Làm gì để có 10.000 thuê bao Internet vào năm 2005?
18:46', 25/5/ 2003 (GMT+7)

Các sinh viên đang tìm hiểu sự vận hành của tổng đài Fetex 150 của Bưu điện Bình Định

Ước tính đến cuối năm 2003 cả tỉnh Bình Định sẽ có chừng 3.000 thuê bao Internet. Trong khi đó, mục tiêu mà Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Bình Định giai đoạn 2001 - 2005 đặt ra là đến năm 2005 cả tỉnh có 10.000 số thuê bao Internet (mức phát triển này thật ra hết sức khiêm tốn, chỉ chiếm tỉ lệ 1% tổng số thuê bao Internet trong cả nước). Phải phát triển cho được 7.000 thuê bao nữa trong 2 năm còn lại là một nhiệm vụ nặng nề. Chúng ta cần làm gì để có thể hoàn thành nhiệm vụ này?

* Tốc độ phát triển thuê bao Internet còn chậm

Hiện nay đã có khá nhiều phương thức truy cập Internet: một mạng máy tính kết nối trực tiếp với tổng đài truy cập Internet; gián tiếp thông qua một mạng viễn thông hoặc thẻ Internet trả trước hoặc thực hiện việc kết nối tại các điểm truy cập Internet công cộng... Theo Công ty điện toán truyền số liệu khu vực 3 (VDC 3) số lượng các thuê bao Internet truy cập gián tiếp qua thoại (dial up) là: 1260 là 650, 1260P - 87, 1269 - 1.258, 1268 - 92, Internet công cộng - 20 điểm (tính đến ngày 1-5-2003). Cũng theo VDC 3, đến nay số lượng thuê bao Internet trực tiếp tại Bình Định còn khá thấp - chỉ có 3 đơn vị gồm: ĐHSP Quy Nhơn thuê bao một đường truyền 64Kbps với 100 thuê bao cấp dưới, Trung tâm Hỗ trợ phát triển CNTT thuê bao một đường truyền 128Kbps với 60 thuê bao cấp dưới, Báo Bình Định thuê bao một đường truyền 128Kbps với 25 thuê bao cấp dưới. Thuê bao Internet công cộng hiện chỉ đạt mức bình quân 18 máy/trạm kết nối. Như vậy nếu thực hiện một phép tính quy đổi một cách tương đối thì cả tỉnh Bình Định hiện có 2.632 thuê bao Internet trong đó số thuê bao của các cơ quan đơn vị quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh là 853 thuê bao (chiếm 32,4%).

Sự phát triển về mặt số lượng thuê bao Internet như vậy cho thấy mặc dù đã có nỗ lực chung của cộng đồng, nhưng nhìn chung tốc độ phát triển thuê bao Internet ở Bình Định chưa đạt tiến độ mà Bình Định đặt ra. Nhìn vào biểu đồ phát triển thuê bao Internet sẽ thấy chúng ta đã đi 1/2 đoạn đường về thời gian, nhưng khối lượng công việc hoàn thành chỉ mới đạt được hơn 1/4. Vậy phải làm gì để có thể thực hiện được 3/4 khối lượng công việc trong nửa thời gian còn lại?

* Làm gì để có 10.000 thuê bao Internet?

