|
Đồng muối Cát Minh |
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 240 ha ruộng muối, tổng số lao động chuyên sống bằng nghề muối là 4.947 người, sản lượng muối khai thác hàng năm đạt khoảng 32.000 tấn. Nghề làm muối là một trong những nghề cực nhọc, vất vả, thế nhưng đời sống của diêm dân cứ mãi chìm nổi vì giá muối quá… bèo.
* Muối rẻ như bèo!
Vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có mặt ở đồng muối Cát Minh (Phù Cát). Trong cái nắng như đổ lửa của những ngày hè, chúng tôi đã ghi nhận được một không khí lao động khá nhộn nhịp, tất bật của bà con diêm dân khi bước vào vụ thu hoạch muối mới. Thời tiết năm nay nắng nóng, ít mưa nên rất thuận lợi cho việc sản xuất muối. Tuy nhiên, niềm vui muối được mùa của bà con diêm dân chưa được tày gang thì họ phải “vật lộn” với đầu ra của hạt muối, giá cả liên tục rớt thê thảm làm cho nhiều diêm dân phải nản lòng. Chưa bao giờ viễn cảnh của nghề muối lại mờ mịt như vụ sản xuất muối năm nay. Nhiều diêm dân cho biết, mới bước vào vụ muối đầu tháng 2, giá muối còn nằm ở mức 400-500 đồng/kg, nhưng hiện nay giá muối đã giảm hơn một nửa, còn 150 –200 đồng/kg, thấp hơn thời điểm này năm ngoái đến 500 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Ánh, một diêm dân ở thôn Đức Phổ 1 nói như than thở với tôi: “Nghiệp làm muối là vậy đó! Năm nào thời tiết nắng nhiều, sản xuất muối đạt cao thì năm đó giá cả lại tuột rất thấp. Còn năm nào được giá thì y rằng thời tiết mưa nhiều, ít nắng muối mất mùa”. Hiện nay, giá muối tư thương mua tại đồng là 150.000 đồng/tấn, trong khi theo tính toán của diêm dân thì giá muối phải hơn 300.000 đồng/tấn thì mới có lời.
Ông Huỳnh Ngọc Thơm, Chủ tịch UBND xã Cát Minh cho chúng tôi biết, do giá muối quá hạ nên hiện nay đời sống của bà con diêm dân hiện rất khó khăn. Xã Cát Minh hiện có 61 ha ruộng muối với 250 hộ (1.200 nhân khẩu) chuyên sống bằng nghề làm muối, hầu hết đều thuộc vào diện hộ nghèo. Chủ tịch Thơm đưa ra một so sánh làm chúng tôi phải giật mình: Với giá muối vào thời điểm hiện nay thì 25kg muối mới đổi được 1kg gạo. Trong khi đó, thời vụ sản xuất muối hàng năm chỉ kéo dài từ đầu tháng 2 đến tháng 7, thời gian còn lại họ phải nghỉ làm do bước vào mùa mưa.
Ông Nguyễn Văn Thành, một diêm dân ở thôn Đức Phổ 1 (Cát Minh) than thở: “Gia đình tôi đã sống bằng nghề làm muối này từ mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi thấy yên tâm với nghề. Năm nào bước vào vụ sản xuất muối bà con cũng luôn ao ước giá cả muối ổn định để có đồng tích lũy cho gia đình nhưng hầu như năm nào cũng gặp phải khó khăn, chồng chất. Nợ trước, hụt sau, luôn phải thiếu ăn vào những tháng mưa. Để có cái ăn, cái mặc những người con của ông ngoài làm nghề muối phải đi kiếm thêm những nghề phụ khác để sinh sống.
* Ai cứu hạt muối?
Thực tế nghề làm muối hiện nay là rất khó khăn, đời sống của diêm dân gặp nhiều cơ cực nhưng để giúp người dân thoát khỏi cơn bĩ cực này thì hầu như chưa thấy cơ quan nào ra tay. Việc thu mua muối hiện nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương và họ cứ mặc sức chèn ép giá cả mà không gặp một “đối thủ” cạnh tranh nào. Hễ khi thấy diêm dân được mùa muối thì họ liền hạ giá xuống để trục lợi. Ông Nguyễn Thanh Tri, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (Phù Cát) cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 15 ha ruộng muối, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 1.600 tấn muối nhưng không có đơn vị thu mua muối nào của Nhà nước trên địa bàn, chỉ dựa vào 1 tư nhân. Như vậy làm sao không xảy ra tình trạng chèn ép giá cả nông dân?
Còn ở xã Cát Minh, với 61 ha ruộng muối, sản lượng khai thác hàng năm lên đến trên 10.000 tấn vẫn không có cơ quan nào đứng ra tiêu thụ muối cho diêm dân. Hiện nay, trên địa bàn xã có HTX Diêm nghiệp Cát Minh nhưng thật ra HTX này là hữu danh vô thực. Từ nhiều năm nay HTX “tạm ngừng” thu mua muối vì luôn phải chịu thua lỗ, kho tàng của HTX giờ chỉ dùng để chứa… gỗ.
Ai sẽ cứu hạt muối? Câu hỏi dường như rất khó tìm được câu trả lời.
. Nguyễn Hân
|