Theo chân những người khai thác yến sào
16:13', 23/5/ 2003 (GMT+7)

Công nhân khai thác yến sào trên đường vào hang yến

Cùng 3 công nhân Xí nghiệp Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định, chúng tôi phải mất 1 giờ đồng hồ men theo sườn núi cheo leo mới vào được hang Dơi - một hang yến nằm xa nhất trong 16 hang yến hiện Xí nghiệp Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định đang quản lý và khai thác. Có đến đây, chúng tôi mới hiểu lời nói của anh Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Xí nghiệp về sự hiểm nguy và vất vả của nghề.

* Chuyện ghi ngoài hang yến

Chúng tôi đến bán đảo Phương Mai, khu vực xã Nhơn Lý (Quy Nhơn), nơi tập trung nhiều hang yến nhất vào thời điểm đang chuẩn bị vào vụ khai thác. Theo hướng dẫn, từ bãi Nồm (Nhơn Lý) tôi men theo sườn núi leo qua khu vực hang Dơi. Cái nóng buổi trưa trên đá khiến đôi bàn chân vốn không quen đi trần của tôi bỏng rát. Nhìn lên nhiệt kế, nhiệt độ chỉ đến 40 độ C. Thế nhưng các chốt gác ngoài trời vẫn luôn có người túc trực. Công việc của các anh hàng ngày là 24/24 giờ thay nhau canh giữ các hang yến ở đây. Bởi nếu lơ là một chút để xảy ra sự cố gì hay mất trộm thì coi như bị kỷ luật và phải bồi thường. Anh Đoàn Hữu Phùng, một công nhân kỳ cựu gắn bó với nghề hơn 10 năm, tâm sự: “Công việc của chúng tôi là vậy, luôn căng thẳng và vất vả. Bởi vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh em luôn động viên nhau nâng cao tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề”.

Việc khai thác cũng không kém phần vất vả và nguy hiểm. Để khai thác yến, người công nhân phải làm giàn giáo chênh vênh cao hàng chục mét ở giữa hang. Vật liệu làm giàn giáo là tre và mây chứ không có một vật kim loại nào. Sở dĩ như vậy là bởi không thể thay thế bằng vật liệu gì được. Ở những hang yến, đá gập ghềnh, chỗ cao chỗ thấp làm bằng kim loại thì rất khó. Tre dẻo và nhẹ nên dễ vận chuyển, có thể cưa cắt và uốn cong phù hợp với từng địa hình. Khi làm giàn giáo xong, người công nhân khai thác nhẹ nhàng trèo lên gỡ từng tổ yến, mặc phía dưới sóng vẫn vỗ mạnh vào chân giàn giáo. Nhìn cảnh ấy, tôi cảm thấy rợn người vì rất nguy hiểm. Từ độ cao như vậy nếu lỡ rớt xuống mà bên dưới toàn đá thì chắc chắn không ai thoát khỏi cái chết. Thấy tôi có vẻ lo lắng, anh Vân trấn an: “Tuy vậy, nhưng từ ngày thành lập Xí nghiệp cho đến nay, chưa có một công nhân nào bị tai nạn khi đang khai thác yến. Những công nhân khai thác yến chúng tôi được huấn luyện rất kỹ từng chi tiết nhỏ. Người có kinh nghiệm nhiều, tay nghề cao thì được phân công khai thác những nơi khó, người mới vào nghề thì làm những nơi dễ”.

Ngoài những hiểm nguy trong việc quản lý và khai thác, những công nhân ở đây còn phải thường xuyên đối mặt với những sự cố do thiên nhiên gây ra. Anh Phan Văn Tài, người đang bảo vệ yến tại hang Dơi, cho biết: “Giữa biển khơi hoang vắng vào mùa mưa bão rất lo lắng. Trong cơn bão vừa qua, vách núi cao hàng chục mét, tảng đá nặng hàng tấn nhưng vẫn bị sóng biển cuốn trôi. May mà ngôi nhà anh em đang ở trên đó vẫn còn nguyên vẹn”.

* Những người gìn giữ tài nguyên

Yến sào ở nước ta được phân bố tự nhiên ở 3 tỉnh: Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Định, nhưng tập trung nhiều nhất là ở Khánh Hòa và Bình Định. Nghề khai thác yến sào ở Bình Định có từ lâu đời, nhưng ngày trước không ai quản lý, dân khai thác tự do nên nguồn tài nguyên bị thất thoát. Từ sau ngày đất nước thống nhất, vào tháng 11-1975, tỉnh mới thành lập Xí nghiệp Quản lý - Khai thác Yến sào, đây là đơn vị duy nhất của tỉnh có chức năng khai thác và kinh doanh yến sào. Hiện nay, Xí nghiệp có tất cả 42 công nhân, quản lý và khai thác 16 hang yến trên địa bàn tỉnh, sản lượng trung bình một năm khoảng 600 kg.

