|
Chăm sóc rau tại vườn rau sạch Nhơn Phú (Quy Nhơn) |
Trên 76% dân số toàn tỉnh sống và làm việc ở khu vực nông thôn, nhưng người nông dân lại chưa được quan tâm đầy đủ đến việc bảo hộ lao động. Tai nạn lao động trên lĩnh vực nông nghiệp, do vậy, là những nguy cơ được báo trước…
* Hóa chất trừ sâu: sử dụng ngày càng nhiều
Anh Phan Minh Thái trú thôn Tân Thanh, xã Cát Hải (Phù Cát) phun thuốc trừ sâu nhập lậu từ Trung Quốc. Do bình xịt bị rò rỉ, lại không mang đồ bảo hộ nên anh bị mẩn ngứa, phồng rộp da toàn thân, phải điều trị rất tốn kém. Nhưng đó mới là những triệu chứng bên ngoài, ai lường được những ảnh hưởng đến sức khỏe của anh về sau?
Anh Thái chỉ là một trong rất nhiều trường hợp nông dân gặp tai nạn trong quá trình lao động do không tuân thủ quy trình kỹ thuật khi phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc khi sử dụng các thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cho đến nay, chưa có một con số thống kê cụ thể nào về tình hình tai nạn lao động xảy ra trên đồng ruộng.
Chỉ riêng việc người nông dân hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật, cùng hàng loạt các thiết bị cơ khí mà họ chưa có ý thức và biện pháp bảo hộ lao động, đã là một nguy cơ lớn với sức khỏe. Trong khi đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ngày càng tăng về số lượng. Nếu năm 2000, nông dân trong tỉnh sử dụng 42,6 tấn thuốc bảo vệ thực vật dạng bột; 143,8 tấn thuốc bảo vệ thực vật dạng nước thì năm 2001, các con số này lần lượt là 196 và 242…
Mức độ phun thuốc, cũng trong tình trạng đáng quan ngại. Kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh năm 2002 trên 100 hộ trồng lúa và 100 hộ trồng rau cho thấy: bình quân các hộ phun thuốc 1,5-2 lần/vụ với lúa. Các loại thuốc phổ biến là Padan5, Fastac, Ofatox, Cymerin… Với rau, con số này là 8-12 lần/vụ với các loại Padon 95, Fastac, Oncol, Lanate… Theo đánh giá của ông Đặng Quang Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, tỷ lệ này đã giảm so với những năm trước, tuy nhiên, số lần phun như vậy vẫn còn cao.
Tình trạng dùng những loại thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu của Trung Quốc, không nhãn hiệu, không hướng dẫn sử dụng còn phổ biến. Kết quả thanh tra diện rộng năm 2002 của Chi cục Bảo vệ Thực vật Bình Định cho thấy, nông dân còn sử dụng một số thuốc không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp Việt Nam như thuốc ống kim Trung Quốc (gồm thuốc trừ sâu 558 và thuốc chuột), nhất là nông dân ở các vùng hẻo lành, vùng sâu, vùng xa, không tiếp cận với thông tin. Cây thuốc lá, còn dùng monitor là một loại thuốc trừ sâu đã bị cấm sử dụng. Các loại thuốc này sẽ rất độc hại với người sử dụng, làm ô nhiễm nguồn nước tại các vùng nông thôn và trực tiếp đe dọa đến sức khỏe người nông dân. Trong bảo quản, người nông dân thường cất thuốc bảo vệ thực vật ngay trong nhà, thường là nhà dưới, nơi diễn ra sinh hoạt hằng ngày của gia đình, rất ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
* Bảo hộ lao động cho nông dân: Bỏ ngỏ
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chánh Thanh tra Nhà nước về an toàn và bảo hộ lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định):
Về nguyên tắc, chúng tôi có trách nhiệm theo dõi, quản lý tất cả tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, trong đó, có tai nạn lao động trên đồng ruộng của người nông dân. Tuy nhiên, do quản lý khai báo ở các địa phương chưa thực hiện tốt nên chúng tôi không thể nắm được cụ thể. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành các quy định về sử dụng hóa chất trừ sâu, an toàn máy cơ khí nhỏ, an toàn điện….; các trang bị bảo hộ lao động cần thiết khi sử dụng hóa chất trừ sâu nằm trong danh mục các phương tiện bảo vệ cá nhân. Chúng tôi cũng tích cực phổ biến các quy phạm, quy định này thông qua những đợt tập huấn cho những người làm công tác lao động- thương binh và xã hội ở xã, phường.
Ông Nguyễn Hoành Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh:
Hội Nông dân Việt Nam tỉnh có trách nhiệm cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chức năng, đúng lúc… thông qua các lớp tập huấn. Năm 2002, chúng tôi đã mở 32 lớp, cho khoảng 3.350 người. Tuy nhiên, tất cả mới hạn chế ở công tác tuyên truyền phổ biến. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, trực tiếp là Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh, xây dựng được những mô hình an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trang bị các phương tiện bảo hộ lao động đầy đủ cho người nông dân, từ đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng.
Ông Đặng Quang Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh:
Hiện nay, nhận thức của người nông dân trong tỉnh về sử dụng các trang bị bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn kém. Do cảm thấy bất tiện nên rất ít người sử dụng các trang bị như mũ, khẩu trang bao tay, áo tơi… khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Thông qua các lớp tập huấn IPM, tập huấn sản xuất đầu vụ… và trang bị kiến thức cho các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, để tuyên truyền đến người nông dân về vấn đề này nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. |
Công tác bảo hộ lao động cho người nông dân, dù đã có những quy định cụ thể của Nhà nước, hiện vẫn bỏ ngỏ. Mấy năm trước, Thanh tra chuyên ngành an toàn và bảo hộ lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đã tiến hành kiểm tra về công tác này tại một số xã, HTX trong tỉnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do khối lượng công việc nhiều, lực lượng lại hạn chế, nên hoạt động này không được duy trì. Bảo hộ lao động cho nông dân chỉ còn tập trung vào việc phổ biến một số quy trình, quy phạm an toàn sử dụng các thiết bị điện, máy cơ khí nhỏ, an toàn trong sử dụng hóa chất trừ sâu… lồng trong nội dung tập huấn cho các cán bộ xã, phường làm công tác lao động - thương binh và xã hội của ngành. Tuy nhiên, liệu đội ngũ có truyền đạt đến người nông dân hay không thì lại không được kiểm tra. Bên cạnh đó, một số cơ quan như Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ Thực vật, Hội Nông dân… thông qua các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cũng lồng ghép tuyên truyền một số nội dung liên quan. Tất cả mới dừng ở mức độ tuyên truyền lồng ghép.
Nói chung, nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của việc sử dụng các trang bị bảo hộ lao động, sử dụng thuốc trừ sâu an toàn, vẫn ở mức độ thấp. Bởi ngay khi đã được trang bị bảo hộ lao động, nhưng do không được nhắc nhở, người nông dân cũng không thường xuyên sử dụng. “Rất vướng khi thao tác” - đó là lý do của họ.
Thiết nghĩ, đã đến lúc, công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động cho người nông dân cần phải được các cơ quan chức năng quan tâm. Hơn nữa, nếu người nông dân được tham gia bảo hiểm xã hội (như đang tiến hành ở Nghệ An), thì người lao động mới được hưởng các chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định Nhà nước.
. Lê Viết Thọ
|