Giáo dục và các quan hệ hành chính công là hai lĩnh vực mà Internet mau chóng thể hiện được sự ưu việt của mình. Đồng thời chính sự phát triển của Internet trong hai khu vực này cũng cho thấy mức độ phát triển chung của Internet trong xã hội trên tầm tổng quát. Trong Quyết định số 147/2002/QĐ-UB ngày 21-10-2002 của UBND tỉnh về việc khuyến khích phát triển CNTT giai đoạn đến năm 2010 có nội dung đề cập đến những ưu đãi của nhà nước trong đầu tư sản xuất phần cứng và phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực hoạt động CNTT. Thế nhưng quyết định này lại không đề cập, không có một ưu đãi nào dành cho việc phát triển Internet, đặc biệt là Internet công cộng. Trong khi đó cần thấy rằng, với khoảng 20 điểm Internet công cộng/360 thuê bao, chính khu vực này đã giữ vai trò chủ lực trong việc phát triển số lượng người truy cập Internet ở Bình Định. Internet công cộng không nhận đầu tư của ngân sách nhà nước, cũng không được hỗ trợ về vốn lẫn công nghệ, nhưng đã góp phần thực hiện mục tiêu phổ biến Internet vào xã hội mà chính quyền đặt ra. Với những đóng góp như vậy, những người đã bỏ vốn đầu tư cho các điểm truy cập Internet công cộng xứng đáng được UBND tỉnh bổ sung vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ - khuyến khích đầu tư. Mặt bằng Internet của Bình Định sẽ phát triển nhiều hơn nếu khu vực này được khuyến khích phát triển bằng các chính sách như: miễn giảm thuế thu nhập trong một vài năm đầu cho các điểm truy cập Internet công cộng, khuyến khích đầu tư về khu vực các thị trấn thị tứ, nông thôn trong những năm đến. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ một phần kinh phí cước đấu nối hòa mạng ban đầu cho các doanh nghiệp thuê đường truy cập Internet trực tiếp (leased line) để phục vụ nhu cầu phát triển kinh doanh.

Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (Đề án 112) cần phải tăng tốc trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở các sở, ban ngành, huyện - thành phố, đặc biệt chú trọng đến các cơ quan thực hiện dịch vụ hành chính công. Nhanh chóng xây dựng mạng thông tin tích hợp trên Internet để sớm ra đời “cổng hành chính điện tử của tỉnh” với ưu tiên hàng đầu là việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan công quyền và các dịch vụ hành chính công. Có như vậy cộng đồng mới thấy hết hiệu quả của việc thực hiện các giao dịch trên môi trường Internet, khả năng ứng dụng học tập, làm việc rộng rãi trong môi trường Internet. Từ đó từng cá nhân, từng hộ gia đình sẽ cân nhắc và tự đầu tư để mạng Internet vươn đến với mình.

Trong kế hoạch hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Bưu chính - Viễn thông về phát triển giáo dục có hạng mục phấn đấu trong năm 2003 triển khai kết nối Internet tới tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và hơn 1.900 trường trung học phổ thông trong cả nước. Đây chính là cơ hội để Bình Định tận dụng triển khai lộ trình đầu tư để đạt mục tiêu mà Chương trình ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh (2001-2005) đặt ra trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách thì khó có khả năng xây dựng được hạ tầng cơ sở CNTT phục vụ cho nhu cầu phát triển của khu vực này, vì thế tỉnh cần nghiên cứu bổ sung vào chính sách khuyến khích phát triển CNTT hoặc xây dựng một chính sách nhằm đẩy mạnh sự phát triển Internet trong khu vực trường học.

Có thể nói, chỉ khi nào thu hút, huy động được cộng đồng xã hội, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư thì các mục tiêu phát triển các ứng dụng CNTT nói chung - trước tiên là phát triển Internet nói riêng, mới có khả năng trở thành hiện thực.

. Võ Ngọc Anh

(Sở KHCN - MT Bình Định)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tin vui cho người nuôi bò sữa  (24/05/2003)
Theo chân những người khai thác yến sào  (23/05/2003)
Hiệu quả hoạt động của khu du lịch Bãi Dài có tác động rất lớn đến kinh tế du lịch Bình Định  (22/05/2003)
Nhìn từ làng nghề chế biến hải sản Mỹ An  (22/05/2003)
Bảo vệ đa dạng sinh học - những thách thức trên đường phát triển   (21/05/2003)
Nhìn lại tháng cao điểm an toàn giao thông  (20/05/2003)
Làng dưới chân núi Bobbang  (19/05/2003)
Ngày càng có nhiều nông dân - triệu phú  (18/05/2003)
Cấp báo từ hiện tượng ô nhiễm nguồn nước   (16/05/2003)
Ai lên Vĩnh Sơn…  (15/05/2003)
Mùa sứa ở Đề Gi  (14/05/2003)
Khởi sắc từ một làng nghề bánh tráng  (13/05/2003)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Từng bước mở rộng thị trường  (13/05/2003)
Ngồi tại nhà đánh chuông sang xứ người  (11/05/2003)
An Dũng nỗ lực thoát nghèo  (09/05/2003)