Tin vui cho người nuôi bò sữa
9:35', 24/5/ 2003 (GMT+7)

Trại bò sữa của một hộ nông dân Bình Định.

Như tin đã đưa, ngày 21-5 tại TP Quy Nhơn, Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn đã khánh thành nhà máy chế biến sữa Bình Định. Đây là nhà máy chế biến sữa đầu tiên ở miền Trung và là nhà máy thứ 6 trong chuỗi các nhà máy chế biến sữa của Vinamilk. Sự ra đời của nhà máy chế biến sữa Bình Định được đánh giá là nhân tố phát triển mới của ngành sữa Việt Nam và là sợi dây liên kết giữa công nghiệp chế biến với việc phát triển đàn bò sữa ở Bình Định nói riêng và các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ nói chung.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, là nhân tố không thể thiếu được trong cuộc sống, tiêu dùng của nhân dân. Do vậy, trong kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 1995-2000 và chiến lược phát triển ngành sữa đến năm 2010, Vinamilk đã thực hiện các dự án mở rộng quy mô sản xuất trên phạm vi cả nước, trong đó có liên doanh sữa Bình Định ra đời năm 1996 là một trong những dự án có hiệu quả nhất khu vực miền Trung. Từ hiệu quả này, năm 2000, dự án xây dựng một nhà máy chế biến sữa ở Bình Định với tổng vốn đầu tư 42 tỷ đồng đã ra đời. Đến tháng 5-2002, nhà máy đã được khởi công xây dựng với công nghệ hiện đại, tiên tiến của các nước Thụy Điển, Ý, Đan Mạch… Hàng năm, nhà máy có năng lực chế biến 3,2 triệu lít sữa chua, 17 triệu lít sữa tươi và 1,8 triệu lít kem.

Việc ra đời của nhà máy chế biến sữa Bình Định đã và sẽ có tác động tích cực tới việc hình thành một nghề mới ở Bình Định nói riêng và các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên nói chung, đó là nghề chăn nuôi bò sữa. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Châu Huệ Cẩm cho biết: “Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt nam thời kỳ 2001-2010, Bộ Công nghiệp đã đề ra các giải pháp và các chính sách để thực hiện mục tiêu trước mắt đến năm 2005 cả nước có 100.000 con bò sữa và đến năm 2010, đàn bò sữa cả nước sẽ được tăng lên 200.000 con với sản lượng sữa tươi từ 1.400 tấn lên 314.000 tấn, phấn đấu đến năm 2005 thay thế 20% và năm 2010 thay thế từ 35-40% lượng sữa phải nhập.”

Riêng đối với nhà máy chế biến sữa Bình Định, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết: “Nhà máy chế biến sữa Bình Định ra đời cũng có nghĩa là nguồn nguyên liệu của nhà máy sẽ trông chờ vào sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa ở Bình Định và các tỉnh lân cận. Hàng năm nhà máy cần khoảng 25 triệu lít sữa tươi để phục vụ cho chế biến và để có lượng sữa này thì khu vực miền Trung sẽ cần phải có khoảng 15.000 con bò sữa, trong đó ít nhất phải có 8.000 con cho sữa. Nhu cầu to lớn và bức thiết về số lượng và chất lượng bò sữa sẽ kích thích các ngành nghề nông nghiệp như con giống, thú y, thức ăn gia súc phát triển và tạo ra công ăn việc làm ổn định cho nhiều nông dân. Về phần mình, nhà máy chế biến sữa Bình Định sẽ đảm bảo tổ chức các trạm thu mua với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ lượng sữa bò tươi do nông dân sản xuất ra với giá cả hợp lý, đảm bảo người nuôi bò sữa có lãi, góp phần tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư nuôi bò sữa.”

Dây chuyền sản xuất sữa tại nhà máy sữa Bình Định.

Đây quả là một tin vui đối với những người nuôi bò sữa ở Bình Định. Bởi trong thời gian vừa qua, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, ngay từ năm 2000, tỉnh Bình Định đã triển khai chương trình bò sữa đồng thời ban hành chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa. Nhờ vậy mà đàn bò sữa của tỉnh đã tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có đàn bò sữa hơn 1.800 con, trong đó có hơn 300 con được vắt sữa và đã phối giống bò sữa trên 1.200 con. Bước đầu nghề chăn nuôi bò sữa ở Bình định đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây sẽ là loài vật nuôi xóa đói giảm nghèo và giúp cho nhiều hộ nông dân ở Bình Định làm giàu trong những năm tới khi mà đầu ra của sản phẩm được đảm bảo ổn định. Tỉnh Bình Định cũng đặt ra mục tiêu là phấn đấu đến năm 2005 sẽ có đàn bò sữa 5.000 con, trong đó có 1.000 con vắt sữa và đến năm 2010 sẽ có 1 vạn con bò sữa với hơn 5.000 con cho sữa.

Cũng cần nói thêm rằng, vào đầu tháng 3 vừa qua đã xảy ra một số trục trặc nhỏ trong khâu thu mua khi nhà máy chế biến sữa Bình Định tiến hành mua thử nghiệm sữa bò tươi của một số hộ chăn nuôi bò sữa trong tỉnh. Qua “sự cố” này, các hộ nông dân nuôi bò sữa trong tỉnh mong muốn nhà máy chế biến sữa Bình Định bao tiêu toàn bộ lượng sữa bò tươi do nông dân sản xuất ra với giá cả hợp lý, khoảng từ 3.000 đồng trở lên đối với 1 kg sữa tươi thì mới đảm bảo có lãi, góp phần tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư phát triển đàn bò sữa; đồng thời nhà máy cũng cần có các chính sách hỗ trợ, tham gia công tác khuyến nông, dạy nghề chăn nuôi bò sữa làm cho người nông dân biết chăm sóc, vắt sữa, bảo quản sữa tươi đảm bảo yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hy vọng sau khi đi vào hoạt động, bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý, đảm bảo có lãi cho người chăn nuôi bò sữa, nhà máy chế biến sữa Bình Định cũng nên có các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, có như vậy thì nhà máy mới đảm bảo sự phát triển bền vững.

. Xuân Nguyên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Theo chân những người khai thác yến sào  (23/05/2003)
Hiệu quả hoạt động của khu du lịch Bãi Dài có tác động rất lớn đến kinh tế du lịch Bình Định  (22/05/2003)
Nhìn từ làng nghề chế biến hải sản Mỹ An  (22/05/2003)
Bảo vệ đa dạng sinh học - những thách thức trên đường phát triển   (21/05/2003)
Nhìn lại tháng cao điểm an toàn giao thông  (20/05/2003)
Làng dưới chân núi Bobbang  (19/05/2003)
Ngày càng có nhiều nông dân - triệu phú  (18/05/2003)
Cấp báo từ hiện tượng ô nhiễm nguồn nước   (16/05/2003)
Ai lên Vĩnh Sơn…  (15/05/2003)
Mùa sứa ở Đề Gi  (14/05/2003)
Khởi sắc từ một làng nghề bánh tráng  (13/05/2003)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Từng bước mở rộng thị trường  (13/05/2003)
Ngồi tại nhà đánh chuông sang xứ người  (11/05/2003)
An Dũng nỗ lực thoát nghèo  (09/05/2003)
Nước về làng xa  (08/05/2003)