Phát triển làng nghề và vấn đề ô nhiễm môi trường:
Nhìn từ làng nghề chế biến hải sản Mỹ An
10:44', 22/5/ 2003 (GMT+7)

Chế biến hải sản khô xuất khẩu là nghề mới phát triển mạnh ở xã Mỹ An (Phù Mỹ) mấy năm gần đây. Hiện ở đây có 14 cơ sở, thu hút hơn 200 lao động với mức thu nhập bình quân 600 ngàn đồng/người/tháng. Đối với Mỹ An, đây là một hướng giải quyết việc làm và là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, hiện nay làng nghề đang đứng trước những khó khăn.

Theo điều tra của Sở Thủy sản Bình Định, mỗi năm làng nghề sử dụng hết 1.800 tấn nguyên liệu gồm cá cơm săn, cá cơm ba lài, cá cơm mồm, cá cơm than và ruốc, chế biến được 600 tấn thành phẩm. Bình quân mỗi kg thành phẩm lãi được 1.200 - 1.300 đồng. Như vậy mỗi năm làng nghề thu được gần 800 triệu đồng - một nguồn thu nhập khá lớn. Ông Hồ Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết: “Chế biến hải sản khô xuất khẩu tuy chỉ mới phát triển mạnh thời gian gần đây nhưng đã đóng góp rất lớn trong việc phát triển kinh tế và giải quyết việc làm của địa phương. Nhờ nghề này mà lực lượng lao động nữ không có việc làm đã được giải quyết hết”. Chị Hồ Thị Mai, chủ  một cơ sở chế biến hải sản khô, cho biết: “Mấy năm trước đời sống gia đình tôi rất khó khăn. Nhưng gần đây, nghề này làm ăn được đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho gia đình tôi. Tài sản tôi có được như ngày hôm nay là nhờ vào nghề này”.

Tuy nhiên, do sự phát triển của làng nghề mang tính tự phát, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Điều đáng quan tâm hiện nay là nước thải trong quá trình chế biến đã và đang gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Điều tra của Sở Thủy sản cho thấy, trung bình mỗi năm làng nghề thải ra gần 2.700 m3 nước thải chưa qua xử lý. Toàn bộ đều xả thẳng ra vườn, ra đất canh tác… đã đọng, ngấm xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Chị Nguyễn Thị Quyên, một cư dân ở đây, cho hay: “Hiện ở đây có nhiều khu vực nguồn nước ngầm ở độ sâu 10 mét đã bị ô nhiễm, làm nước giếng không sử dụng được”. Anh Trần Quang Nam, một người dân địa phương, cho biết thêm: “Chẳng những nguồn nước ngầm bị ô nhiễm mà tình trạng hôi thối và ruồi nhặng cũng rất bức xúc, đặc biệt là vào mùa hè”.

Những mặt hạn chế này không chỉ tác động tới môi trường mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của làng nghề. Ông Đinh Văn Tiên, Phó giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: “Hiện nay sản phẩm hải sản khô rất được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Đã có nhiều khách hàng đến Bình Định tìm đối tác ký hợp đồng sản xuất sản phẩm này, nhưng Sở không dám giới thiệu đến với làng nghề, bởi môi trường và điều kiện sản xuất như vậy khách hàng khó chấp nhận”.

Để tháo gỡ mâu thuẫn giữa phát triển làng nghề và ô nhiễm môi trường ở Mỹ An, tháng 3 năm 2002, Sở Thủy sản đã lập Dự án quy hoạch làng nghề Mỹ An với tổng mức đầu tư hơn 825 triệu đồng và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu của dự án là hình thành một khu vực sản xuất tập trung cho các hộ chế biến hải sản khô trên diện tích khoảng 7 ha, có khả năng bố trí 20 cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở 3.000 m2. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất trong vùng dự án cũng được đầu tư gồm đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp nước sinh hoạt…

Theo kế hoạch, thời gian thực hiện dự án là 3 năm, từ năm 2003 đến 2005. Tuy nhiên, hiện nay dự án đang gặp trở ngại bởi nguồn kinh phí để thực hiện chưa có.

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bảo vệ đa dạng sinh học - những thách thức trên đường phát triển   (21/05/2003)
Nhìn lại tháng cao điểm an toàn giao thông  (20/05/2003)
Làng dưới chân núi Bobbang  (19/05/2003)
Ngày càng có nhiều nông dân - triệu phú  (18/05/2003)
Cấp báo từ hiện tượng ô nhiễm nguồn nước   (16/05/2003)
Ai lên Vĩnh Sơn…  (15/05/2003)
Mùa sứa ở Đề Gi  (14/05/2003)
Khởi sắc từ một làng nghề bánh tráng  (13/05/2003)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Từng bước mở rộng thị trường  (13/05/2003)
Ngồi tại nhà đánh chuông sang xứ người  (11/05/2003)
An Dũng nỗ lực thoát nghèo  (09/05/2003)
Nước về làng xa  (08/05/2003)
Thổi hồn vào đá  (08/05/2003)
Bánh tráng công nghệ mới  (06/05/2003)
Ngày đầu phát hành công trái giáo dục 2003: Kết quả ngoài dự kiến  (05/05/2003)