|
Công trình nước sạch ở bán đảo Nhơn Hội (Quy Nhơn) |
Vào ngày 5-6 hàng năm, hàng trăm quốc gia trên thế giới lại tổ chức kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Ngày Môi trường Thế giới là một trong những sự kiện mà thông qua các chủ đề cụ thể, cơ quan bảo vệ môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) muốn nâng cao nhận thức của nhân loại về “Môi trường của trái đất”, khuyến khích các nhà lãnh đạo, các cơ quan quản lý tăng cường quan tâm và có những hành động thiết thực trong bảo vệ môi trường. Với chủ đề Nước - Hai tỉ người đang khát (Water - Two billion people are dying for it), năm nay UNEP đang khẩn thiết kêu gọi mỗi người trong chúng ta chung sức giữ gìn nguồn sống quý giá của hành tinh chúng ta. Đó là Nước.
* Nước ngọt - vấn đề thời sự quốc tế
Nước là nguồn tài nguyên có ý nghĩa sống còn đối với mỗi sinh vật, nhưng nguồn tài nguyên này lại có hạn. Hơn 80% trong số toàn bộ các bệnh tật của con người trên thế giới bắt nguồn từ việc không được tiếp cận với nguồn nước sạch, do sử dụng nước bẩn. Trên thế giới có hơn 200 thủy vực và là tài nguyên chung của từ hai quốc gia trở lên, và tình trạng khan hiếm nước sẽ tạo tiềm năng về các tranh chấp nguy hiểm. Hầu hết các nguồn nước trên trái đất đều không thể dùng trực tiếp được: 97% là nước biển, 2% nằm kẹt trong cát núi, sông băng. Nhân loại chỉ sử dụng thường xuyên 1% còn lại, nhưng một tỷ lệ không nhỏ trong số này lại nằm sâu trong lòng đất, khó khai thác.
Trước đây, nhân loại phải đau đầu với các vấn đề an ninh và kinh tế. Gần hơn một chút nữa là nỗi lo về sự cạn kiệt các nguồn năng lượng (than đá, dầu mỏ...). Giờ đây các cuộc khủng hoảng sinh thái đã trở thành nguy cơ trước mắt mà nước ngọt - nguồn tài nguyên không thể tái tạo bị đe dọa đầu tiên. Ít ai biết rằng 9 trong số 14 nước ở khu vực Trung Đông đã phải đối mặt với các điều kiện khan hiếm nước do trên lãnh thổ của mình không có mưa. Những quốc gia này đã trở thành khu vực khan hiếm nước ngọt nhất thế giới. Ở Trung Đông, nước ở các dòng sông (hầu hết đều chảy qua một vài nước) là nguyên nhân của nhiều cuộc xung đột vũ trang trong nhiều thập kỷ qua.
Theo dự báo của các nhà khoa học, đến năm 2025 sẽ có khoảng 34 quốc gia có lượng nước ngọt dự trữ tụt xuống dưới mức 1.000m3/người/ năm. Trong khi đó, nhu cầu dùng nước của thế giới lại tăng mỗi năm khoảng 2% đến 3%, và cứ sau 21 năm lại tăng gấp đôi. Do nhu cầu tăng do sự phân bố không đồng đều nguồn nước mưa, nước mặt, nước ngầm, hiện tượng thiếu nước sinh hoạt và các bức xúc trong nhu cầu về nước sẽ dẫn đến nhiều căng thẳng chính trị, thậm chí sẽ diễn ra ở cấp khu vực. Vì những lẽ như trên UNEP muốn thông điệp “Nước -Hai tỉ người đang khát” phải được từng người một trên thế giới biết đến. Biết để có ý thức trong việc sử dụng, để có ý thức trong việc bảo vệ nguồn, ngăn chặn các tác nhân làm xấu nguồn nước.
* Tài nguyên nước ngọt đang được sử dụng như thế nào ở Bình Định?
Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung có mùa mưa ngắn, thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12. Lượng mưa trong các tháng này chiếm 70% - 77% tổng lượng mưa trong năm. Lượng mưa năm trung bình ở thượng nguồn sông Kôn và sông An Lão có thể đạt 2.600-2.800mm, ở đồng bằng ven biển 1.600-1.800mm. Nguồn nước mặt địa bàn của tỉnh được điều tiết qua các dòng sông lớn như sông Kôn, sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Hà Thanh. Để tăng lượng tưới nông nghiệp, tỉnh đã cho xây các hồ chứa lớn: hồ Núi Một, hồ Vĩnh Sơn, hồ Thuận Ninh, hồ Hội Sơn, hồ Định Bình… Ngoài ra, còn một số hồ nhỏ như Diêm Tiêu, Thạch Khê, Tường Sơn, Long Mỹ, Mỹ Bình… được xây dựng phục vụ mục đích tưới tiêu và nuôi cá nước ngọt.
Theo số liệu điều tra của Liên đoàn Địa chất miền Nam thì Bình Định có lưu lượng nước ngầm trung bình, độ sâu trung bình của các mạch nước ngầm ở vùng đồng bằng từ 5 - 7m; vùng trung du, miền núi từ 10 - 12 m, có nơi hơn 20m. Chất lượng nước khác nhau theo từng vùng. Nguồn tài nguyên này hiện nay được khai thác ở một số khu vực như sau: khu vực Tam Quan 898 m3/ ngày, khu vực Trà Ổ 3.077 m3/ ngày, khu vực Quy Nhơn 17.983 m3/ngày. Nguồn nước cung cấp cho nhu cầu sử dụng của TP Quy Nhơn là 8 giếng ngầm được phân bố dọc theo phía bắc sông Hà Thanh. Công suất cung cấp hiện nay đạt khoảng 20.000 m3/ngày. Hiện nay nguồn nước này chủ yếu cung cấp cho các khu vực tập trung đông dân cư trong nội thành Quy Nhơn. Đối với các phường xa khu vực trung tâm như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú nước máy mới chỉ đảm bảo cung cấp một phần cho nhu cầu của địa bàn. Để đảm bảo việc cung cấp nước sạch được ổn định, TP Quy Nhơn đang tiến hành thực hiện dự án với vốn vay của ADB để nâng thêm công suất khai thác 25.000 m3/ngày đêm từ nguồn nước Sông Kôn (đập Thạnh Hòa).
Bên cạnh các dự án do ngân sách đầu tư, Nhà nước cũng khuyến khích và hỗ trợ để các thành phần kinh tế, các hộ gia đình đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch và cải tạo nguồn nước hiện có, phấn đấu đến 2005 có 80% số dân nông thôn sử dụng nước sạch. Từ các số liệu trên có thể thấy rằng ở Bình Định lượng nước ngầm khai thác còn rất khiêm tốn và chủ yếu dùng cho sinh hoạt.
* Nguồn nước - phát triển sử dụng hợp lý và bảo vệ
Để đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt và cho sản xuất công nghiệp đặc biệt đến năm 2010 đảm bảo 100% dân số được dùng nước sạch, bên cạnh việc nâng cấp, mở rộng nhà máy nước hiện có, tỉnh cần đẩy mạnh chương trình nước sạch nông thôn với phương thức chính là xây dựng các hệ thống cấp nước mini sử dụng các nguồn nước từ các giếng khoan sâu. Để có kế hoạch sử dụng và khai thác hợp lý tài nguyên nước từ nay đến năm 2005, Bình Định đã đặt ra các mục tiêu cấp bách trong chiến lược bảo vệ môi trường - tài nguyên nước:
- Điều tra tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Tăng cường khảo sát địa chất thủy văn để đánh giá tương đối chính xác trữ lượng nước ngầm phục vụ cho việc quy hoạch, phát triển, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm của tỉnh.
- Xây dựng hệ thống quan trắc về chất lượng nước ngầm. Nghiên cứu các giải pháp chống nhiễm mặn nguồn nước ngầm ven biển.
- Tận dụng nguồn nước mặt để phục vụ sinh hoạt ở vùng núi và các hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt ở nông thôn.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp hiệu quả đảm bảo việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường nhằm ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.
- Kiểm soát việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ nguồn nước ngầm và chất lượng nước ao hồ sông ở nông thôn.
. TS Man Ngọc Lý
(Giám đốc Sở KHCN & MT)
|