Tuy Phước khốn đốn vì nạn dịch tôm
17:18', 27/5/ 2003 (GMT+7)

Một hồ tôm tại Tuy Phước

Huyện Tuy Phước với hơn 1.000 ha mặt nước nuôi tôm, một thời từng được xem là động lực quan trọng để người dân địa phương làm giàu. Thế nhưng, liên tiếp trong vòng 3 năm trở lại đây, người nuôi tôm ở đây luôn phải vật vã với chính cái nghề từng được xem là thế mạnh của mình. Hết bị thiên tai tàn phá rồi đến nạn dịch bệnh hoành hành, đã làm cho nhiều ngư dân bàng hoàng không biết cách nào để xoay trở. Nhiều hộ nuôi tôm đang phải đối mặt với những khoản nợ vay Ngân hàng khá lớn, khó có khả năng hoàn trả. Tương lai nghề nuôi tôm ở Tuy Phước đang phủ lên một bóng đen ảm đạm…

Chúng tôi vừa có dịp về lại những vùng nuôi tôm thuộc các xã khu đông Tuy Phước, thời điểm mà mùa vụ nuôi tôm năm 2003 đang bắt đầu thu hoạch. Trái ngược hẳn với những gì chúng tôi suy nghĩ ban đầu là một không khí bận rộn, tất bật của người nuôi tôm đang chuẩn bị cho một mùa vụ thu hoạch mới, cả vùng nuôi tôm ở khu đông Tuy Phước chìm trong cảnh vắng hoe, chỉ lèo tèo vài ba người đang cố gắng cảo lại các hồ tôm để tranh thủ gỡ được chút ít vốn liếng đầu tư. Ông Phùng Tư, cán bộ xã Phước Hòa đưa chúng tôi đến vùng nuôi tôm Kim Đông, thở dài ngao ngán: “Chuyện con tôm giờ đây chán lắm chú ạ! Ba năm liên tục gần đây người nuôi tôm trong xã phải trắng tay vì nạn tôm dịch chết hàng loạt. Nhiều nông dân phải thế chấp hết toàn bộ cả gia sản, nhà cửa cho Ngân hàng để vay vốn đầu tư cho con tôm mong gỡ gạc lại vốn nhưng càng đầu tư lại càng phải thất vọng. Tiền vốn đầu tư cho nghề thì càng ngày càng lớn nhưng thu hoạch được con tôm thì hầu như chẳng được gì! Người nông dân đang phải đối mặt với thâm thủng, nợ nần”.

Ông Nguyễn Văn Tân, một hộ nuôi tôm ở thôn Kim Đông đang ngồi nẫu ruột bên ao tôm của mình mới ngày hôm qua còn khỏe mạnh mà giờ đây xác tôm chết hàng loạt trôi dạt đầy bờ. Ông Tân nghẹn lòng nói với tôi: “Mùa tôm năm nay, gia đình tôi đầu tư hơn 30 triệu đồng vào ao tôm này nhưng đến giờ này đã hoàn toàn trắng tay! Nạn dịch thân đỏ đốm trắng cứ liên tục tái diễn đã cướp đi bao nhiêu tiền của, công sức của tôi”. Theo ông Tân cho biết, đã 3 năm liên tiếp, ông cố chạy vạy tiền vốn để mong thành công một vụ trang trải nợ nần nhưng hầu như cả 3 năm ông đều phải trắng tay. Giờ đây, tiền vốn đã cạn, ông chỉ còn biết ngồi thờ thẫn bên ao tôm của mình mà không biết cách nào để tìm lối ra cho con tôm.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa thông báo cho chúng tôi biết một con số rất đau lòng: Trong vụ nuôi tôm năm 2003, cả xã có 307 ha mặt nước nuôi tôm, trong đó có 100 ha nuôi theo phương pháp bán thâm canh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, 100 ha nuôi tôm bán thâm canh và 140 ha nuôi quảng canh cải tiến của xã đã bị dịch bệnh chết hoàn toàn. Hiện chỉ còn lại 67 ha mặt nước nuôi quảng canh cải tiến chưa bị dịch nhưng thời gian nuôi mới chỉ được hai tháng chưa dám chắc điều gì xảy ra. Theo ông Xuân, do con tôm liên tục bị dịch bệnh, mất mùa nên hiện nay hầu như cả xã hộ nuôi tôm nào cũng nợ vốn vay của Nhà nước và Ngân hàng từ 30-100 triệu đồng, có hộ nợ lên tới vài trăm triệu đồng. Phần lớn trong số họ hiện khó có khả năng chi trả được nợ.

