cộng đồng phải được hưởng lợi, chính từ đó thành viên cư trú tại địa phương sẽ có trách nhiệm bảo vệ sự ĐDSH. Việc khai thác giá trị ĐDSH nếu không đem lại những lợi ích thiết thân cho họ thì khó nói đến môi trường và phát triển bền vững. Ví dụ: Một dự án du lịch sinh thái ven biển sẽ dễ triển khai hơn nếu người dân địa phương được hưởng những lợi ích trực tiếp, thiết thân và cụ thể, khi nhìn thấy được tương lai của mình họ sẽ ủng hộ dự án”.

Có lẽ giờ đây không ai lại đi đặt ra câu hỏi tại sao lại phải bảo vệ sự đa dạng sinh học nữa. Thật đơn giản, vì lẽ từ lâu con người đã nhận thấy rằng sự tồn tại của thế giới tự nhiên phụ thuộc rất nhiều vào thái độ ứng xử của các cá thể sống trong đó với nhau, kể cả con người. Một hành vi ứng xử bạc bẽo với môi sinh không chóng thì chầy cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn lại tháng cao điểm an toàn giao thông  (20/05/2003)
Làng dưới chân núi Bobbang  (19/05/2003)
Ngày càng có nhiều nông dân - triệu phú  (18/05/2003)
Cấp báo từ hiện tượng ô nhiễm nguồn nước   (16/05/2003)
Ai lên Vĩnh Sơn…  (15/05/2003)
Mùa sứa ở Đề Gi  (14/05/2003)
Khởi sắc từ một làng nghề bánh tráng  (13/05/2003)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Từng bước mở rộng thị trường  (13/05/2003)
Ngồi tại nhà đánh chuông sang xứ người  (11/05/2003)
An Dũng nỗ lực thoát nghèo  (09/05/2003)
Nước về làng xa  (08/05/2003)
Thổi hồn vào đá  (08/05/2003)
Bánh tráng công nghệ mới  (06/05/2003)
Ngày đầu phát hành công trái giáo dục 2003: Kết quả ngoài dự kiến  (05/05/2003)
Chuyện ghi ở trạm thu phí Nhơn Tân  (05/05/2003)