Yến sào là một sản phẩm có giá trị rất cao. Hiện nay, trung bình 1 kg yến có giá 1.210 USD. Sản lượng yến phụ thuộc vào số lượng đàn chim cư trú hàng năm. Mỗi năm có 3 vụ khai thác. Vụ đầu từ cuối tháng 3; vụ 2 vào giữa tháng 5; vụ 3 vào tháng 7. Khi khai thác xong vụ 3, vào mùa đông chim yến bay đi, đến mùa xuân chúng lại trở về. Trong thời gian chim yến đi vắng, các hang vẫn phải được bảo vệ, giữ nguyên trạng, sẵn sàng cho đến khi chúng trở về. Với giá trị yến rất cao như vậy, hang lại nằm ngoài biển, có khi nào thất thoát mà người bảo vệ không biết không? Anh Vân trả lời ngay: “Chưa bao giờ. Chúng tôi bảo vệ rất nghiêm ngặt, chỉ cần một chút nghi ngờ đã phải thành lập đoàn vào kiểm tra ngay”. Ngoài ra, để gắn trách nhiệm anh em công nhân trong việc bảo quản, những hang lớn tập trung nhiều tổ yến đều có nội quy nghiêm ngặt. Anh Phùng tâm sự thêm: “Làm nghề này có nhiều lúc lo đến mất ăn, mất ngủ”. Mà quả vậy, tôi thật sự ngạc nhiên khi anh nhớ đến con số chính xác 183 tổ yến tại hang Dơi. Hàng ngày, nếu kiểm tra thấy thiếu tổ nào thì phải lo tìm và lập ngay biên bản gởi về cho Xí nghiệp.

* Những tâm sự

Có đến đây chúng tôi mới thấm thía những khó khăn, gian khổ của những công nhân quản lý và khai thác yến. 16 hang yến đều nằm xa dân cư và ngoài vách núi, có hang xa dân cư đến 5-6 km. Bởi điều kiện như vậy nên cuộc sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của các anh thật đáng cảm thông. Đa số công nhân ở đây tuổi đời còn rất trẻ. Anh Trần Văn Bảy, một công nhân chưa vợ nói vui với chúng tôi: “Tỷ lệ ế vợ của công nhân ở đây rất cao. Còn trẻ thì còn đỡ, hơn 30 tuổi mà vẫn phòng không thì buồn và chán lắm…”. Thường thì các công nhân ở đây hai tháng về nhà một lần, nhưng đa số anh em quê ở xa như Thanh Hóa, Quảng Bình, chưa vợ thì đều ở lại với biển hoặc chỉ ra thành phố Quy Nhơn chơi ít hôm rồi trở lại công việc. Bởi, mỗi lần đi về thời gian ít nhưng lại tốn kém, đành nén nỗi nhớ đợi có dịp nghỉ lâu mới về một thể.

Làm việc trong điều kiện nguy hiểm, vất vả và thiếu thốn, nhưng bù lại thu nhập của các anh khá hơn nhiều so với công nhân nhiều ngành nghề khác. Trung bình một tháng một công nhân ở đây nhận lương hơn 1 triệu đồng. Với số lương như vậy, các anh có điều kiện tích lũy để dành và lo trang trải được cho cuộc sống gia đình.

Công việc vất vả và nguy hiểm là thế nhưng không làm mất đi bản chất dí dỏm, hồn hậu trong những con người làm công tác quản lý và khai thác yến sào nơi đây. Tài nguyên quý giá bao giờ cũng nằm ở những nơi hiểm nguy, nếu không có họ, chắc chắn những tài nguyên quý giá ấy vẫn nằm im lìm trên những vách đá ngoài biển khơi.                                     

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tin vui cho người nuôi bò sữa  (23/05/2003)
Hiệu quả hoạt động của khu du lịch Bãi Dài có tác động rất lớn đến kinh tế du lịch Bình Định  (22/05/2003)
Nhìn từ làng nghề chế biến hải sản Mỹ An  (22/05/2003)
Bảo vệ đa dạng sinh học - những thách thức trên đường phát triển   (21/05/2003)
Nhìn lại tháng cao điểm an toàn giao thông  (20/05/2003)
Làng dưới chân núi Bobbang  (19/05/2003)
Ngày càng có nhiều nông dân - triệu phú  (18/05/2003)
Cấp báo từ hiện tượng ô nhiễm nguồn nước   (16/05/2003)
Ai lên Vĩnh Sơn…  (15/05/2003)
Mùa sứa ở Đề Gi  (14/05/2003)
Khởi sắc từ một làng nghề bánh tráng  (13/05/2003)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Từng bước mở rộng thị trường  (13/05/2003)
Ngồi tại nhà đánh chuông sang xứ người  (11/05/2003)
An Dũng nỗ lực thoát nghèo  (09/05/2003)
Nước về làng xa  (08/05/2003)