Còn ở xã Phước Sơn, một thời từng được xem là vựa tôm của huyện Tuy Phước, người nuôi tôm cũng đang lâm vào cảnh khốn đốn không kém. Ông Nguyễn Văn Tâm, cán bộ văn phòng UBND xã Phước Sơn cho biết: Tổng diện tích nuôi tôm của xã trong vụ nuôi tôm năm nay là 304 ha, thế nhưng trong vụ thả đầu tiên toàn bộ diện tích nuôi tôm bị mất trắng vì nạn thân đỏ đốm trắng. Vào thời điểm hiện nay, ngư dân đang cố cải tạo ao để thả nuôi vụ 2 để mong gỡ lại vốn nhưng khả năng thất bại là rất lớn vì xung quanh nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng. Trong khi đó vốn đầu tư trong dân đã bắt đầu cạn kiệt, những vùng trước đây ngư dân mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo phương pháp công nghiệp như vùng nuôi tôm hồ Úc, nhưng giờ đây chủ yếu là nuôi theo phương pháp quảng canh.

Ông Huỳnh Đức Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết, do liên tục trong 3 năm gần đây nghề nuôi tôm ở địa phương luôn bị mất trắng nên hiện nay số tiền nợ Ngân hàng của các hộ gia đình các xã khu đông lên đến vài chục tỉ đồng. Hiện nay để tìm nguồn vốn cho đầu tư nuôi tôm đang hết sức khó khăn vì các đơn vị tín dụng, Ngân hàng không thể tiếp tục cho các hộ nuôi tôm vay tiếp vì họ không còn tài sản gì để thế chấp. Theo ông Trị, chỉ tính riêng nguồn vốn mà UBND tỉnh thông qua huyện cho ngư dân vay không lãi suất khắc phục hậu quả cơn bão số 8-2001 đã lên đến 5,6 tỉ đồng. Đến nay, số nợ này đã quá thời hạn thu hồi nhưng huyện không biết phải dùng biện pháp nào để thu. Trong khi đó, UBND tỉnh đã nhiều lần có công văn yêu cầu huyện phải bằng mọi biện pháp thu hồi khoản tiền này nhưng với thực tế sản xuất tôm ở địa phương nông dân không biết phải tìm đâu ra tiền để trả cho Nhà nước. Ông Trị day dứt nói: “Chúng tôi đã tìm mọi cách phối hợp với các xã khu Đông để thu hồi dứt điểm vốn vay nhưng đến nay vẫn không thể nào thu được. Người nông dân đã cùng đường rồi mình cũng không thể làm cách nào hơn!”.

Được biết, hiện nay người nuôi tôm ở các xã khu đông Tuy Phước làm đơn đề nghị UBND tỉnh cho họ được khoanh các khoản nợ cũ, và có biện pháp can thiệp các đơn vị tín dụng, Ngân hàng trên địa bàn để họ tiếp tục có vốn đầu tư tiếp cho vụ tôm thứ 2 trong năm mong gỡ gạc được phần nào. Nhưng xem ra nếu không có giải pháp cơ bản giúp người nuôi tôm tránh được những tổn thất vì dịch bệnh, thiên tai thì khó khăn, thất bại của người nuôi tôm vẫn luôn hiển hiện.

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Góp phần phát triển du lịch sinh thái biển  (26/05/2003)
Làm gì để có 10.000 thuê bao Internet vào năm 2005?  (25/05/2003)
Tin vui cho người nuôi bò sữa  (24/05/2003)
Theo chân những người khai thác yến sào  (23/05/2003)
Hiệu quả hoạt động của khu du lịch Bãi Dài có tác động rất lớn đến kinh tế du lịch Bình Định  (22/05/2003)
Nhìn từ làng nghề chế biến hải sản Mỹ An  (22/05/2003)
Bảo vệ đa dạng sinh học - những thách thức trên đường phát triển   (21/05/2003)
Nhìn lại tháng cao điểm an toàn giao thông  (20/05/2003)
Làng dưới chân núi Bobbang  (19/05/2003)
Ngày càng có nhiều nông dân - triệu phú  (18/05/2003)
Cấp báo từ hiện tượng ô nhiễm nguồn nước   (16/05/2003)
Ai lên Vĩnh Sơn…  (15/05/2003)
Mùa sứa ở Đề Gi  (14/05/2003)
Khởi sắc từ một làng nghề bánh tráng  (13/05/2003)
Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài: Từng bước mở rộng thị trường  (13/05/2003)